Chú Hiệp

25/09/2023 09:00 GMT+7

Chú Hiệp là cái tên tôi vẫn hay gọi người sáng lập và điều hành cơ sở bảo trợ trẻ em mồ côi Thiên Thần – Mái ấm Thiên Thần (203 Đường số 1, P.Long Trường, TP.Thủ Đức, TP.HCM).

Chú tên đầy đủ là Bùi Công Hiệp, vừa là một người cha, người chú, người thầy, vừa là người bạn của rất nhiều em nhỏ ở Mái ấm Thiên Thần.

Chú Hiệp - Ảnh 2.

Buổi học bơi và vui chơi dưới nước của các em tại Mái ấm Thiên Thần

TGCC

Tôi gặp chú trong một dịp đến thăm mái ấm, và một người bạn của tôi tặng chú thiết kế bản vẽ xây dựng sân vận động cho các em ở đây. Tôi được gặp và trò chuyện cùng chú, dù chỉ là câu chuyện ngắn nhưng tấm lòng và tư tưởng của chú thì thật sự quá rộng mở. Trong rất nhiều năm tôi tham gia các hoạt động thiện nguyện, đến rất nhiều trung tâm bảo trợ và nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật, gặp rất nhiều những nhân vật "siêu anh hùng" giữa đời thường, dang rộng vòng tay và mang trái tim ấm áp để giúp đỡ, chở che cho các em; nhưng lần đầu tiên có một người mang trong mình nỗi trăn trở như chú - về việc tạo ra môi trường sống chưa đủ, mà cần môi trường giúp các em phát triển thân – tâm – trí.

Thân là sức khỏe thể chất: là bữa ăn đủ dinh dưỡng, là các em thèm gì thì chú sẽ cố gắng mỗi cuối tuần có một bữa "đã thèm"; là chơi thể thao rèn luyện thể chất; là phòng ốc sạch sẽ, thoáng mát. Căn nhà của chú được tận dụng tối đa với đầy đủ phòng học, phòng ăn, phòng ngủ, khu vực vệ sinh, sân chơi, hồ bơi. Không những lo cho cuộc sống của các bé được đầy đủ hằng ngày, vợ chồng và 2 con của chú Hiệp còn có một quyết định: tặng gia tài gồm 2.500 m2 đất cùng căn nhà 3 tầng cho các em. Chú Hiệp chia sẻ: "Toàn bộ tài sản này sẽ là của bọn trẻ. Vợ chồng tôi muốn rằng tương lai của chúng sẽ được tươi sáng hơn".

Chú Hiệp - Ảnh 3.

Các em tham gia trồng rừng (cây giáng hương) trong khu bảo tồn Phước Bửu (Bà Rịa-Vũng Tàu)

Tâm là sức khỏe tinh thần: là được vui chơi; được xem bộ phim hoạt hình hay nghe bài hát thiếu nhi các em thích; là thỉnh thoảng được ra ngoài đi chơi; là được bày tỏ tâm tư tình cảm trong lòng.

Trí là phát triển trí tuệ bằng tri thức: là được đi học; là được học tiếng Anh; là được học ngoại khóa bằng các chuyến dã ngoại; là được tham dự các cuộc thi. Tôi ngưỡng mộ và khâm phục chú vì quan điểm hiện đại và tạo ra môi trường tốt nhất cho các em.

Chú không chỉ nói và vẽ nên ước mong trên lý thuyết, chú vẫn đang từng ngày xây dựng điều đó bằng chính sức lực, thời gian và tâm huyết của mình. Những lúc mái ấm có nhiều người quan tâm và giúp đỡ, đến thăm hỏi các em, chú Hiệp đều gần gũi trò chuyện với nụ cười đầy niềm tin, lạc quan rằng bất cứ ngày nào chú còn sức khỏe chú sẽ vẫn lo cho đàn con "siêu to khổng lồ" này những gì tốt đẹp nhất. 

Chú Hiệp - Ảnh 4.

Lớp học tại Mái ấm Thiên Thần

Chú lặng lẽ đóng nhiều vai trò trong mái ấm nhưng chẳng bao giờ buông lời thở than hay kể lể. Hệ thống điện, nước, thoát nước, ống cống, nhà vệ sinh chú đều "cân" được hết. Việc gì khó có chú Hiệp lo! Tôi đã thực sự xúc động khi nhìn thấy hình ảnh chú Hiệp dọn dẹp từng nhà vệ sinh để các em sống trong môi trường sạch sẽ, an toàn. Tất cả mọi thứ hư hỏng tại mái ấm, chú đều như một "người cha đa năng" tự sửa chữa, khắc phục cùng với sự đồng hành, cổ vũ tinh thần bằng tiếng cười và bàn tay nhỏ xíu của các em. 

Nếu chúng ta có tâm thiện lành, có trái tim ấm áp thì không bao giờ là quá muộn để làm việc tốt, để sống tốt mỗi ngày bằng nhiều cách khác nhau. Chú Hiệp và gia đình chú đã trở thành gia đình của các em, không phân biệt bất kỳ hoàn cảnh nào. Cuộc đời có thể không ưu ái các em nhưng được sống dưới Mái ấm Thiên Thần đã là một hạnh phúc. Các em đã có một mái nhà, một trường học, một nơi vui chơi và có tình thân của người cha, của cô Hạnh (quản lý tại Mái ấm Thiên Thần) và của tất cả những mạnh thường quân, những người đã luôn hỗ trợ, tiếp thêm tinh thần cho chú Hiệp trên hành trình "làm cha bất đắc dĩ" vô cùng tự nguyện, vô cùng yêu thương này.

Chú Hiệp - Ảnh 5.

Chú Hiệp sửa xe đạp cho các em

Hy vọng câu chuyện về chú Hiệp sẽ khắc ghi trong ký ức đẹp đẽ của các em mãi về sau, và hy vọng các em lại tiếp tục thay chú duy trì mái ấm, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh đặc biệt hơn. Có lẽ điều chú Hiệp mong mỏi nhất vẫn chỉ là các em cũng sẽ lớn lên, trưởng thành, sống tử tế, chân thành và hạnh phúc. Bài viết này không chỉ là một bài dự thi mà tôi rất muốn gửi lời cảm ơn và tri ân với phép màu mà "ông Bụt" – chú Hiệp đã mang đến cho các em có hoàn cảnh đặc biệt, giúp một cuộc đời ở cuối đường hầm tìm thấy ánh sáng và niềm tin vào những điều tươi đẹp vẫn luôn tồn tại.

Chú Hiệp - Ảnh 1.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.