'Còn sức khỏe, tui còn cho trò nghèo cái chữ!'

Lê Đức Đồng
Sóc Trăng
20/09/2023 09:00 GMT+7

Đó là lời bộc bạch tự đáy lòng của cô giáo Trần Thị Kính, người dân tộc Khmer, dạy lớp tình thương cho trẻ em Khmer nghèo tại ấp An Thành, thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.

Khi đã hơn 80 tuổi, cô Kính vẫn còn cần mẫn, miệt mài lên lớp với một tình thương yêu học trò kỳ lạ! Vùng quê này, nhiều gia đình Khmer nghèo yêu mến, cảm phục cô và gọi cô một cách trìu mến là "bà Tiên của tụi nhỏ".

'Còn sức khỏe, tui còn cho trò nghèo cái chữ!' - Ảnh 2.

Cô Kính khi còn giảng dạy "Lớp tình thương"

TGCC

Sau này, do sức khỏe không còn như trước, đồng thời con cháu muốn cô giữ gìn sức khỏe nên cô Kính phải rời xa bục giảng sau hơn 50 năm gắn bó với ngành giáo dục, với các lớp tình thương mà cô dày công vun đắp.

Ngược dòng thời gian để nhìn thấy rõ hơn, sâu đậm hơn hình ảnh một cô giáo mảnh khảnh, gầy gò nhưng ẩn chứa một nghị lực lớn, một tình thương lớn với những mảnh đời lay lắt, bất hạnh…

Khởi đầu nghề dạy học của cô gái Khmer

Sinh ra trong một gia đình nghèo tại xã Phú Tâm (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng), từ nhỏ cô bé Kính đã đội nắng dầm mưa đi bắt ốc mò cua, cắt lúa mướn, mót lúa trên đồng sau mùa gặt...

Nhờ có mẹ làm cô giáo trường làng nên dù gia cảnh khó khăn, cô bé Kính vẫn được cha mẹ chắt chiu cho con cái đi học đến nơi đến chốn.

Nối gót mẹ, năm 1958, cô bước vào nghề dạy học với bao niềm khát khao cống hiến cho mảnh đất vùng xa, vùng sâu này.

Năm 1967, cô theo chồng về thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Những năm dạy học đã đọng lại trong cô lòng thương dạt dào đối với con trẻ, nhất là các em học sinh tiểu học dân tộc Khmer.

Cô thầm nghĩ: "Nghèo không phải là cái tội, mà là do hoàn cảnh, điểm xuất phát của mỗi gia đình. Một trong những nguyên nhân đói nghèo đầu tiên là thiếu cái chữ! Có cái chữ thì sẽ có kiến thức, có hiểu biết… Mong lớp trẻ này lớn lên sẽ khác, sẽ đổi đời từ cái chữ ở trường".

Thương trò như thể thương thân

Năm 1992, cô Kính nghỉ hưu nhưng vẫn đau đáu hướng về các em học trò nhỏ hiền lành một thời mình gắn bó. Ngọn lửa nhiệt tình, ngọn lửa yêu thương lại bừng cháy, và thật trùng hợp, đó cũng là lúc chủ trương, kế hoạch phổ cập giáo dục tiểu học được đưa ra - vào thời điểm Sóc Trăng tái lập tỉnh.

Với tình thương, trách nhiệm của mình, cô tha thiết, mạnh dạn đề xuất mở "Lớp tình thương" cho trẻ em Khmer mù chữ và được cấp thẩm quyền đồng ý. Buổi ban đầu từ con số không, cô mượn một ngôi chùa tại thị trấn Kế Sách làm điểm học tạm thời.

Gọi tên "Lớp tình thương" thật đúng với nghĩa của nó! Bởi vì tập trung về đây là các trẻ em đủ lứa tuổi, chân đất đầu trần, tóc khét nắng vì phải bươn chải cùng cha mẹ đi bán vé số, làm mướn…

Với chiếc xe đạp cũ kỹ, cô rong ruổi khắp các ấp để đi tìm từng học trò thất học mà cô gọi vui là "đi mót học trò", kêu cha mẹ chúng đưa đến lớp.

Cô phân loại theo mức tương đối từng nhóm để dạy có hiệu quả vì sức học, khả năng tiếp thu của từng em khác nhau. Lớp tình thương phải vừa "dạy" vừa "dỗ" các em bằng tình thương thực sự; bằng sự nhẫn nại, bền bỉ mới "lấy lòng" được các em, để các em hợp tác cùng học, cùng chơi.

Nhận thấy cách dạy đúng lịch, đúng giờ, đúng ngày chính quy không thể áp dụng vào "Lớp tình thương" này vì sĩ số luôn dao động tùy theo vụ mùa, do có khi học gần hết học kỳ lại phải nghỉ theo cha mẹ đi làm mướn xa…, cô suy nghĩ phải có cách làm khác, phù hợp hơn, sát thực tế hơn. Đó là phương pháp học theo kiểu "tín chỉ": các em hoàn thành phần nào thì ghi nhận kết quả phần đó, chừng nào hoàn thành hết chương trình mới cho lên lớp.

Cách làm này, cô gọi một cách dân dã là "khi cơm chín thì mới tắt lửa", tạo điều kiện cho các em lại trở về học tiếp và hoàn thành chương trình quy định. Cô tâm sự rằng đã thương thì thương đến cùng, không buông bỏ các em giữa chừng, tội nghiệp…

Cách làm hiệu quả này đã được phòng giáo dục huyện chấp nhận, đưa các lớp tình thương của cô vào kế hoạch xóa mù chữ. Mặt khác, phòng giáo dục còn hỗ trợ một phần kinh phí, dụng cụ học tập như viết, tập vở, sách giáo khoa nhằm cổ vũ, động viên cô và trò.

Trong "Lớp tình thương" này, giờ ra nghỉ giải lao, cô ngồi tết tóc, chải tóc cho từng trò gái, tâm sự với chúng như người mẹ trải lòng với con, từ việc chăm sóc thân thể khi đến ngày kinh nguyệt đến việc phòng tránh rủi ro trong cuộc sống. Bởi do hoàn cảnh nghèo khó, cha mẹ lại mù chữ nên việc dạy kiến thức giới tính cho con không thể có nhiều. Các em cứ lớn lên như trái bầu, trái bí nên rất dễ bị lạm dụng tình dục. Với đám con trai, cô nhỏ nhẹ khuyên các em không đánh lộn, chửi thề; đừng tập tành uống rượu, hút thuốc vì sẽ gây ra nhiều hậu quả về sau.

Những lúc rảnh rỗi ở nhà, cô mang quần áo rách của trò về ngồi vá, khâu… Những lúc này, cô không những là cô giáo dạy chữ mà như người mẹ, người bà gần gũi, thân yêu của các em, của những mảnh đời nghèo khó.

Các trò nghèo được bày dạy, được lớn lên từng ngày khi được cô tận tình chỉ bảo, từ việc nhỏ đến việc lớn… "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui", là một ngày thêm hiểu biết, từ hiểu biết từng cái chữ đến hiểu biết những cách sống, lối sống mà cô Kính dạy qua từng trang sách, từng câu chuyện dễ hiểu, dễ nhớ.

Việc dạy "Lớp tình thương" của cô đạt hiệu quả, "tiếng lành đồn xa" nên nhiều tổ chức xã hội của huyện, của tỉnh tận tình giúp đỡ; cung cấp tập vở, quần áo, cặp sách; cả việc tài trợ đi dã ngoại, tham quan. Vì thế, phụ huynh, học sinh càng phấn khởi, ít khi bỏ học nửa chừng. Chùa Pô Thi Kh' Sách nơi cô mượn giảng dạy cũng đã tạo điều kiện rất nhiều trong thời gian đầu khi chưa có lớp học riêng.

Hình ảnh cô Kính với giọng nói đã run run theo từng nhịp thở nhưng vẫn miệt mài chỉ dẫn từng nét chữ, từng bài học cho trò làm cho mọi người cảm phục, quý mến nhân cách cao đẹp của cô giáo người Khmer…

Niềm vui từ trái ngọt cuộc đời

Nếu tính trung bình, mỗi lớp học tình thương có từ 20 - 25 em thì trong khoảng thời gian hàng chục năm gắn bó, cô đã góp phần xóa mù chữ, đào tạo được trên 1.000 học sinh cho địa phương.

Nhiều em hằng năm chuyển qua học tiếp cấp trung học cơ sở rồi lên trung học phổ thông. Cái chữ đã làm các em học trò nghèo Khmer "sáng mắt, sáng lòng" và mở ra những tương lai tốt đẹp.

Có nhiều em đã trưởng thành từ "Lớp tình thương", vào bộ đội, công an, làm giáo viên… nhưng không quên ngày lễ 20.11 là rủ nhau về thăm người cô đáng kính, giàu lòng yêu thương, giàu lòng bao dung, độ lượng thuở nào.

Với những đóng góp của mình cho sự nghiệp giáo dục, cô Kính đã được trao tặng huy chương "Vì sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam", nhận nhiều Bằng khen của UBND tỉnh, của Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng nhiều giấy khen của địa phương, của các ban ngành trong tỉnh Sóc Trăng.

Cô Kính tự hào, phấn khởi nói: "Nhờ có được cái chữ mà gương mặt các em giờ đây sáng lên, tươi lên thấy rõ. Tui mừng nhiều lắm!".

Sự tiến bộ, sự trưởng thành, trở nên người hữu ích cho xã hội của các em là phần thưởng lớn nhất, tuyệt vời nhất mà cô nhận được! Không phải người nào cũng có vinh dự để đời này đâu, phải không cô?

'Còn sức khỏe, tui còn cho trò nghèo cái chữ!' - Ảnh 3.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.