Dục tốc bất đạt

16/05/2012 03:29 GMT+7

Việc trì hoãn quyết định thành lập liên minh chính trị và an ninh giữa 6 thành viên Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) là bằng chứng về bất đồng quan điểm trong nội bộ tổ chức này. Đó đồng thời là một thất bại chính trị của Ả Rập Xê Út . Ả Rập Xê Út không chỉ khởi xướng và hăng hái thúc đẩy thực hiện ý tưởng trên mà còn gây áp lực mạnh mẽ đến các thành viên khác của GCC.

Thực ra, cả 6 thành viên GCC đều rất muốn thể chế hóa tổ chức hơn nữa. Tuy nhiên, ngoài Ả Rập Xê Út và Bahrain, bốn thành viên còn lại là Kuwait, Qatar, UAE và Oman lại không mặn mà tới mức thiết lập mô hình liên minh giống EU mà Ả Rập Xê Út đề xuất. Bốn nước này e ngại bị Ả Rập Xê Út lấn lướt nên sẽ không còn được độc lập và tự chủ như trước. Ngoài ra, họ còn lo sợ ảnh hưởng quá lớn của phương Tây, thông qua Ả Rập Xê Út, đối với nội bộ xã hội từng nước.

Như vậy, vấn đề chỉ là hình thức và mức độ thể chế hóa GCC, chứ 6 thành viên tổ chức này đều muốn liên minh chặt chẽ hơn. Điều này bắt nguồn từ việc họ cùng lo ngại Iran. Đồng thời, Ả Rập Xê Út còn muốn lợi dụng GCC để ganh đua vai trò cường quốc khu vực với Iran, đây chính là lý do khiến Tehran phản đối. Ngoài ra, 6 thành viên thuộc GCC đều muốn hợp pháp hóa sự hậu thuẫn quân sự và đảm bảo an ninh từ nước ngoài để phòng ngừa tác động của làn sóng chính biến. Vì thế, GCC trì hoãn quyết định trên đơn giản vì thời điểm chưa thích hợp, tránh dục tốc bất đạt khiến tạo ra tác dụng ngược.

La Phù

>> Phương Tây “sắp tấn công” Syria
>> Mỹ và đồng minh chuẩn bị can thiệp quân sự tại Syria?
>> Ông Kofi Annan làm đặc phái viên tại Syria 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.