Bài học ngoại giao 19.8

19/08/2014 02:30 GMT+7

69 năm trôi qua, bài học ngoại giao trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Hà Nội ngày 19.8.1945 vẫn đầy tính thời sự.

 Quang cảnh cuộc biểu tình ngày 19.8.1945
Quang cảnh cuộc biểu tình ngày 19.8.1945 tại quảng trường Nhà hát Lớn - Anh: tư liệu

Sáng 19.8, những đoàn biểu tình đông đảo với băng, cờ, khẩu hiệu và khí thế cách mạng đang hừng hực bốc cao, từ Dịch Vọng, Chèm, Thịnh Liệt, Ngã Tư Sở, vượt qua nhiều trạm gác của Nhật tiến vào trung tâm Hà Nội. Quảng trường Nhà hát Lớn là tâm điểm hội tụ của các đoàn người. Sau khi nghe lời hiệu triệu của Ủy ban khởi nghĩa, các đoàn biểu tình tỏa đi chiếm các cơ quan đầu não của chính quyền bù nhìn. Tại những vị trí then chốt như Phủ khâm sai, Tòa thị chính… lực lượng cách mạng đều nhanh chóng làm chủ tình hình.

Chỉ riêng tại trại Bảo an binh (trên phố Hàng Bài ngày nay) đã nảy sinh tình huống căng thẳng khi Nhật đưa xe tăng và binh lính tới uy hiếp, đòi thu vũ khí lực lượng của ta. Bên trong, các đội viên thanh niên cứu quốc giữ chặt cửa trại, sẵn sàng đối phó với tình huống xấu. Bên ngoài, đông đảo quần chúng vây chặt quân Nhật, không cho chúng sử dụng vũ lực. Đại diện lực lượng khởi nghĩa do đồng chí Lê Trọng Nghĩa dẫn đầu đã nhanh chóng đến Bộ chỉ huy quân Nhật ở Đồn Thủy (Bệnh viện 108 ngày nay) thuyết phục lực lượng này tôn trọng những quyết định của nhân dân VN, nêu rõ với quân Nhật rằng: Lực lượng khởi nghĩa chỉ lật đổ chính phủ bù nhìn, không tấn công lực lượng Nhật đã đầu hàng Đồng minh. Cuộc thương lượng khéo léo đã thành công. Lực lượng Nhật sau đó rút về trại và không có hành động can thiệp. 

Tỉnh táo và trí tuệ

Việc tránh được xung đột với quân Nhật là một thắng lợi quan trọng của cuộc khởi nghĩa tại Hà Nội. Nếu để xảy ra xung đột sẽ dễ dẫn đến những tình huống phức tạp, cực kỳ nguy hại cho cuộc khởi nghĩa. Khi đó, Quân đoàn 38 của Nhật với hơn một vạn lính và đầy đủ vũ khí, đóng giữ quanh Hà Nội vẫn có thể nổ súng vào lực lượng khởi nghĩa với nhiều lý do: để tự vệ, để giữ gìn trật tự tại nơi đóng quân... Đây là nét sáng tạo độc đáo trong phương thức khởi nghĩa tại Hà Nội so với các địa phương khác. Trung ương Đảng đã kịp thời rút kinh nghiệm và chỉ thị cho các địa phương khác, nơi nào có tình hình tương tự thì cứ tiến hành khởi nghĩa như cách làm của Hà Nội.

Từ mùa thu 69 năm trước nhìn về hôm nay: Với một kẻ địch mạnh hơn nhiều lần, phương án bảo vệ đất nước hữu hiệu không phải là dàn trận “một đổi một” - điều này sẽ dẫn đến diệt vong nhanh chóng - mà cần hơn hết một trí tuệ, một sự tỉnh táo, biết “Lấy ít địch nhiều”, “Dùng đoản binh mà chế trường trận”, “Tránh chỗ địch mạnh, đánh chỗ địch yếu”, “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/Lấy chí nhân mà thay cường bạo”. Ở tầm quốc gia, mỗi hành động bảo vệ chủ quyền luôn phải là kết quả của sự cân nhắc kỹ lưỡng nhiều mối tương quan lực lượng. Trong đấu tranh ngoại giao càng cần sách lược khôn khéo, biện pháp mềm mỏng khi nêu cao chính nghĩa và kiên quyết giữ vững lợi ích và chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc. Đó là những bài học lịch sử quý báu.

Chữ Dũng luôn cần đi cùng với chữ Trí. Mọi hành động vì lợi ích chủ quyền dân tộc luôn cần phải có trí tuệ và bản lĩnh, không thể là những hoạt động mang tính cảm hứng cá nhân. Và lịch sử cũng sẽ có sự phán xét công minh. Bài học bình tĩnh, sáng suốt lựa chọn sách lược phù hợp ứng phó thành công với những nguy cơ lớn từ bên ngoài chúng ta có thể học được từ cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Hà Nội ngày 19.8.1945.  

Tiến sĩ Ngô Vương Anh

>> Cách Mạng Tháng Tám, cuộc thử lửa
>> Kỷ niệm trọng thể 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9
>> Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Dựa vào dân - bài học từ Cách mạng Tháng Tám

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.