Chiến sự tối 17.3: Mỹ hé lộ video UAV rơi, Nga khen thưởng phi công Su-27

17/03/2023 18:43 GMT+7

Moscow và Washington vẫn tiếp tục tranh cãi về nguyên nhân khiến chiếc MQ-9 của Mỹ rơi ở biển Đen, giữa lúc hai nước NATO đầu tiên thông báo họ sắp cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine.

Nga khen thưởng phi công "hạ" UAV Mỹ

Reuters đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã trao tặng "giải thưởng nhà nước" cho các phi công của hai máy bay chiến đấu Su-27 trong vụ máy bay không người lái (UAV) MQ-9 của Mỹ rơi ở biển Đen hôm 14.3, theo hãng tin RIA.

Khi công bố các giải thưởng ngày 17.3, Bộ Quốc phòng Nga tái khẳng định các máy bay Nga đã không va chạm với UAV Mỹ, và chiếc MQ-9 rơi vì chuyển hướng gấp dẫn đến mất lái và mất cao độ. 

Xem nhanh: Ngày 386 chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine có diễn biến gì nóng?

Moscow cũng cho rằng thiết bị của Mỹ đã xâm phạm ranh giới khu vực được thiết lập tạm thời cho "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tại Ukraine.

Bản tin cũng dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng hành động của Mỹ giống như một sự khiêu khích nhằm gia tăng căng thẳng.

Chiến sự tối 17.3: Mỹ hé lộ video UAV rơi, Nga khen thưởng phi công Su-27 - Ảnh 1.

Một máy bay trong vụ UAV Mỹ rơi ở biển Đen, theo video của quân đội Mỹ

USEUCOM/AFP

Mỹ vốn bác bỏ những tuyên bố này, cho rằng một trong hai chiếc Su-27 của Nga đã đụng trúng cánh quạt của chiếc UAV, khiến nó rơi xuống biển. Trước đó, hai tiêm kích của Nga đã liên tục bay lên trước và xả nhiên liệu vào chiếc MQ-9 "một cách liều lĩnh" và "thiếu chuyên nghiệp", theo quân đội Mỹ.

Trong một động thái hiếm hoi, Lầu Năm Góc ngày 16.3 công bố một đoạn video dài 40 giây đã được chỉnh sửa cho thấy một máy bay chiến đấu của Nga áp sát và xả nhiên liệu gần một UAV của Mỹ trên không, cũng như cho thấy một cánh quạt của UAV bị hư hỏng sau đó.

Tiếng pháo vang vọng từ Bakhmut; Ukraine sắp nhận được 4 chiếc MiG-29 từ Ba Lan

Bước ngoặt trong nỗ lực của phương Tây?

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda ngày 16.3 cho biết Warsaw dự kiến chuyển cho Ukraine 4 tiêm kích MiG-29 "trong những ngày tới". Đây sẽ là lần đầu tiên một thành viên NATO cung cấp chiến đấu cơ cho Kyiv kể từ khi xung đột bùng nổ. Theo nhà lãnh đạo, Ba Lan hiện có khoảng hơn chục máy bay MiG thừa hưởng từ Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây.

"Những chiếc MiG này vẫn đang phục vụ trong lực lượng không quân Ba Lan. Chúng đang trong những năm hoạt động cuối cùng nhưng phần lớn vẫn hoạt động bình thường", AFP dẫn lời ông Duda. Ông cũng cho biết MiG là "máy bay mà các phi công Ukraine có thể vận hành ngay hôm nay mà không cần bất kỳ khóa huấn luyện nào khác".

Nối gót Ba Lan, Thủ tướng Slovakia Eduard Heger ngày 17.3 thông báo chính phủ nước này đã phê duyệt việc cung cấp các máy bay MiG-29 cho Ukraine. Phi đội MiG-29 gồm 11 chiếc của Slovakia đã "nghỉ hưu" vào mùa hè năm ngoái và hầu hết chúng đang không ở trong tình trạng hoạt động. Slovakia sẽ chuyển cho Ukraine những máy bay vẫn đang hoạt động và những chiếc còn lại cũng sẽ được gửi kèm để sử dụng nếu cần phụ tùng thay thế.

Tướng Mỹ tiết lộ cách không quân Mỹ hỗ trợ Ukraine

Ngoài ra, ông Heger tiết lộ Slovakia cũng sẽ cung cấp một phần hệ thống phòng không KUB của mình

Trong khi các nước phương Tây nói chung đã tích cực chi viện vũ khí cho Kyiv, đến nay họ vẫn chưa đồng ý cung cấp máy bay chiến đấu, bất chấp việc Ukraine liên tục kêu gọi. NATO vốn lo sợ một động thái như vậy sẽ gửi tín hiệu sai lầm đến Nga, làm gia tăng nguy cơ xung đột lan ra ngoài Ukraine.

Ba Lan và Slovakia, hai quốc gia đều từng thuộc Liên Xô cũ và hiện là thành viên của NATO, nằm trong hàng ngũ những nước ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất từ đầu chiến sự.

Phản ứng trước động thái của hai nước Đông Âu, Điện Kremlin ngày 17.3 cho biết các máy bay chiến đấu mà Ukraine nhận được từ bên ngoài sẽ bị phá hủy và chúng cũng sẽ không làm thay đổi cục diện xung đột, theo Reuters.

Trung Quốc có thể làm trung gian hòa đàm cho Nga-Ukraine?

Tranh cãi về thỏa thuận ngũ cốc

Điện Kremlin ngày 17.3 tiếp tục khẳng định rằng Nga chỉ đồng ý gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen thêm 60 ngày, sau khi thỏa thuận này hết hiệu lực vào ngày 18.3 tới, theo Reuters. Thỏa thuận này được thông qua lần đầu vào tháng 7.2022 với Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian.

Ngay sau tuyên bố từ Moscow, Văn phòng Liên Hiệp Quốc tại Geneva cho biết các cuộc đàm phán về việc gia hạn thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc an toàn từ các cảng của Ukraine ven biển Đen vẫn "đang diễn ra", và họ sẽ "không suy đoán" về kết quả.

Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ đều kiên định với lập trường rằng thời gian gia hạn tối thiểu phải là 120 ngày. Các quan chức của Kyiv trước đó từng bày tỏ hy vọng thỏa thuận có thể được gia hạn thêm một năm và mở rộng để bao gồm cả cảng Mykolaiv.

Đã có những bất đồng gây rạn nứt quan hệ Mỹ-Ukraine?

Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Nga

Điện Kremlin ngày 17.3 cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tại Nga từ ngày 20 đến ngày 22.3, theo lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hai nhà lãnh đạo dự kiến thảo luận các vấn đề thời sự nhằm phát triển hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược giữa Nga và Trung Quốc.

Trước đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương có cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba, bày tỏ quan ngại về sự leo thang của chiến sự, đồng thời hy vọng Moscow và Kyiv sẽ tổ chức hòa đàm.

"Trung Quốc hy vọng tất cả các bên bình tĩnh, có chừng mực và kiềm chế, và khôi phục hòa đàm trong thời gian sớm nhất", thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Tần.

Tổng thống Putin: Nga vẫn sống sót dù mất thị trường phương Tây


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.