Cấm dạy thêm, không thể dùng mệnh lệnh

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
15/05/2024 04:07 GMT+7

Loạt bài về việc học sinh tiểu học phải 'sấp ngửa học thêm' đăng tải trên Báo Thanh Niên những ngày qua nhận được sự quan tâm, chia sẻ của rất nhiều phụ huynh.

Dù mỗi người một lý do nhưng dường như số đông đều có chung quan điểm "không ai muốn cho con đi học vất vả như vậy, nếu...".

Hiện nay, ở các cấp học chỉ còn lớp 5, lớp 9, lớp 12 đang áp dụng Chương trình giáo dục 2006, các lớp còn lại theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với mục tiêu phát triển phẩm chất năng lực cho người học. Hai chương trình giáo dục phổ thông khác nhau, có mục tiêu khác nhau; chương trình sau đặt ra yêu cầu về phương pháp giáo dục, học tập, đánh giá xếp loại thay đổi theo hướng tích cực hơn, hiện đại hơn... chương trình trước. Thế nhưng, sau gần một chu trình thực hiện có thể thấy ở cả hai chương trình, học sinh (HS) vẫn không thoát được cảnh học thêm tối ngày.

Chia sẻ ý kiến dưới mỗi bài báo, các phụ huynh đều nói không muốn con mình phải đi học thêm bởi ngoài phát sinh chi phí còn phải đưa đón rất mất thời gian. Các con cũng bị "đánh cắp" quỹ thời gian lẽ ra dành cho các hoạt động vui chơi, giải trí, phát triển thể chất hoặc sở thích, đam mê… của bản thân.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng nạn học thêm do chương trình giáo dục vẫn quá nặng, không phù hợp với tất cả đối tượng HS. Có HS chỉ học trên lớp là đủ, nhưng nhiều HS khác học trên lớp vẫn không theo kịp, phải học thêm để hiểu bài.

Mặt khác, việc cấm dạy thêm với HS tiểu học được quy định bằng văn bản, nhưng ngành GD-ĐT lại cho phép thi tuyển rất khó khăn vào lớp 6 ở những trường "đặc thù", "trường chất lượng cao"… Rất nhiều phụ huynh có điều kiện ở các thành phố lớn rất thích những mô hình đặc biệt này. Mà muốn vượt qua được những kỳ thi như vậy thì không có cách nào khác, HS phải luyện thi, phải học thêm cật lực, thậm chí ngay từ lớp 1.

Mâu thuẫn nói trên cho thấy việc cấm dạy thêm bằng một mệnh lệnh trong văn bản không hiệu quả. Điều quan trọng hơn là quy định cấm phải đi kèm với giải pháp phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với các chính sách khác của ngành giáo dục. Đó là giảm tải chương trình học, thi cử; khuyến khích HS tự học và tăng lương cho GV; thay đổi cách đánh giá chất lượng giáo dục theo hướng cởi mở, hiện đại hơn.

Chúng ta không thể đánh giá được năng lực, phẩm chất của HS nếu chỉ gói gọn qua điểm số tại các kỳ thi. Đánh giá đúng, giáo dục và đào tạo là làm sao HS thấy rằng bản thân mình dù không giỏi môn này nhưng lại thấy tự tin, giỏi hơn và được khích lệ ở các môn khác mà mình yêu thích. Không ai giỏi hết được các môn và cũng không nên yêu cầu các em phải học tốt tất cả chỉ để... đi thi.

Như PGS Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học giáo dục VN) từng chia sẻ số giờ học thực tế của HS VN rất nhiều, số tiền đầu tư cho việc học (so với GDP đầu người) cũng không hề nhỏ; trong khi những hiểu biết về văn hóa, nghệ thuật hay kỹ năng/năng suất lao động của giới trẻ thì chưa cao… Không ít nhà nghiên cứu giáo dục cho rằng dành quá nhiều thời gian học tập chỉ để đáp ứng các kỳ thi và bỏ lỡ những cơ hội rèn luyện sức khỏe, trải nghiệm cuộc sống là điều rất đáng tiếc cho người học nói riêng và cho quốc gia trong tương lai nói chung.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.