Những nỗ lực cấm dạy thêm bất thành ở châu Á

15/05/2024 05:49 GMT+7

Chính phủ các nước ở châu Á như Trung Quốc dù nỗ lực ban hành chính sách chấn chỉnh tình trạng dạy học thêm nhưng không thể giải quyết tận gốc vấn đề vì nhiều lý do.

Cấm dạy thêm và không giao bài tập về nhà

Kể từ giữa năm 2021, Chính phủ Trung Quốc thực hiện chính sách “giảm tải kép” đối với bậc tiểu học và THCS, bao gồm cấm dạy thêm và không giao bài tập về nhà. Đây là nỗ lực nhằm giảm áp lực học tập cho học sinh, giảm áp lực tài chính cho phụ huynh, theo tờ China Daily.

Chính sách này đánh thẳng vào ngành công nghiệp dạy thêm hàng tỉ USD của Trung Quốc, buộc nhiều trung tâm dạy thêm đóng cửa hoặc chuyển đổi mô hình hoạt động.

Trong cuộc họp tổng kết về chính sách này vào đầu năm 2024, Bộ Giáo dục Trung Quốc dẫn lại kết quả thống kê của Cục Thống kê Quốc gia với 236.000 học sinh, 272.000 phụ huynh, 4.577 hiệu trưởng và 79.000 giáo viên. Theo đó, tỷ lệ hài lòng với chính sách “giảm tải kép” vượt mức 80%.

Nhiều cơ sở, trung tâm dạy thêm đã chuyển đổi mô hình hoạt động. Chẳng hạn, New Oriental, nhà cung cấp dịch vụ giáo dục tư nhân thuộc hàng lớn nhất Trung Quốc, đã chuyển hướng từ dạy thêm sang lĩnh vực livestream, thương mại điện tử, còn Zhonggong Education chuyển đào tạo kỹ năng nghề.

Những nỗ lực cấm dạy thêm bất thành ở châu Á- Ảnh 1.

Dù chính phủ Trung Quốc cấm dạy thêm nhưng không ít phụ huynh vẫn cho con đi "học thêm chui"

REUTERS

Báo công an vì bị gia đình ép đi học thêm

Tuy nhiên, các nhà quan sát giáo dục Trung Quốc cho biết một số cơ sở giáo dục ngoài giờ lách luật bằng cách đăng ký giấy phép dạy năng khiếu (âm nhạc, hội họa…) nhưng thực tế lại dạy thêm "chui" các môn chính trong chương trình chính khóa.

Một số khác đăng ký là “nhà sách” để che đậy hoạt động dạy thêm và giáo viên tự mở lớp dạy thêm riêng.

Không ít phụ huynh lo sợ con mình sẽ không theo kịp bạn bè trong môi trường học thuật mang tính cạnh tranh cao, giờ đây phải trả tiền cho gia sư “ngầm” thường thu phí cao hơn.

Chẳng hạn, bà Wang Yufen ở Bắc Kinh cho China Daily biết chi phí học thêm của hai cháu gái thực tế đã tăng lên. “Sau lệnh cấm trung tâm dạy thêm, gia đình chỉ có thể thuê gia sư đến nhà. Mỗi buổi học ít nhất 300 nhân dân tệ (1 triệu đồng”) và giáo viên giỏi thì lên đến 1.000 nhân dân tệ”, bà Wang chia sẻ.

Trong một trường hợp thu hút sự chú ý của dư luận hồi tháng 12.2023, một nam thiếu niên đã đến đồn cảnh sát ở TP.Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc, khóc nức nở, trình báo rằng bản thân bị phụ huynh ép đi học thêm, theo tờ South China Morning Post. “Con đang bị căng thẳng. Con không muốn đi học thêm nữa”, cậu bé nói với cảnh sát.

Không chỉ riêng Trung Quốc, một số quốc gia khác như Hàn Quốc cũng đã ban hành chính sách cụ thể để hạn chế tình trạng dạy thêm tràn lan, bao gồm giảm tải chương trình nhưng vẫn không thể giải quyết tận gốc vấn đề. Cuối cùng, cấm học thêm, nhưng phụ huynh vẫn tìm cách cho con "học thêm chui".

Những kỳ thi tuyển sinh vào trường top khiến học thêm trở thành nhu cầu không thể thiếu

Những kỳ thi tuyển sinh vào trường top khiến học thêm trở thành nhu cầu không thể thiếu

REUTERS


Kỳ thị học nghề, coi trọng con đường học ĐH

Chuyên gia Brian Hall thuộc ĐH New York cơ sở Thượng Hải (Trung Quốc), nhận định cuộc cạnh tranh đạt điểm cao trong các kỳ thi tuyển sinh để vào trường top là một trong những nguyên nhân chính khiến phụ huynh dù không muốn nhưng cũng phải cho con em mình đi học thêm.

Kỳ thị học nghề, coi trọng đường học ĐH để có tương lai tốt đẹp cũng khiến phụ huynh chấp nhận bỏ tiền cho con học thêm trong cái được gọi là đầu tư cho tương lai, theo ông Hall.

Bên cạnh đó, bà Sonia Exley, chuyên gia tại ĐH London School of Economics and Political Science (Anh), nhận định vấn đề cốt lõi nằm ngoài chính sách giáo dục. Ở Hàn Quốc, theo bà Exley, thủ phạm thực sự của tình trạng học thêm là “mức độ phân cực trong thị trường lao động”.

“Số lượng việc làm tại các công ty hàng đầu, tập đoàn lớn có hạn và điều này tác động hệ thống giáo dục. Người Hàn Quốc nỗ lực hết mức thi vào các ĐH hàng đầu với kỳ vọng tìm được việc làm tại các tập đoàn hàng đầu”, bà Exley nói. Không chỉ riêng Hàn Quốc, tại nhiều nơi khác ở châu Á, học ĐH để có tương lai xán lạn đã được truyền từ thế hệ phụ huynh này sang thế hệ khác.

Số giờ học của trẻ em Thái Lan và Việt Nam nhiều hơn 150% so với mức khuyến nghị của UNESCO

Trung bình mỗi ngày, học sinh ở Việt Nam, Thái Lan bắt đầu vào lớp lúc 7 giờ 30, rời trường 16-17 giờ và sau đó tham gia các lớp học thêm 1-3 giờ. Như vậy, trẻ em Thái Lan và Việt Nam học khoảng 1.200 giờ/năm, nhiều hơn 150% so với mức khuyến nghị của UNESCO. Cụ thể, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) khuyến nghị một học sinh bình thường nên đến trường khoảng 800 giờ/năm vì trẻ em làm việc quá sức sẽ dẫn đến khả năng học tập giảm sút.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.