Bộ Chính trị: Tiếp tục đổi mới chính sách tiền lương giáo viên

Lê Hiệp
Lê Hiệp
05/01/2024 16:18 GMT+7

Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục đổi mới chính sách tiền lương, tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, thu hút, bảo đảm điều kiện cần thiết để giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ.

Thường trực Ban Bí Thư Trương Thị Mai vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Chỉ thị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.

Bộ Chính trị: Tiếp tục đổi mới chính sách tiền lương giáo viên- Ảnh 1.

Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục đổi mới chính sách tiền lương giáo viên để giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ

HOÀNG TRỌNG

Chỉ thị nêu rõ, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10 năm 2011 của Bộ Chính trị đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy vậy, tỷ lệ trẻ em được tiếp cận giáo dục mầm non còn thấp; một số địa phương chưa quan tâm phát triển trường, lớp mầm non.

Cùng đó, chất lượng phổ cập giáo dục chưa thật vững chắc, chênh lệch giữa các vùng, miền còn lớn; nhận thức về giáo dục nghề nghiệp chưa đầy đủ, mục tiêu phân luồng học sinh sau THCS chưa đạt yêu cầu.

Bộ Chính trị cũng khẳng định, mạng lưới trường, lớp chưa đáp ứng được nhu cầu học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Đáng lưu ý là tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp học có xu hướng tăng, chưa được giải quyết triệt để, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên dạy môn học mới theo chương trình giáo dục phổ thông…

Từ đó, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội nâng cao nhận thức, trách nhiệm về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bộ Chính trị yêu cầu tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện, bảo đảm cho mọi công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ học tập, hoàn thành phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc. Đồng thời, phát triển hệ thống giáo dục mở để tạo cơ hội học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

Bộ Chính trị cũng yêu cầu hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tạo sự đồng bộ, liên thông, nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và phân luồng học sinh sau trung học đáp ứng yêu cầu đề ra.

Bộ Chính trị lưu ý, đổi mới căn bản, toàn diện nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông và giáo dục nghề nghiệp theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, tiếp cận dần chuẩn các nước tiên tiến.

Chú trọng việc rèn luyện, nâng cao phẩm chất, tư tưởng, đạo đức, năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo viên.

Bộ Chính trị cũng yêu cầu tiếp tục đổi mới chính sách tiền lương, tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, thu hút, bảo đảm điều kiện cần thiết để giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ. Đồng thời, có chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với giáo viên công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cơ sở giáo dục chuyên biệt.

Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng yêu cầu nâng cao tăng cường nguồn lực, bảo đảm ngân sách để hoàn thành các mục tiêu về phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, ưu tiên phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi.

Đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện cho cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước đầu tư xây dựng trường, lớp, nhất là trường mầm non, nhà trẻ ngoài công lập tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị đông dân cư, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.