'Lương giáo viên chỉ 5,5 triệu đồng/tháng, chưa bằng lao động phổ thông'

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
17/10/2023 11:34 GMT+7

Sáng 17.10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tiếp xúc cử tri ngành y tế và ngành giáo dục trên địa bàn thành phố để gặp gỡ và lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri góp ý sửa đổi luật BHXH và các vị trí việc làm, chính sách tiền lương hiện hành của cán bộ, viên chức đang làm việc tại các đơn vị sự nghiệp.

Lương giáo viên không bằng lao động phổ thông

Tại buổi tiếp xúc cử tri, ông Trần Văn Lực, Hiệu trưởng Trường THCS Đặng Tấn Tài (TP.Thủ Đức) nêu một số bất cập trong quá trình điều chỉnh, triển khai chính sách tiền lương.

Cụ thể, ông Lực nói đối với đơn vị, hiện mức lương của giáo viên công tác trong 5 năm đầu có thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp là khoảng 5,5 triệu đồng/tháng/người. Ông Lực đánh giá mức lương này không cao, bởi công nhân lao động phổ thông, rất nhiều người đã có thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/tháng.

'Lương giáo viên chỉ 5,5 triệu đồng/tháng, chưa bằng lao động phổ thông' - Ảnh 1.

Ông Trần Văn Lực, Hiệu trưởng Trường THCS Đặng Tấn Tài (TP.Thủ Đức), phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri

THU NGÂN

Trong khi đó, chi phí thiết yếu cho cuộc sống (ăn, ở, nuôi con, chăm sóc sức khỏe...) rất cao, không đủ để giáo viên trang trải cuộc sống. Điều này khiến một số giáo viên tại đơn vị phải nghỉ việc, chuyển sang làm các công việc khác có thu nhập cao hơn. Mặt khác, thị trường kinh tế bây giờ đã tạo ra nhiều cơ hội lựa chọn việc làm khác cho sinh viên và đội ngũ giáo viên.

Ông Lực cũng nêu ví dụ, khi tuyển nhân viên về công nghệ thông tin, nếu tính các hệ số và các thu nhập cho vị trí này là khoảng 5 triệu đồng/tháng, nhưng nếu người lao động ra ngoài làm việc thì có cơ hội lương cao hơn. Do đó, nếu không có chính sách hỗ trợ thêm thì chắc chắn người lao động có chuyên môn sẽ không mặn mà phục vụ ngành giáo dục.

Vị hiệu trưởng cũng cho biết, việc tăng lương cơ sở vừa qua không theo kịp giá hàng hóa và nhu cầu đời sống ngày càng cao. Tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa được giải quyết triệt để, cụ thể tại đơn vị nói riêng và cả nước nói chung trong nhiều năm qua luôn không tuyển đủ số lượng giáo viên.

"Bởi vậy, mong ước chung của thầy, cô là được trả lương theo vị trí việc làm, điều chỉnh mức lương mới. Điều này sẽ giúp thầy, cô đỡ vất vả hơn trong cuộc sống, có thể sống được bằng lương, không phải làm thêm nhiều nghề "tay trái" như bán hàng online, làm gia sư...", ông kiến nghị.

'Lương giáo viên chỉ 5,5 triệu đồng/tháng, chưa bằng lao động phổ thông' - Ảnh 2.

Hội nghị tiếp xúc cử tri ngành giáo dục và y tế

THU NGÂN

Song song đó, ông Lực cũng đề cập tình trạng trả lương mang tính "cào bằng" khi làm nhiều, làm ít cũng hưởng lương như nhau, tiền lương chưa phù hợp với mức độ cống hiến, chưa phản ánh đúng năng lực.

Qua đó, ông đề nghị nhà nước quan tâm tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của viên chức giáo dục. Đối với giáo viên mới vào nghề, giáo viên hợp đồng, cần có chính sách hỗ trợ để đảm bảo thu nhập không thấp hơn lương tối thiểu vùng; được hưởng phụ cấp ưu đãi, các khoản hỗ trợ học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy học...

Đồng thời, việc tiếp tục mở rộng quan hệ tiền lương (tối thiểu - trung bình - tối đa) sẽ giúp khắc phục tính cào bằng trong chi trả lương, động viên khuyến khích người tài, có trình độ yên tâm công tác trong khu vực công.

Hệ thống thang bảng lương còn rườm rà

Ông Lương Văn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Cần Thạnh (H.Cần Giờ) cho hay quan hệ tiền lương tối thiểu - trung bình - tối đa chưa hợp lý, hệ số trung bình quá thấp nên chưa cải thiện được đời sống, khuyến khích cán bộ, công nhân viên chức.

Theo ông Minh, hệ thống thang, bảng lương hiện nay còn rườm rà, khoảng cách giữa các bậc lương chênh lệch không đáng kể so với thời gian nâng bậc. Một số chế độ phụ cấp chưa phù hợp, hệ số lương khởi điểm các ngạch có trình độ đại học 2,34; ngạch nhân viên văn thư 1,35; nhân viên phục vụ 1,0 là quá thấp chưa khuyến khích người lao động sáng tạo, phấn đấu.

'Lương giáo viên chỉ 5,5 triệu đồng/tháng, chưa bằng lao động phổ thông' - Ảnh 3.

Ông Lương Văn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Cần Thạnh (H.Cần Giờ)

THU NGÂN

Ông Minh nhận định chế độ phụ cấp áp dụng hiện hành là tương đối phù hợp. Nhưng cần quan tâm hơn phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp kiêm nhiệm, phụ cấp độc hại...

Hiện nay, đối với công chức đã có phụ cấp công vụ, còn viên chức đang công tác tại các trường THPT như y tế, văn thư, thư viện có phụ cấp đặc thù ngành nhưng vẫn còn thấp.

Giáo viên ốm đau, không có người thay thế đứng lớp

Bà Nguyễn Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoạ Mi 3 (Q.5) cũng nêu các khó khăn về thiếu giáo viên. Cụ thể bà nói khi giáo viên, nhân viên ốm đau, nằm viện, nghỉ thai sản không có người thay thế do việc tuyển dụng giáo viên rất khó.

"Thực tế, có đơn vị không tuyển đủ số lượng giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập vào biên chế và giáo viên hợp đồng lao động. Vì còn tỷ lệ các giáo viên mới ra trường bỏ nghề hoặc do hoàn cảnh nghỉ việc cao, mặc dù TP.HCM có chính sách đãi ngộ để hỗ trợ, thu hút giáo viên mầm non trên địa bàn", bà Thủy nói.

'Lương giáo viên chỉ 5,5 triệu đồng/tháng, chưa bằng lao động phổ thông' - Ảnh 4.

Bà Nguyễn Bích Thuỷ, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoạ Mi 3 (Q.5)

THU NGÂN

Cạnh đó, số lượng người lao động có hợp đồng nhân viên nấu ăn và nhân viên làm công việc vệ sinh... cũng khó tuyển dụng dù ngoài mức lương theo hợp đồng. Dù các đơn vị có hỗ trợ thêm tiền phục vụ công tác bán trú, hỗ trợ kinh phí nhân viên học bồi dưỡng nghiệp vụ, các chế độ phúc lợi... nhưng do nguồn thu sự nghiệp, phúc lợi của các đơn vị hạn chế nên vẫn chưa đảm bảo được đủ kinh phí trang trải của nhân viên.

Qua đó, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoạ Mi 3 (Q.5) đã kiến nghị về định mức số lượng người làm việc với các danh mục việc làm. Đơn cử, đối với nhóm vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ gồm y tế, bảo vệ, nhân viên, nấu ăn, bà đề xuất bổ sung thêm nhân viên nuôi dưỡng cho các lớp.

Đồng thời, kiến nghị đưa các vị trí này vào diện biên chế để ổn định được cuộc sống, gắn bó lâu dài với đơn vị, góp phần mang hiệu quả chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ ngày càng cao hơn.

Sẽ có kiến nghị để xây dựng lương thỏa đáng

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng ghi nhận ý kiến của các đại biểu. Ông cũng đề cập đến thực trạng như đối với đơn vị tư thực thì lực lượng nhân viên rất đông, trong khi đó đơn vị công lập từ mầm non tới THPT đang kiêm nhiệm nhiều vị trí.

Ngoài ra, với các vị trí thiếu như giáo viên âm nhạc, mỹ thuật, ngoại ngữ thì với cơ chế lương hiện nay khó thu hút được đối tượng này. Dù TP.HCM có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ đặc biệt nhưng chưa đủ sức thu hút số lượng đáp ứng nhu cầu. Nhiều giáo viên bỏ việc, bỏ nghề vì chưa đủ đảm bảo cuộc sống.

Các đại biểu Quốc hội tại hội nghị cho hay sẽ ghi nhận các ý kiến và sẽ có tiếng nói để hướng tới chính sách tiền lương thỏa đáng trong tương lai.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho biết hiện nay quy định tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ với ngành giáo dục và y tế rất cao. Tuy nhiên, lực lượng này đang thiếu trầm trọng.

Thời gian tới, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục kiến nghị về bất cập tiền lương, làm sao đó thiết kế chính sách để nâng lương để động viên, đảm bảo quyền lợi các nhân viên làm y tế và giáo dục, qua đó đảm bảo nguồn nhân lực và hoạt động của hai lĩnh vực.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.