Bình Thuận: Xử lý trách nhiệm tham mưu, cấp phép nhà máy điện trên vùng đất cấm

Quế Hà
Quế Hà
29/12/2023 16:56 GMT+7

Thanh tra Chính phủ phát hiện Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 5.2 xây dựng trên diện tích 56 ha tại vùng dự trữ khoáng sản quốc gia, đã đưa vào vận hành phát điện nhưng đến nay vẫn chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

Dự án Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 5.2 tại xã Hồng Phong, H.Bắc Bình do Công ty cổ phần Năng lượng Thiên Niên Kỷ làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận chủ trương đầu tư theo Quyết định số 2121/QĐ-UBND ngày 17.8.2018, diện tích sử dụng đất 56 ha, thời hạn hoạt động 50 năm.

Theo Thanh tra Chính phủ (TTCP), toàn bộ diện tích đất của nhà máy điện mặt trời này nằm trong vùng dự trữ khoáng sản quốc gia theo Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 6.5.2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Tại công văn 6612, ngày 6.12.2017, Bộ TN-MT (gửi UBND tỉnh Bình ThuậnBộ Công thương), nêu: "Đối với khu vực nằm trong danh mục dự trữ khoáng sản quốc gia, không thỏa thuận việc thăm dò, khai thác 30 đến 50 năm đối với khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia để UBND tỉnh Bình Thuận triển khai các dự án trên đất mặt. Tuy nhiên, tất cả các dự án trên đất mặt đều không được phép khai thác, thu hồi khoáng sản trong quá trình thực hiện dự án; đồng thời, các dự án phải báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định".

Bình Thuận: Xử lý trách nhiệm tham mưu, cấp phép nhà máy điện trên vùng đất cấm- Ảnh 1.

Toàn bộ diện tích Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 5.2 nằm trong vùng dự trữ khoáng sản quốc gia

N.L

Trong quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Bình Thuận, tại khoản 1, điều 3, yêu cầu: "Công ty cổ phần Năng lượng Thiên Niên Kỷ chỉ được triển khai dự án sau khi cơ quan có thẩm quyền chấp thuận thực hiện dự án trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia" (tức phải có sự đồng ý của Thủ tướng - PV).

Tại quyết định cho thuê đất (số 3289, ngày 20.12.2019), UBND tỉnh Bình Thuận ghi rõ: "Công ty chỉ được triển khai xây dựng dự án Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 5.2 sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai các dự án trong khu vực dự trữ titan và đã thực hiện các trình tự thủ tục có liên quan theo đúng quy định". Tuy nhiên, TTCP phát hiện Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 5.2 đã khởi công xây dựng ngày 16.6.2020 và vận hành thương mại (phát điện) ngày 24.12.2020, bất chấp quy định phải có ý kiến đồng ý của Thủ tướng.

Đáng chú ý, ngày 26.7.2022, Kiểm toán Nhà nước có thông báo (số 481) đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị tham mưu cho tỉnh phê duyệt xây dựng các nhà máy điện gió, điện mặt trời trên đất dự trữ khoáng sản quốc gia, đã đấu nối lưới điện.

Bình Thuận: Xử lý trách nhiệm tham mưu, cấp phép nhà máy điện trên vùng đất cấm- Ảnh 2.

Dù chưa có báo cáo đánh giá tác động đến tài nguyên, trữ lượng, chất lượng khoáng sản trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia nhưng Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 5.2 đã hoạt động gần 3 năm nay

N.L

Dù nhà máy điện mặt trời này đã đi vào hoạt động từ ngày 24.12.2020 nhưng ngày 14.11.2023, Công ty cổ phần Năng lượng Thiên Niên Kỷ có công văn đề nghị tỉnh Bình Thuận thẩm định nội dung báo cáo đánh giá tác động, mức độ ảnh hưởng của nhà máy đến tài nguyên, trữ lượng, chất lượng khoáng sản trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng không có cơ sở để thực hiện kiến nghị này vì nhà máy đã đi vào hoạt động 3 năm nay.

Theo một cán bộ có trách nhiệm của UBND tỉnh Bình Thuận, hiện hồ sơ vụ việc tại Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 5.2 đã được chuyển sang Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an theo yêu cầu. Thực hiện kiến nghị của Kết luận thanh tra số 1027/TTCP tại thông báo số 3116, ngày 25.12.2023 của TTCP, hiện UBND tỉnh Bình Thuận đang làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức tham mưu UBND tỉnh cấp phép tới 13 dự án điện gió, trên vùng dự trữ khoáng sản quốc gia cho doanh nghiệp, trong đó có Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 5.2.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.