Bình Thuận: Hàng loạt nhà máy điện chồng lấn lên vùng dự trữ khoáng sản quốc gia

Quế Hà
Quế Hà
27/12/2023 12:28 GMT+7

Dù không được Thủ tướng Chính phủ đồng ý nhưng UBND tỉnh Bình Thuận vẫn giao đất trong vùng dự trữ khoáng sản quốc gia cho doanh nghiệp làm nhà máy điện gió, điện mặt trời. Sai phạm nghiêm trọng này đã được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.

Trong kết luận thanh tra (KLTT) quy hoạch điện VII và quy hoạch điện VII điều chỉnh, Thanh tra Chính phủ (TTCP) có hẳn một phụ lục (phụ lục 2) nêu hàng loạt sai phạm trong quá trình cấp phép, giao đất cho các chủ đầu tư xây dựng nhà máy điện gió, điện mặt trời (ĐMT) ở Bình Thuận.

Chồng lấn lên vùng dự trữ khoáng sản

Theo thông báo tại phụ lục 2 của TTCP, tại Bình Thuận có tới 13 dự án ĐMT được cấp chồng lấn lên vùng dự trữ khoáng sản quốc gia (theo Quyết định 645/QĐ-TTg). Trong đó, nhà máy ĐMT Hồng Liêm 3 xây dựng trên đất đang hoạt động khoáng sản. Đặc biệt, nhà máy ĐMT Hòa Thắng 1.2 còn xây dựng đè lên 40,57 ha đất rừng, đến thời điểm thanh tra vẫn chưa thực hiện xong thủ tục chuyển đổi đất rừng.

Bình Thuận: Hàng loạt nhà máy điện chồng lấn lên vùng dự trữ khoáng sản quốc gia- Ảnh 1.

Dự án điện gió đầu tiên ở H.Tuy Phong, Bình Thuận đang bị ngân hàng siết nợ

QUẾ HÀ

Theo TTCP, Bộ Công thương, Bộ TN-MT, Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị địa điểm xây dựng nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2; nhà máy điện gió Thái Hòa; nhà máy điện gió Hồng Phong 1; nhà máy ĐMT Hồng Phong 1A, Hồng Phong 1B đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương chấp thuận địa điểm; đồng thời cho phép triển khai xây dựng nhà máy ĐMT Hồng Phong 5.2, nhà máy ĐMT Hồng Phong 4, nhà máy ĐMT Hàm Kiệm, nhà máy ĐMT Hàm Kiệm 1, nhà máy ĐMT Mũi Né, nhà máy điện gió Phú Lạc (giai đoạn 2) và nhà máy điện gió Phong Điện 1.

Bình Thuận: Hàng loạt nhà máy điện chồng lấn lên vùng dự trữ khoáng sản quốc gia- Ảnh 2.

Nhà máy điện mặt trời ở H.Tuy Phong, Bình Thuận

QUẾ HÀ

TTCP cho rằng tất cả các nhà máy nêu trên đều xây dựng trên đất thuộc khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia là không đúng quy định pháp luật; vi phạm quy định tại khoản 3, điều 3, Quyết định 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; vi phạm khoản 8, điều 35 luật Đất đai 2013 và khoản 1, điều 13 của Thông tư 02/2019-BCT của Bộ Công thương.

TTCP còn cho rằng, Bộ Công thương và UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận địa điểm, cho xây dựng nhà máy ĐMT Hồng Liêm 3 (H.Hàm Thuận Bắc) trên vùng đất thăm dò, chế biến và khai thác quặng titan tại Quyết định số 1546/QĐ-TTg ngày 3.9.2013 của Thủ tướng Chính phủ là vi phạm khoản 1, điều 152; khoản 8, điều 35 luật Đất đai năm 2013.

Nhiều sai phạm trong việc cho thuê đất

Trong việc chuyển mục đích sử dụng đất và cho thuê đất, phụ lục 2 của TTCP nhấn mạnh việc UBND tỉnh Bình Thuận cho các doanh nghiệp gồm: Công ty CP năng lượng Thiên Niên Kỷ; Công ty CP đầu tư xây lắp điện số 8 Bình Thuận; Công ty CP năng lượng Hồng Phong 1; Công ty CP năng lượng Hồng Phong 2; Công ty CP Đức Thành Mũi Né và Công ty CP điện mặt trời Trường Thành - Bình Thuận được thuê đất thời gian 50 năm với mục đích xây dựng công trình năng lượng là không đúng các quy định của pháp luật.

Bình Thuận: Hàng loạt nhà máy điện chồng lấn lên vùng dự trữ khoáng sản quốc gia- Ảnh 3.

Nhiều dự án điện mặt trời ở Bình Thuận nằm chồng lấn lên vùng bảo vệ khoáng sản mà Chính phủ đã nghiêm cấm

QUẾ HÀ

Đặc biệt, UBND tỉnh Bình Thuận còn cho Công ty CP điện gió Hồng Phong 1 thuê 14,75 ha đất thời gian 5 năm để xây dựng nhà máy điện Hồng Phong 1; Công ty CP phong điện Bình Thuận thuê 6,15 ha đất (thời gian 5 năm) để đầu tư xây dựng nhà máy điện gió Phú Lạc (giai đoạn 2) là không đúng quy định tại khoản 1, điều 13, Thông tư 02/2019-BCT của Bộ Công thương.

"Trong trường hợp nhà đầu tư chuyển nhượng dự án, hoặc cổ phần dự án cho nhà đầu tư nước ngoài thì sẽ gặp khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản, phức tạp trong việc bồi thường khi thu hồi đất để khai thác khoáng sản. Trách nhiệm này thuộc về UBND tỉnh Bình Thuận", kết luận của TTCP nêu.

Kết luận của TTCP còn nêu việc UBND tỉnh Bình Thuận cho Công ty CP điện gió Hồng Phong 1 thuê đất xây dựng nhà máy với diện tích 14,75 ha vượt 0,75 ha là vi phạm quy định tại điều 12, Thông tư 02/2019-BCT của Bộ Công thương. Đối với nhà máy ĐMT Hồng Phong 1A, được thuê 207 ha đất, tăng tới 15,4 ha là vi phạm khoản 4, điều 10, Thông tư số 17/2017 của Bộ Công thương. Các sai phạm này thuộc về UBND tỉnh Bình Thuận.

Bình Thuận: Hàng loạt nhà máy điện chồng lấn lên vùng dự trữ khoáng sản quốc gia- Ảnh 4.

Dự án điện gió ở Mũi Né

QUẾ HÀ

Đáng chú ý, TTCP còn phát hiện UBND tỉnh Bình Thuận cho Công ty CP năng lượng Thiên Niên Kỷ khởi công dự án nhà máy ĐMT Hồng Phong 5.2 (ngày 16.6.2020 ở H.Bắc Bình) khi chưa hoàn thành thủ tục cho thuê đất với diện tích tới 56,6 ha.

TTCP cho rằng đây là hành vi chiếm dụng đất, vi phạm luật Đất đai. Bên cạnh đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất H.Tuy Phong đã để Công ty CP điện mặt trời chiếm dụng 55,2 ha đất xây dựng nhà máy ĐMT Phong Phú là vi phạm nghiêm trọng luật Đất đai 2013, trách nhiệm này thuộc về UBND tỉnh Bình Thuận.

Công ty CP Đức Thành và Công ty CP Hà Đô Bình Thuận còn xây dựng 2 nhà máy ĐTM trên đất dự trữ khoáng sản quốc gia khi chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Bình Thuận: Hàng loạt nhà máy điện chồng lấn lên vùng dự trữ khoáng sản quốc gia- Ảnh 5.

Dự án điện gió Phú Lạc, H.Tuy Phong

QUẾ HÀ

TTCP còn phát hiện Công ty TNHH ĐMT Trường Lộc Bình Thuận mặc dù được UBND tỉnh Bình Thuận cho thuê đất nhưng đã chiếm dụng 48,3 ha đất trong thời gian 1 năm 7 tháng; Công ty CP phát triển Đại Phong chiếm dụng 15,49 ha trong thời gian 2 năm 2 tháng; Công ty CP điện gió Hồng Phong 1 chiếm dụng 14,75 ha trong thời gian 7 tháng; Công ty năng lượng Hồng Phong 1 chiếm dụng tới 195 ha đất trong thời gian 1 năm 2 tháng và Công ty CP Hồng Phong 2 chiếm dụng 119 ha đất trong thời gian 1 năm 2 tháng… là vi phạm các quy định của pháp luật.

TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Bình Thuận kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan sai phạm trên, chuyển toàn bộ hồ sơ sang Bộ Công an điều tra theo quy định. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận thu hồi diện tích đất cấp vượt cho các dự án; truy thu tiền thuê đất, tiền trễ hạn để nộp lại cho ngân sách nhà nước.

Bộ Công an đề nghị tỉnh Bình Thuận cung cấp hồ sơ điện gió, điện mặt trời

Theo nguồn tin của Thanh Niên, ngày 11.4.2023 và ngày 2.8.2023, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận cung cấp hồ sơ các dự án điện gió, ĐMT trên địa bàn để phục vụ điều tra vụ án "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", xảy ra tại Bộ Công thương và các tỉnh, thành phố.

Trong số các dự án thuộc diện sai phạm, có dự án nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 5.2 tại xã Hồng Phong, H.Bắc Bình của Công ty CP năng lượng Thiên Niên Kỷ là rất nghiêm trọng. Toàn bộ diện tích đất (56 ha) của dự án này nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia theo Quyết định 645/QĐ-TTg ngày 6.5.2014 của Thủ tướng Chính phủ. Dự án này khởi công ngày 16.6.2020, hoàn thành và phát điện ngày 24.12.2020 khi không được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.