Biển Đỏ nóng rực, Mỹ - Anh tấn công Houthi

Khánh Như
Khánh Như
13/01/2024 05:28 GMT+7

Xung đột nóng có nguy cơ lan rộng hơn ở Trung Đông sau khi Mỹ cùng đồng minh tấn công nhắm vào lực lượng Houthi ở Yemen.


Ăn miếng trả miếng

Mỹ và Anh hôm qua bất ngờ triển khai các cuộc tấn công từ trên không và trên biển nhằm vào lực lượng Houthi. CNN dẫn báo cáo của Không quân Mỹ cho hay lực lượng nước này và liên quân đã thực hiện các cuộc tấn công có chủ ý nhằm vào hơn 60 mục tiêu tại 16 địa điểm của Houthi, bao gồm cứ điểm chỉ huy, kho đạn dược, cơ sở sản xuất và hệ thống radar phòng không. Tướng Alex Grynkewich, Chỉ huy Bộ Tư lệnh trung tâm của Không quân Mỹ, tiết lộ hơn 100 khí tài thuộc nhiều loại khác nhau đã được sử dụng, trong đó nổi bật nhất là tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường USS Florida, chiến đấu cơ các loại và tên lửa Tomahawk.

Biển Đỏ nóng rực, Mỹ - Anh tấn công Houthi- Ảnh 1.

Một tàu chiến của Mỹ phóng tên lửa vào lực lượng Houthi

ẢNH: Quân đội Mỹ

Tờ The Independent dẫn lời phát ngôn viên Yahya Saree của Houthi cùng ngày cho biết 73 cuộc tấn công ở Yemen do Mỹ và Anh phát động đã khiến ít nhất 5 người thiệt mạng và 6 người bị thương. Sau khi bị tập kích bất ngờ, đại diện Houthi tuyên bố đã phản đòn Mỹ và Anh bằng cách tấn công trên biển Đỏ, gọi động thái của 2 nước này là hành động "xâm phạm trắng trợn". Hãng Al Jazeera dẫn lời ông Mohammed al-Bukhaiti, chỉ huy cấp cao của Houthi, nói "đang có chiến tranh giữa những người ủng hộ "nạn diệt chủng" ở Dải Gaza và những người chống lại điều này".

Điểm xung đột: Biển Đỏ sôi sục, Mỹ, Anh đánh Houthi, dùng toàn vũ khí "khủng"

Houthi cảnh báo Washington và London "sẽ phải đối mặt với những hậu quả nặng nề", đồng thời tuyên bố tiếp tục tấn công các tàu có liên quan Israel. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Houthi liên tục bắn vào các tàu thương mại ở biển Đỏ để thể hiện ủng hộ Hamas trong cuộc xung đột với Israel ở Dải Gaza.

Phản ứng trái chiều

Lên tiếng về quyết định tấn công, Mỹ và Anh nói động thái trên nhằm "bảo vệ dòng chảy thương mại tự do tại một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất thế giới".

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố đây là thông điệp rõ ràng rằng Washington và đồng minh sẽ "không dung thứ" cho hành động gây bất ổn khu vực. Ông cũng nói sẽ không ngần ngại có thêm nước đi nếu cần. Một số nghị sĩ Quốc hội Mỹ có ý kiến tranh cãi về quyết định của chính phủ.

Biển Đỏ nóng rực, Mỹ - Anh tấn công Houthi- Ảnh 2.

Máy bay Typhoon của Không quân Anh cất cánh tham gia không kích Houthi

ẢNH: Bộ Quốc phòng Anh

Thủ tướng Anh Rishi Sunak khẳng định việc không kích Houthi là "cần thiết và tương xứng" với các hoạt động gần đây của nhóm này. Theo The Guardian, cuộc tấn công của Mỹ và Anh có sự hỗ trợ của Úc, Bahrain, Canada, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, New Zealand và Hàn Quốc. Trong tuyên bố chung, các nước thống nhất mục tiêu vẫn là "xuống thang" căng thẳng, song cũng khẳng định sẽ "không ngần ngại" hành động để bảo vệ nhân mạng và quyền tự do giao thương trên biển.

Từ trên giường bệnh, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ra lệnh tấn công Houthi

Iran, quốc gia được cho là hậu thuẫn Houthi, đã lên án cuộc tấn công của Mỹ và đồng minh. Đồng quan điểm, lực lượng Hezbollah ở Li Băng nói việc can thiệp của Mỹ một lần nữa khẳng định Washington là đối tác đầy đủ trong điều mà lực lượng này gọi là các "thảm kịch" do Israel gây ra ở Gaza. Phong trào thánh chiến Hồi giáo Jihad ở Palestine thì kêu gọi thế giới Ả Rập và các quốc gia Hồi giáo bác bỏ các hành động chống lại lực lượng ở Yemen.

Trong khi đó, Nga đã yêu cầu HĐBA LHQ họp khẩn cấp để thảo luận tình hình, đồng thời lên án quyết định của Mỹ và Anh, gọi đây là "cuộc phiêu lưu vô trách nhiệm", có nguy cơ "gieo rắc hỗn loạn" trên toàn Trung Đông. Cùng ngày, Jordan cáo buộc hành động của Israel đối với người Palestine là nguyên nhân gây ra căng thẳng khu vực và bạo lực gia tăng ở biển Đỏ, theo Reuters.

Hệ lụy khó lường

Nhà phân tích Andreas Krieg tại ĐH King's College London (Anh) lưu ý về nguy cơ Ả Rập Xê Út và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất cũng có thể bị kéo vào cuộc đối đầu.

Trước căng thẳng hiện tại, Ả Rập Xê Út kêu gọi các bên kiềm chế và "tránh leo thang". Khả năng Iran tham gia vào cuộc xung đột cũng được báo động, sau khi nước này bị Mỹ cáo buộc cung cấp năng lực quân sự, thông tin tình báo và hỗ trợ Houthi trong các cuộc tấn công trước đó ở biển Đỏ. Iran bác bỏ cáo buộc này. Nhiều chuyên gia cho rằng nếu xung đột tiếp tục leo thang và lan rộng, tình hình an ninh tại khu vực sẽ trở nên khó lường hơn bao giờ hết.

Người dân Gaza đau đớn giữa cảnh chết chóc

Trong khi đó, báo cáo được Viện Kinh tế Đức công bố hôm 11.1 cho thấy số lượng container di chuyển hằng ngày qua biển Đỏ đã giảm 60%. Các cuộc tấn công hiện tại sẽ còn khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Theo Reuters dẫn đánh giá từ các nhà bán lẻ, tình hình ở biển Đỏ có thể dẫn đến lạm phát và rủi ro nguồn cung nếu các tàu container liên tục phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng ở cực nam châu Phi. Cũng theo Reuters, tình hình xung đột leo thang có thể khiến giá dầu tăng vọt.

Theo ông Khoon Goh, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á tại Ngân hàng ANZ, giai đoạn này còn quá sớm để nói nó sẽ có tác động như thế nào, và thị trường vẫn đang chờ thêm phản ứng. 

Israel không kích Gaza giữa cuộc chiến pháp lý

Theo Đài Al Jazeera, Israel hôm qua tiến hành các cuộc không kích tầm thấp ở phía nam TP.Gaza (trung tâm Dải Gaza). Ngoài ra, trại tị nạn Bureij tại khu vực cũng bị bắn phá. Các cuộc tấn công diễn ra giữa lúc Israel bước vào phần trình bày tại Tòa án Công lý quốc tế ở Hà Lan, trong vụ kiện xoay quanh cáo buộc diệt chủng mà Nam Phi khởi xướng.

Cũng trong ngày 12.1, quân đội Israel (IDF) thông báo đã tiêu diệt "hàng chục" thành viên Hamas ở nam Gaza, theo The Times of Israel. IDF cho biết khoảng 20 tay súng, bao gồm một chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Nukhba của Hamas, đã thiệt mạng tại TP.Maghazi. Tại TP.Khan Younis, 7 tay súng Hamas bị giết chết, bao gồm một chỉ huy khác của Nukhba từng tham gia vụ tấn công ngày 7.10.2023 ở Israel, theo IDF. Hamas không lập tức bình luận về các tuyên bố này.

Lam Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.