Bản tin Covid-19 ngày 13.2: Cả nước 26.379 ca mới | Đường bay quốc tế sắp được khôi phục

13/02/2022 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 13.2 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 13.2.2022 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Cả nước ghi nhận thêm 26.379 ca Covid-19 mới, 7.815 ca khỏi bệnh

Bản tin Bộ Y tế ngày 13.2.2022 cho biết tính từ 16h ngày 12.2 đến 16h ngày 13.2, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 26.379 ca nhiễm mới, 7.815 ca khỏi bệnh.

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 197 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron.

Bản tin cũng thông báo về 84 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 38.946 ca.

Ngày 13.2: Cả nước 26.379 ca Covid-19, 7.815 ca khỏi | Hà Nội 2.940 ca | TP.HCM 182 ca

Thông tin về 26.379 ca nhiễm mới như sau:

  • 7 ca nhập cảnh
  • 26.372 ca ghi nhận trong nước (giảm 930 ca so với ngày trước đó) tại 58 tỉnh, thành phố (có 18.269 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (2.940), Hải Dương (1.906), Nam Định (1.894), Hải Phòng (1.483), Thái Nguyên (1.281), Nghệ An (1.166), Ninh Bình (1.099), Vĩnh Phúc (976), Hòa Bình (894), Bắc Ninh (850), Đà Nẵng (842), Thanh Hóa (788), Phú Thọ (778), Quảng Ninh (608), Quảng Nam (576), Bắc Giang (561), Đắk Lắk (535), Bình Định (519), Thái Bình (516), Hưng Yên (499), Quảng Bình (492), Lào Cai (474), Quảng Trị (470), Sơn La (415), Lâm Đồng (332), Đắk Nông (330), Yên Bái (282), Hà Nam (217), Bà Rịa - Vũng Tàu (213), Thừa Thiên Huế (202), Quảng Ngãi (201), Tuyên Quang (190), Khánh Hòa (190), TP.HCM (182), Lạng Sơn (181), Hà Tĩnh (163), Cao Bằng (146), Điện Biên (124), Hà Giang (110), Cà Mau (97), Vĩnh Long (89), Bình Dương (86), Bắc Kạn (79), Lai Châu (73), Kiên Giang (61), Bạc Liêu (50), Bến Tre (43), Bình Thuận (32), Cần Thơ (26), Trà Vinh (21), Đồng Nai (21), Tây Ninh (19), Long An (14), Hậu Giang (11), Ninh Thuận (10), An Giang (10), Tiền Giang (3), Đồng Tháp (2).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Phú Yên (-569), Gia Lai (-525), Nghệ An (-384).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (+535), Thái Nguyên (+303), Hải Dương (+225).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 24.119 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.510.860 ca nhiễm, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 145/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 25.427 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.503.698 ca, trong đó có 2.223.937 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (515.851), Bình Dương (293.300), Hà Nội (168.514), Đồng Nai (100.063), Tây Ninh (88.749).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 7.815 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.226.754 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.610 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 1.943 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 301 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 81 ca
  • Thở máy xâm lấn: 269 ca
  • ECMO: 16 ca

Từ 17h30 ngày 12.2 đến 17h30 ngày 13.2 ghi nhận 84 ca tử vong, gồm:

  • Tại TP.HCM (3) trong đó có 2 ca từ các tỉnh khác chuyển đến: Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Đồng Nai (1).
  • Tại các tỉnh, thành phố khác: Hà Nội (14), Đồng Nai (7), Đà Nẵng (6), Hải Phòng (6), Kiên Giang (6), An Giang (4), Bình Định (4), Vĩnh Long (4), Bà Rịa - Vũng Tàu (3), Bạc Liêu (3), Bắc Ninh (3), Bình Thuận (3), Hậu Giang (2), Phú Yên (2), Bến Tre (1), Cần Thơ (1), Đắk Nông (1), Đồng Tháp (1), Lâm Đồng (1), Lạng Sơn (1), Lào Cai (1), Long An (1), Phú Thọ (1), Quảng Bình (1), Quảng Nam (1), Thái Nguyên (1), Trà Vinh (1), Tuyên Quang (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 89 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 38.946 ca, chiếm tỷ lệ 1,6% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện là 32.713.695 mẫu tương đương 77.773.547 lượt người.

Trong ngày 12.2 có 476.560 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 185.731.134 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 79.212.013 liều, tiêm mũi 2 là 74.723.923 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 31.795.198 liều.

Khôi phục bay quốc tế bình thường trở lại trước tháng 3.2022

Theo đó, Bộ GTVT giao Cục Hàng không tổ chức trao đổi với nhà chức trách hàng không các nước đối tác để quyết định nối lại các chuyến bay quốc tế chở khách thường lệ với các thị trường đã có đường bay trực tiếp đến Việt Nam thời điểm trước dịch Covid-19, ngoài các thị trường đã được triển khai trong tháng 1.

Việc khôi phục lại bay quốc tế bình thường như thời điểm trước dịch Covid-19 là nhu cầu bức thiết từ hàng không và du lịch

Đậu tiến đạt

Tần suất các đường bay này sẽ được tăng dần theo lộ trình bảo đảm nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi đi lại trên cơ sở tuân thủ hướng dẫn về giám sát y tế nhập cảnh.

Cục Hàng không phải báo cáo Bộ GTVT kết quả nối lại đườngbay quốc tế trong tháng 2 để Bộ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, theo thông tin từ Cục Hàng không, hiện nhà chức trách hàng không Thái Lan cũng đã nhất trí mở lại đường hàng không và không hạn chế số lượng chuyến bay.

Tính đến thời điểm này, ngoại trừ Trung Quốc, tất cả các quốc gia mà Việt Nam đề nghị khôi phục đường hàng không đều đã đồng ý. Hiện các đường bay tới châu Âu, Úc, Mỹ… Việt Nam đều đã có hoạt động khai thác.

Khôi phục bay quốc tế bình thường trở lại trước tháng 3.2022

Đáng chú ý, theo lãnh đạo Cục Hàng không, sắp tới sẽ có những đường bay quốc tế tới các thị trường mới như Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ… được tổ chức.

Cũng theo Cục Hàng không, thời điểm này ngành hàng không đã sẵn sàng mọi mặt để khai thác toàn mạng bay quốc tế như trước khi bùng phát dịch Covid-19.

Việc sớm mở lại bay quốc tế bình thường về lượt chuyến, tần suất khai thác cũng là mong mỏi và đề xuất của các hãng hàng không và du lịch trong thời gian qua. Phần lớn các nước cũng đã bình thường hoá hoạt động bay quốc tế, không hạn chế đối tượng và mục đích đi lại, bao gồm cả khách có quốc tịch nước sở tại, khách kiều bào và khách quốc tế (chỉ cần có hộ chiếu và thị thực hợp lệ).

Từ 14.2, học sinh TP.HCM sẽ học và phòng dịch như thế nào?

Để chuẩn bị đồng loạt đón trẻ mầm non và học sinh tiểu học, lớp 6 trở lại trường học từ ngày mai (14.2) cùng với học sinh lớp 7 đến lớp 12 đã học trực tiếp trước đó, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định các yêu cầu về công tác phòng chống dịch Covid-19 trong trường học gần như không thay đổi so với trước tết. Các trường cần tiếp tục bố trí phòng cách ly tạm thời, phòng dự trữ, có thể huy động cả phòng chức năng, hội trường để xử lý ngay các ca nhiễm hay nghi nhiễm, cách ly tạm thời học sinh…

Giáo viên Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1, TP.HCM) hướng dẫn trẻ các nguyên tắc phòng dịch trước khi vào lớp

PHƯƠNG DUY

Khi xảy ra các tình huống liên quan đến Covid-19, cần đảm bảo xử lý và khoanh vùng nhỏ nhất, nhanh nhất, ít ảnh hưởng nhất, tiếp tục thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K và chia các hoạt động của trường theo các nhóm nhỏ.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cũng nhấn mạnh, các trường cần phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương nhưng không làm thay nhiệm vụ chuyên môn của ngành y tế, không thông tin bất cứ trường hợp nào khi ngành y tế chưa xác định, tránh gây tâm lý hoang mang, xáo trộn trong học sinh, phụ huynh học sinh.

Học sinh tiểu học hào hứng khi trở lại trường trong ngày đầu tập trung

PHƯƠNG DUY

Cũng theo ông Dũng, qua kiểm tra một số trường thì thấy công tác chuẩn bị tốt theo các quy định của thành phố và hướng dẫn của Sở. Sự đồng thuận của phụ huynh cho con em đi học trở lại cũng đã đạt tỷ lệ khá cao, kể cả ở những học sinh lớp lứa tuổi nhỏ. Sở đề nghị các trường tiếp tục công tác tuyên truyền, nhất là đối với phụ huynh của học sinh khối lớp nhỏ. Đồng thời, cần quan tâm đến đội ngũ lực lượng giáo viên, nhân viên trong trường học, tiếp tục thực hiện tiêm vắc xin nếu chưa tiêm đủ 3 mũi...

Để đảm bảo an toàn và thực hiện đúng tiến độ việc đón trẻ trở lại trường trong tuần tới, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.3, cho biết: "Phòng giáo dục phối hợp với phòng y tế đã kiểm tra tất cả các cơ sở giáo dục công tác mở cửa trường. Từ ngày 14.2, hoạt động bán trú, căn tin sẽ bình thường hoá để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh học sinh".

Từ 14.2, học sinh TP.HCM sẽ học và phòng dịch như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn, thông tin huyện đã tổ chức 3 đoàn kiểm tra công tác đón học sinh đi học trở lại từ ngày 14.2. Theo đó, về công tác bán trú, các trường đều chuẩn bị sẵn sàng bếp ăn, phòng ăn. Tuy vậy, một số trường học có những khó khăn về lực lượng bảo mẫu nên huyện chỉ đạo các trường cố gắng sắp xếp, linh động, làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phụ huynh, học sinh.

Nhiễm Covid-19 có gây yếu sinh lý?

Trả lời câu hỏi bệnh Covid-19 có làm giảm ham muốn hay gây yếu sinh lý ở nam giới không, Th.S-BS Nguyễn Hồ Vĩnh Phước chia sẻ ngay cả khi không nhiễm bệnh, vấn đề sinh lý của nam và nữ trong đại dịch vừa qua cũng đều bị ảnh hưởng. Hoạt động tình dục gắn liền với sức khỏe tinh thần và tâm lý, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi ham muốn và tần suất tình dục đều giảm ở cả hai giới.

Nhiễm Covid-19 có gây yếu sinh lý?

Theo một nghiên cứu được công bố trên chuyên san Your Sexual Medicine Journal, trong thời kỳ đầu của đại dịch ở Trung Quốc, tần suất quan hệ tình dục đã giảm ở 37% số người được khảo sát và số bạn tình cũng giảm đến 44%.

ED có thể là một biến chứng ngắn hạn và cả dài hạn của Covid-19

shutterstock

Theo bác sĩ Phước, nhiễm Covid-19 được cho là có liên quan đến việc tăng khả năng bị rối loạn cương dương (Erectile Dysfunction - ED). Xem xét khả năng lây truyền cao của Covid-19, ED có thể là một rủi ro đáng lo ngại đối với một bộ phận lớn dân số. Đã có một số nghiên cứu điều tra mối liên quan giữa Covid-19 và rối loạn cương dương (ED). Nhiều chuyên gia nhận định tác động của Covid-19 lên hệ tim mạch (như tổn thương tim cấp tính, viêm cơ tim) và hệ thần kinh trung ương sẽ làm giảm cung cấp máu cho cơ quan sinh dục và có thể dẫn đến ED. Tính toàn vẹn của mạch máu cũng cần thiết cho chức năng cương dương. Vì vậy, vấn đề rối loạn chức năng nội mô liên quan đến Covid-19 có khả năng ảnh hưởng đến lớp mạch mỏng manh của dương vật, dẫn đến suy giảm chức năng cương dương. Ngoài ra, xơ phổi liên quan đến ARDS (hội chứng suy hô hấp cấp) cũng gây ảnh hưởng đến các cơ chế sinh lý của phổi, làm giảm sự trao đổi khí ở phổi và giảm độ bão hòa ô xy. Từ đó tình trạng thiếu ô xy làm suy giảm chức năng cương dương vì ô xy là một trong những chất nền cần thiết.

"Của quý" ngắn lại sau khi nhiễm Covid-19?

Như vậy, dịch Covid-19 có tác động có hại đến sức khỏe sinh lý nam giới về cả cơ chế sinh học, sức khỏe tâm thần và ảnh hưởng đến các biện pháp chăm sóc. Bác sĩ Phước cho biết Covid-19 làm tăng gần 6 lần nguy cơ phát triển chứng rối loạn cương dương và ngược lại, các con số sơ bộ chỉ ra rằng mắc ED cũng làm tăng tính nhạy cảm của nam giới đối với nhiễm SARS-CoV-2. Cụ thể, nam giới bị ED có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn 5 lần. Những con số này vẫn được giữ nguyên ngay cả sau khi các yếu tố khác được xem xét. Nghiên cứu do Giáo sư Emmanuele A.Jannini, Đại học Rome Tor Vergata (Ý), đứng đầu, được công bố vào ngày 20.3.2021 trên chuyên san Andrology.

ED có thể là một biến chứng ngắn hạn và cả dài hạn của Covid-19. Việc tiêm vắc xin Covid-19 và đeo khẩu trang khi ra ngoài không chỉ để bảo vệ bản thân khỏi dịch bệnh mà còn ngăn ngừa rối loạn chức năng tình dục. Tuổi càng cao, bệnh tiểu đường, chỉ số khối cơ thể (BMI) cao và hút thuốc làm tăng nguy cơ nhiễm Covid-19, cũng giống như các yếu tố nguy cơ của ED.

Tinh trùng 'yếu' đi sau khi nhiễm Covid-19

Bác sĩ Phước cũng cho biết đã có nhiều lo ngại trong đa số người dân về tác động của vắc xin đối với tinh trùng hoặc gây vô sinh. Tuy nhiên, những lo lắng này đều do thiếu kiến thức về vắc xin. Dựa trên tất cả các dữ liệu hiện có, vắc xin an toàn và không có bằng chứng cho thấy bất kỳ tác động tiêu cực nào đến khả năng sinh sản hoặc sức khỏe tình dục.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 13.2 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.