Rủi ro pháp lý khi nuôi rồng Nam Mỹ Iguana - Kỳ 1: Ranh giới đam mê và pháp luật

Rủi ro pháp lý khi nuôi rồng Nam Mỹ Iguana - Kỳ 1: Ranh giới đam mê và pháp luật

19/05/2024 08:59 GMT+7

Là người khá nổi tiếng trong giới nuôi bò sát Iguana, hay còn gọi là rồng Nam Mỹ, song ông Ngô Hoài Nam (thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) đang đứng trước nguy cơ bị xử lý về hành vi nuôi nhốt động vật hoang dã không đúng quy định pháp luật.

Dạo quanh các diễn đàn mạng xã hội, không khó để bắt gặp các bài đăng chào bán các loại bò sát như kỳ nhông Iguana (hay còn gọi là rồng Nam Mỹ).

Loài vật này khá phổ biến tại Việt Nam, tuy có ngoại hình không thân thiện lắm nhưng lại là loại thú cưng được nhiều người săn đón.

Rủi ro pháp lý khi nuôi rồng Nam Mỹ Iguana - Kỳ 1: Ranh giới đam mê và pháp luật

Thậm chí, có nhiều mô hình nuôi Iguana được đánh giá là mô hình làm giàu, làm kinh tế giỏi.

Loài vật này quá phổ biến dẫn đến nhiều người lầm tưởng có thể nuôi tự do.

Tuy nhiên, trên thực tế, rồng Nam Mỹ là loại động vật thuộc phụ lục II của Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (tức CITES).

Điều này đồng nghĩa với việc, để nuôi dưỡng rồng Nam Mỹ Iguana cần đặt dưới sự quản lý chặt chẽ của pháp luật.

Người nuôi rồng Nam Mỹ Iguana tự do có thể phải đối mặt với rủi ro pháp lý và có nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Rồng Nam Mỹ Iguana

Rồng Nam Mỹ Iguana

THẢO NHÂN

Ông Ngô Hoài Nam (39 tuổi, ngụ tại) đầu tư khu vực nuôi rồng Nam Mỹ Iguana trong khuôn viên biệt thự 1.300 mét vuông tại thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Ông cũng từng được nhiều báo đài phỏng vấn về tình yêu đối với động vật.

Ngoài ra, ông Ngô Hoài Nam hiện đang là chi hội trưởng Chi hội bò sát cảnh TP.HCM trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM.

Tuy nhiên, vào tháng 12.2020, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (tức C05, Bộ Công an) phối hợp nhiều ban ngành tại thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương khám xét, lập biên bản vi phạm đối với ông Ngô Hoài Nam về việc nuôi nhốt động vật hoang dã gồm: 6 loài và 311 cá thể.

Trong quá trình làm việc, ông Ngô Hoài Nam không xuất trình được hồ sơ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hơn 300 cá thể động vật này.

Biên bản tang vật vi phạm ghi rõ: 303 cá thể kỳ nhông Iguana, 2 cá thể kỳ nhông sừng, 3 cá thể rùa núi vàng, 1 cá thể rùa Centrochelys sulcata, 1 cá thể gà lôi trắng, 1 cá thể kỳ đà hoa.

Rủi ro pháp lý khi nuôi rồng Nam Mỹ Iguana - Kỳ 1: Ranh giới đam mê và pháp luật - Ảnh 2.

Rồng Nam Mỹ Iguana

THẢO NHÂN

Qua làm việc với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thuận An, ông Ngô Hoài Nam trình bày, do sở thích nuôi động vật nên năm 2010, ông tìm hiểu và mua 10 cặp cá thể rồng Nam Mỹ về chăm sóc nuôi dưỡng, cho giao phối sinh sản nhân giống, đến nay là 303 cá thể.

Các cá thể còn lại, ông mua lại từ các quán nhậu ở TP.HCM khi thấy có khả năng các cá thể này bị giết thịt.

Ông Ngô Hoài Nam cho biết bản thân có một tình yêu lớn đối với sinh vật cảnh nên từ tò mò, thích thú tìm hiểu dần dà thành đam mê nuôi dưỡng.

Quá trình đó, ông Nam cũng từng tìm hiểu quy định và làm thủ tục xin cấp phép nuôi dưỡng động vật hoang dã nhưng gặp nhiều khó khăn.

Ông Ngô Hoài Nam khẳng định sau khi các cơ quan chức năng lập biên bản, ông đã nhận thức được sai phạm và luôn giữ quan điểm không muốn vi phạm pháp luật và mong muốn được hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục để hợp pháp hóa việc nuôi nhốt các loại động vật hoang dã trong danh mục cho phép.

Hiện vụ việc liên quan đến ông Ngô Hoài Nam đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thuận An thụ lý, điều tra.

Đầu tháng 5.2024, ông Ngô Hoài Nam được cung cấp kết luận định giá của Hội đồng định giá tài sản thường xuyên trong Tố tụng hình sự (UBND thành phố Thuận An).

Trong đó, 308 cá thể động vật hoang dã gồm 303 rồng Nam Mỹ Iguana thuộc phụ lục II CITES, và 1 số cá thể thuộc nhóm IIB (danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm) được xác định giá là hơn 420 triệu đồng.

Về kết luận định giá vừa nêu, ông Trương Việt Toàn (nguyên Phó chánh tòa hình sự, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội) cho rằng vi phạm ngay từ đầu của ông Ngô Hoài Nam là hành vi mua bán không rõ nguồn gốc các cá thể là động vật hoang dã, vì vậy ông Nam phải chịu trách nhiệm về hành vi này.

Còn việc lai tạo, nhân giống về sau (tức từ đời F1 trở đi) thì không thể gọi là động vật hoang dã và buộc ông Nam phải chịu trách nhiệm.  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.