Y tế Hải Phòng nỗ lực để kiểm soát mất cân bằng giới tính

20/12/2018 13:00 GMT+7

Tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở Hải Phòng có xu hướng gia tăng và việc mất cân bằng giới tính đang mang lại nhiều thách thức cho ngành dân số của địa phương này.

Thống kê của Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (DS&KHHGĐ) Hải Phòng cho thấy, năm 2018 Hải Phòng có 2.250 trường hợp vi phạm sinh con thứ 3 trở lên (tỷ lệ 7,4 % so với tổng số trẻ sinh ra trong khi tỷ lệ bình quân hàng năm là 7%). Trong đó có 114 trường hợp đảng viên.

Đa số con thứ 3 là bé trai

Bà Nguyễn Thị L., một lao động tự do (ngụ Q.Hồng Bàng, TP.Hải Phòng) năm nay đã 40 tuổi nhưng vừa mới sinh thêm cậu con trai. Trước đó, bà L. đã có hai cô con gái và con gái đầu đã bước chân vào trường đại học. Lý giải về việc sinh thêm con, bà L. chia sẻ: “Ngày xưa khó khăn nên không dám sinh thêm, giờ có điều kiện nên tôi đánh liều kiếm thằng cu cho chồng vui”. Không chỉ người dân bình thường như bà L. mà nhiều cán bộ nhà nước, đảng viên cũng sinh con thứ ba.
Tình trạng sinh con thứ 3 có ở hầu hết các quận huyện của Hải Phòng. Nổi bật là ở các huyện Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, Tiên Lãng. Điều đáng nói là hầu hết trẻ sinh thứ 3 trở lên là bé trai. Theo tính toán của Chi cục DS&KHHGĐ Hải Phòng thì tỷ lệ giới tính khi sinh là 112,3 bé trai/100 bé gái. Việc mất cân bằng giới tính sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như việc nam thanh niên trưởng thành khó tìm bạn đời để kết hôn, gia tăng tội phạm hiếp dâm, mua bán phụ nữ và trẻ em gái…
Theo đánh giá của Chi cục DS&KHHGĐ Hải Phòng thì nguyên nhân dẫn tới việc tăng số ca sinh con thứ 3 trở lên là do quan niệm “trọng nam khinh nữ” còn nặng nề ở một bộ phận người dân. Bên cạnh đó, hiện đời sống người dân được nâng cao, kinh tế phát triển nên nhiều gia đình cũng muốn có thêm con. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các đoàn thể, tổ chức ở phường, xã trong việc tuyên truyền chính sách dân số chưa hiệu quả; hình thức kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm chưa đủ sức răn đe đẫn đến tình trạng một số người cố tình “vượt rào”, chấp nhận kỷ luật để sinh thêm con.

Thay đổi hành vi bằng truyền thông

Một buổi tuyên truyền về kiến thức hôn nhân - gia đình và sinh sản tại quận Kiến An, Hải Phòng
Một buổi tuyên truyền về kiến thức hôn nhân - gia đình và sinh sản tại quận Kiến An, Hải Phòng
Bà Lê Thị Mây, Trưởng phòng Dân số và truyền thông, DS&KHHGĐ Hải Phòng cho rằng cần đẩy mạnh đề án truyền thông thay đổi hành vi, song song với đó là thực hiện tốt các đề án sàng lọc trước sinh, sàng lọc sau sinh để hạn chế dị tật thai nhi, giúp trẻ sinh ra khỏe mạnh.
Theo đó, Chi cục cùng các trung tâm trực thuộc sẽ tích cực tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư tưởng trọng nam khinh nữ để trẻ sinh ra tự nhiên. Tất cả các quận huyện đều tổ chức truyền thông đến các phường, xã thậm chí là thôn, xóm. Các buổi truyền thông phải có đa dạng người nghe. Không chỉ nam, nữ đang ở độ tuổi sinh sản mà các ông, các bà, những người gián tiếp gây ra tình trạng mất câng bằng giới tính ở Việt Nam cũng cần được thay đổi nhận thức.
Đồng thời với đó, đề án khám sàng lọc trước và sau sinh cũng được ngành y tế đẩy mạnh. Triển khai trước hết ở 3 quận Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân trong giai đoạn 2007 - 2009, giai đoạn năm 2011 - 2013 đề án được phủ rộng tại 100% các xã, phường, thị trấn và đến nay, đề án trên đã và đang đem lại một số những kết quả nhất định.
Theo đó, Sở Y tế Hải Phòng đã cử trên 40 bác sĩ thuộc các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa cấp thành phố, bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế cấp quận, huyện trong hệ thống y tế công tham gia đào tạo siêu âm chuyên ngành sản phụ khoa trình độ cơ bản và nâng cao tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư. Hiện tại, nhiều bệnh viện công lập, tư nhân, bệnh viện đa khoa tuyến quận, huyện hạng 2 ở Hải Phòng đã triển khai các dịch vụ sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh đáp ứng yêu cầu về chăm sóc sức khỏe sinh sản giai đoạn hiện nay. Trung bình mỗi năm có trên 20.000 lượt người mang thai được siêu âm khám sàng lọc và đã có 9.291 trẻ được lấy máu gót chân làm xét nghiệm sàng lọc sơ sinh miễn phí. Kết quả phát hiện 520 trường hợp nghi ngờ thiếu men G6PD, 5 trường hợp suy giáp trạng bẩm sinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.