Lan tỏa trên mạng xã hội:

Xúc động câu chuyện người mẹ vùng cao chờ đưa cơm cho con

13/05/2024 09:32 GMT+7

Hình ảnh người mẹ vùng cao đứng ngoài lớp học chờ đưa bữa trưa cho con chỉ có cơm trắng và vài miếng cá suối nhỏ xíu đã được lọc xương khiến triệu người xúc động, nhất là trong Ngày của mẹ 12.5.

HẠNH PHÚC KHI CÓ CHA MẸ Ở BÊN

"Đã bao lâu rồi bạn chưa nói yêu mẹ của mình? Hôm nay mình tình cờ quay được một phụ huynh mang cơm trưa đến cho con. Tuy bữa cơm thiếu thốn, chỉ có chút cá thôi, nhưng đó là cá người mẹ đi bắt dưới suối trong những ngày nắng gắt về nấu chín và cẩn thận lọc xương ra cho con của mình", cô Hoàng Thị Thu Hoài, giáo viên tiếng Anh, Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Yên Thuận (H.Hàm Yên, Tuyên Quang) kể và đăng clip lên mạng xã hội.

Hình ảnh người mẹ vùng cao mang cơm đến trường cho con khiến triệu người xúc động

Hình ảnh người mẹ vùng cao mang cơm đến trường cho con khiến triệu người xúc động

NVCC

Trong đoạn clip, người mẹ dân tộc Dao ăn mặc giản dị, chân còn đi ủng, trên tay cầm hộp cơm đựng trong bọc ni lông cười ngượng ngùng khi gặp giáo viên.

Tình nguyện về dạy tại vùng cao ngay sau khi tốt nghiệp đại học, 8 năm qua, cô giáo Thu Hoài (30 tuổi) đã gặp nhiều phụ huynh người dân tộc thiểu số vất vả vượt suối đưa con đến trường.

"Hôm đó, tôi chuẩn bị ra về thì gặp phụ huynh mang cơm đến cho con. Chị nói sáng nay bé đi học quên mang cơm, sợ con đói, chị mang đến cho con ăn rồi học tiếp buổi chiều. Phần ăn trưa đó chỉ có cơm trắng và ít cá suối đã được lọc xương", cô Hoài xúc động.

Sau đó, cô giáo tiếng Anh đã tặng học trò thêm 1 hộp sữa tươi. Cậu bé lễ phép khoanh tay cảm ơn, ăn uống ngon lành và nở nụ cười thật tươi.

Theo cô giáo trẻ, ở điểm trường vùng cao đa số là gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các hộ làm nông. Nhiều nhà không có ruộng thì đi gánh cam, phát cỏ thuê… Trong đó, cô Hoài ấn tượng nhất với người mẹ khờ của một học trò, sáng nào chị cũng dắt tay con đi bộ 2 km đến trường, trên lưng còn cõng một em bé nhỏ. Ngoài ra, có những em bố mẹ bỏ nhau hoặc đi làm ăn xa, các em phải tự nấu cơm mang đến trường.

Xúc động hình ảnh người mẹ vùng cao đứng ngoài lớp học chờ đưa cơm cho con

"Vậy nên, so với bạn bè, cậu học trò trong clip trên đã thật hạnh phúc khi có cha mẹ ở bên. Sau này lớn lên, có lẽ em sẽ hiểu mỗi bữa cơm nhà có vị mồ hôi của mẹ là hương vị tình thân mà không nhà hàng đắt đỏ nào sánh bằng", cô Hoài nói.

Tháng 9 năm ngoái, cô giáo trẻ đăng clip mì gói có tôm và series nấu ăn cho các em bất ngờ được lan tỏa trên mạng xã hội. Khi đó, nhiều người khắp nơi gửi quà về điểm trường nhờ cô chuyển đến các em.

"Trong cốp xe của tôi lúc nào cũng có sữa của nhà hảo tâm gửi và tôi trích lương ra mua để tặng học trò. Tôi rất hạnh phúc khi được kết nối mọi người mang niềm vui về điểm trường vùng cao này", cô Hoài chia sẻ.

TÌNH YÊU CỦA NHỮNG "NGƯỜI MẸ THỨ HAI"

Cô Lương Thị Thế, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/2, cho biết cậu học trò trong đoạn clip trên là Lý Minh Chiến, dân tộc Dao. Nhà em Chiến cách trường 4 - 5 km, dù nắng hay mưa em Chiến đều đi bộ đến trường.

Cô Thu Hoài đã kết nối nhà hảo tâm xây 2 căn nhà, 1 điểm trường mới cho các em học sinh

Cô Thu Hoài đã kết nối nhà hảo tâm xây 2 căn nhà, 1 điểm trường mới cho các em học sinh

NVCC

Cô Thế kể: "Trong lớp có đến 80% gia đình học sinh là hộ nghèo, bữa trưa mang đi học của các em thường là cơm trắng chan nước suối lấy ở thượng nguồn về. Bữa nào ăn ngon thì cơm các em có thêm ít cá khô. Một số em không mang cơm theo, thầy cô đều chia phần đồ ăn của mình hoặc mua thêm mì để các em lót dạ qua bữa".

34 năm dạy học ở vùng cao, cô Thế nhận xét, tỷ lệ đến trường của học sinh dân tộc thiểu số đã cao hơn nhưng hoàn cảnh gia đình các em còn nhiều vất vả. Đa phần phụ huynh gian nan vì vừa đi làm thuê từ sáng sớm, nhưng vẫn phải đưa con đến trường để bảo đảm an toàn, nhất là ngày mưa, nước suối dâng cao.

"Năm qua, cô Hoài đã kết nối nhiều đoàn thiện nguyện mang quần áo ấm, tất, đồ dùng học tập, sách vở, bánh, sữa… các em học sinh rất mừng. Đây là món quà động viên các em đi học đều hơn", cô Thế nhận xét.

Xúc động câu chuyện người mẹ vùng cao chờ đưa cơm cho con- Ảnh 3.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.