Xuân trong thơ Trần Vinh Khâm và Hồ Sơn Đài

07/02/2004 17:13 GMT+7

Trần Vinh Khâm (sinh 1956 tại Quảng Trị) và Hồ Sơn Đài (sinh 1955 tại Nghệ An), cùng ra Hà Nội học, cùng tốt nghiệp khoa Sử Trường Đại học Tổng hợp, cùng lần lượt nhập ngũ. Cởi áo lính, họ mỗi người một việc, nhưng vẫn giữ một cái “cùng” nữa, vốn có hồi còn sinh viên; là: cùng thích làm thơ. Để, đầu năm này, họ gửi tặng chúng tôi tập thơ in chung hồi cuối năm ngoái, NXB Văn học, lấy tựa Bầu trời - Thời gian, trong đó, họ đều có viết về xuân.

Với Trần Vinh Khâm (qua bài Mùa xuân ngập ngừng) đã như vương lấy “một nhành xuân”: Trời rộng vẫn có khi mất lối. Nếu cánh chim cô độc một mình. Lời của đất sẽ buồn biết mấy... Mà, lời của đất, là lời của một cô “em gái”. Và tác giả, Trần Vinh Khâm, là “người sống trên mây”. Vào quân chủng không quân năm 19 tuổi (1975), anh tưởng chừng “bay mải miết”: Tôi làm cánh chim lành trời biếc. Lời em - lời của đất bao la. Khi anh “hạ cánh” thì mùa xuân về: Tôi biết nói thế nào với em? Nghĩa là anh im lặng, như mây trắng, cuối trời, cất đường bay, cô độc?

Hồ Sơn Đài khác một tí: Em mới đến, xuân cũng vừa mới đến. Hay bước em vừa sánh bước xuân cùng. Xuân đi, Hồ Sơn Đài nhớ người đã xa; hai bài Hoa mai, Trước nhành mai cũng vậy: Bây giờ em cách ngần kia. Thì mai nở, thì xuân về... để chi? Khoảng trời đào tươi khép lại, bài Tâm sự với giao thừa mở ra: Ta chưng cất năm qua thành kỷ niệm và mời bóng mình “nhân ảnh vấn đáp”, uống cho “kiệt cùng giọt cuối” để nhận thêm một tuổi: Trước mặt, tri thiên mệnh. Sau lưng, nửa kiếp người. Cạn chén cùng nhân thế. Giật mình nghe lá rơi.

Cả hai người, đến với xuân “của đất trời” là thế. Còn, nàng xuân của riêng họ vẫn như “người đẹp ngủ trong rừng”, nên kẻ thì im lặng, người thì xa xôi. Song, im lặng, hoặc xa xôi, hoặc gì gì đi nữa, họ cũng đã bước vào thế giới thơ. Ở đó rộng tỏa ra, biến khắp mười phương, chứa đựng, tiềm ẩn tự nghìn xưa những tiếng rống, tiếng hét, hoặc một tiếng kêu to lạnh đất trời như họ nhắc tới qua lời mở đầu tập Bầu trời - Thời gian: Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư. Sau Tết, họ vẫn làm thơ nữa.

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.