Xử lý trách nhiệm cá nhân ở các dự án thua lỗ: Chủ trương hợp lòng dân

31/12/2016 19:06 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc phản hồi về bài Xử lý trách nhiệm cá nhân ở các dự án nghìn tỉ thua lỗ đăng trên Thanh Niên ngày 30.12.

Phấn khởi trước sự quyết liệt của Thủ tướng
Trong khi người dân ở nhiều miền quê trên đất nước còn nghèo khó, cái ăn, cái mặc còn thiếu thốn thì có những doanh nghiệp (DN) nhà nước, tập đoàn nhà nước làm ăn thua lỗ hàng nghìn tỉ đồng. Số tiền thua lỗ này nhân dân và nhà nước phải gánh chịu chứ có cá nhân nào đứng ra chịu trách nhiệm. Vì vậy, trước sự quyết liệt của Thủ tướng quy trách nhiệm cho cá nhân ở những dự án nghìn tỉ thua lỗ, người dân hết sức phấn khởi, hoan nghênh. Phải như vậy thì những cá nhân có liên quan mới không lợi dụng việc làm kinh tế để tham nhũng.
Đỗ Hoàng Sang (Q.8, TP.HCM)
Truy nguyên nhân thua lỗ
Trong số hàng trăm DN thuộc tập đoàn, tổng công ty nhà nước, có không ít DN, tập đoàn rót hàng nghìn tỉ đồng vốn nhà nước vào các dự án và thua lỗ lớn. Cần phải tách bạch đâu là phần trách nhiệm cá nhân trong quản trị DN, đâu là rủi ro do thị trường. Từ đó có hướng xử lý. Việc phân biệt này cũng nhằm tránh hàm oan cho những người làm quản trị DN nhưng gặp rủi ro ở thị trường, ở sự biến động của nền kinh tế thế giới, trong nước.
Nguyễn Tuấn Khang (Q.11, TP.HCM)
Phải quy trách nhiệm
Chính phủ cùng các cơ quan ban ngành càng đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng, xử lý trách nhiệm cá nhân ở các dự án nghìn tỉ thua lỗ thì lòng tin của nhân dân càng được nâng cao. Người dân hay có câu “phủ bênh phủ, huyện bênh huyện” để chỉ những cá nhân trong các DN nhà nước làm sai nhưng không bị quy trách nhiệm vì đã có sự “bao biện” cả rồi. Như thế đủ thấy lòng tin trong nhân dân về “xử phạt” các cá nhân làm ăn thua lỗ trong các DN nhà nước là rất thấp. Do đó, các cơ quan chức năng cần phải sớm đưa sai phạm của những cá nhân là lãnh đạo DN, tập đoàn nhà nước ra ánh sáng, buộc họ phải nhận lãnh hậu quả do mình gây ra. Không thể cứ tiền của nhân dân, nhà nước thì muốn làm gì thì làm!
Lương Văn Thanh Huy (Q.7, TP.HCM)
Xử lý lợi ích nhóm
Không chỉ người thực hiện, quyết định dự án kém hiệu quả phải bị xử lý mà cả người tham mưu cũng phải liên đới, có như vậy mới ngăn chặn được tình trạng tham nhũng, giảm thiểu nguy cơ các dự án kém hiệu quả. Đây là một chủ trương hợp lòng dân. Lợi ích nhóm là một vấn đề khiến nhà nước rất đau đầu để đấu tranh, dẹp bỏ. Những kẻ đồng hành trong lợi ích nhóm luôn có sự gắn kết chặt chẽ với nhau cả về nghĩa vụ, trách nhiệm lẫn quyền lợi. Do vậy khi xử lý, phải xử lý trách nhiệm cả một hệ thống, một dây chuyền. Có như thế mới chặt đứt được lợi ích nhóm đang ngày một bành trướng, làm lũng đoạn nền kinh tế đất nước.
Nguyễn Thị Lập (Q.Bình Tân, TP.HCM)
Công khai, minh bạch
Một trong những vấn đề cần phải thực hiện sớm, song song với nhiều giải pháp khác là công khai, minh bạch các dự án thua lỗ. Phải vậy thì những cái được cùng những cái chưa được, những sai trái của các dự án mới được sáng tỏ, được nhân dân biết đến. Từ đó, lấy ý kiến của nhân dân, của chuyên gia về việc tiếp tục tái cơ cấu dự án đó hay hủy bỏ luôn. Nếu không công khai minh bạch mà cứ rót vốn mãi cho các dự án thua lỗ triền miên thì hậu quả của sự thua lỗ ngày càng lớn. Thiết nghĩ, Chính phủ, Thủ tướng cần quy định, quán triệt về vấn đề này hơn nữa.
Nguyễn Huy Việt (TP.Bến Tre, tỉnh Bến Tre)
       
Một trong những điều cần làm để thúc đẩy DN, nhất là DN nhà nước phát triển hơn nữa là đừng “dễ dãi” với cái xấu, cái sai. Hãy bớt khen, bớt báo cáo thành tích đi, cần tăng cường báo cáo cái chưa được. Từ đó, tìm ra nguyên nhân của thất bại và đưa ra những giải pháp. Có như vậy, thế hệ sau, những người kế tục các DN nhà nước mới không lặp lại sai phạm của các thế hệ đi trước và có hướng phát triển DN tốt hơn.
Võ Thị Phương Mai (Q.8, TP.HCM)
       
Rõ ràng những dự án nghìn tỉ thua lỗ đã khiến lòng tin của dân sụt giảm nghiêm trọng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thua lỗ, trong đó có một phần là sự thoái hóa biến chất của một bộ phận cán bộ, lãnh đạo trong quản lý, giám sát dự án. Vấn đề lựa chọn nhân sự cũng rất cần thiết đặt ra trong việc bố trí để quản lý, thực hiện các dự án. Làm dự án vì lợi ích chung của đất nước phải vừa có tầm, có tâm thì dự án mới thành công mỹ mãn.
Huỳnh Minh Phương (H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai)
An Phong - Duy Khang (thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.