Xe đạp công cộng: Ý thức quan trọng hơn công nghệ

19/01/2022 06:22 GMT+7

Một vụ trộm xe đạp công cộng vừa xảy ra sau một tháng kể từ ngày hệ thống dịch vụ này chính thức được đưa vào vận hành tại khu vực trung tâm TP.HCM. Vụ việc dù cá biệt nhưng khơi ra nhiều vấn đề trong đời sống cộng đồng.

Mô hình xe đạp công cộng tại khu trung tâm TP.HCM được chính thức đưa vào thí điểm sáng 16.12.2021. Để sử dụng dịch vụ này, người dân cài đặt (miễn phí) ứng dụng TNGO trên điện thoại thông minh, sau đó dùng chính ứng dụng này để quét mã code mở khóa xe sử dụng. Sau khi hoàn tất chuyến đi, người dùng đậu xe vào đúng nơi quy định để khóa xe. Nếu người thuê xe không trả phương tiện về đúng trạm bất kỳ, hệ thống vẫn tiếp tục tính tiền. Mỗi xe đạp đều gắn GPS, giúp kiểm soát vị trí xe và sẽ có những cảnh báo gửi lên ứng dụng. Giá vé giai đoạn thí điểm được tính theo thời gian: 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/60 phút... Thanh toán thông qua một số loại ví điện tử, tài khoản ngân hàng.

Xe đạp dịch vụ công cộng ở khu vực trung tâm TP.HCM

Trí Minh

Tối 16.1, lực lượng Công an TP.HCM trong khi đi tuần đã phát hiện đối tượng có hành vi ăn trộm xe đạp công cộng. Thông tin ban đầu, đối tượng này đã bị công an tạm giữ ngay khi đang chở chiếc xe đạp nằm trong hệ thống của đơn vị cung cấp dịch vụ bằng xe máy di chuyển trên đường.

Đại diện công ty xe đạp công cộng xác nhận đây là trường hợp đầu tiên phát hiện hành vi cố tình di chuyển xe không đúng mục đích. Trước đó, có một số trường hợp người dân để xe đạp không đúng vị trí trả xe (đa phần để trước cửa chung cư, sau đó bảo vệ dắt xe xuống hầm), ngay khi hệ thống GPS phát tín hiệu cảnh báo có bất thường, đơn vị vận hành đã lập tức cử người xuống nơi được định vị để nhận lại xe.

Nhiều góp ý cho dịch vụ mới

Chủ đầu tư dự án cho biết sau một tháng thí điểm, phía công ty ghi nhận hơn 60.000 khách hàng đăng ký; tổng số giờ xe chạy đạt hơn 63.000 giờ, tương ứng với hơn 418 km. Bạn đọc (BĐ) luan vu cho biết đã trải nghiệm dịch vụ mới này: “Tôi đã thử thuê đạp xe một vòng dạo khu trung tâm cả một tiếng đồng hồ mà chỉ phải trả 10.000 đồng. Giá như vậy là ổn, phù hợp nhiều người từ sinh viên đến bất kỳ ai muốn vận động tay chân một chút”.

Trong khi đó, BĐ Hoàng Thi đánh giá: “Tôi thấy trạm xe đạp công cộng đặt ở nhiều nơi, tiện cho người thuê, nhưng tôi loay hoay tìm người hướng dẫn thuê, cài đặt cách sử dụng thì không thấy. Việc cài đặt ứng dụng để thanh toán tiền rồi kích hoạt sử dụng xe chủ yếu phù hợp với khách hàng trẻ, thạo công nghệ. Những người lớn tuổi sẽ gặp khó khăn về mặt thao tác”.

Ý thức người sử dụng chính là mấu chốt của việc mô hình này có thành công không, hay vẫn cứ trộm cắp lạc hậu mãi mãi?

Minh Châu Nguyễn

Nắp cống, cột báo giao thông, thùng rác công cộng bị lấy bán ve chai, đồng nát, giờ đến xe đạp. Công an nên có biện pháp ở các nơi mua hàng, tôi nghĩ nạn này sẽ giảm hẳn.

Tuvahato

TP.HCM là địa phương đầu tiên triển khai loại hình xe đạp công cộng. Đơn vị đầu tư cho biết đang tiếp thu ý kiến để nâng cấp, hoàn thiện hệ thống, phục vụ người dân một cách tốt nhất. Nhiều BĐ cho rằng nên đưa ra thêm vài mẫu xe mới hoặc bổ sung màu sắc cho sinh động, phù hợp người dùng trẻ.

“Nhìn ngoại hình xe cũng tạm được, già trẻ, cao thấp gì ngồi lên cũng phù hợp. Tuy nhiên, cần có thêm vài mẫu xe nữa cho những nhóm khách hàng khác nhau. Hoặc vẫn kiểu dáng xe hiện tại nhưng sơn thêm vài màu khác để thu hút phụ nữ, trẻ em”, BĐ Loan Dang đề xuất.

Trong khi đó, BĐ Trần Văn Tú nêu ý kiến: “Loại xe đạp này cũng khó cho những gia đình có nhu cầu chở nhau, đi chung 4 người trên 2 xe chẳng hạn. Tôi đề nghị nhà đầu tư nên thiết kế thêm yên sau hoặc đặt hàng loại xe 2 chỗ ngồi, thậm chí 3 chỗ ngồi”.

Bổ sung công nghệ, nâng cao ý thức người dùng

Để tránh mất cắp, thất lạc, xe đạp công cộng được gắn thẻ ID và khóa thông minh cảnh báo khi chạy quá thời gian, không trả... Thông qua phần mềm trung tâm, nhân viên vận hành có thể theo dõi lộ trình di chuyển của xe và người điều khiển. Tuy nhiên, sau một tháng vận hành, đã xảy ra vụ trộm xe đầu tiên. BĐ luong trong vu cho rằng: “Chắc người thuê quên trả hoặc gặp sự cố gì đó, chứ mấy chiếc xe này gắn định vị thì trộm cắp rồi chạy đi đâu cho thoát?”. Trong khi đó, BĐ Thùy Hoa đề đạt: “Tuy khó lấy cắp nhưng theo tôi, đơn vị cho thuê nên tổ chức lại khâu vận hành, gia cố kỹ thuật để hạn chế kẻ gian. Chiếc xe cũng nhỏ, nhẹ, có thể vác đi… giấu không khó. Định vị hay khóa thông minh thì cũng có thể bị phá, vô hiệu hóa được mà?”.

“Ở nhiều nước trên thế giới, xe đạp của người dân có thể đậu thoải mái ngoài đường nơi quy định mà đâu cần khóa kỹ. Vì đâu mà nhà cung cấp dịch vụ phải dùng cả công nghệ cao để bảo vệ tài sản của mình? Vì còn ngại những trường hợp vô ý thức phá hoại xe hoặc trộm xe. Theo tôi, ý thức của người dùng là quan trọng hơn cả biện pháp công nghệ trong việc sử dụng xe đạp công cộng”, BĐ Nguyen Truc Van nhận xét. Trong khi đó, BĐ xuan lan vi đề nghị: “Đây là dịch vụ công cộng nhưng cũng là hình thức khách hàng bỏ tiền ra để sử dụng một mặt hàng. Nên hai bên cần có giao kèo, chẳng hạn nhà cung cấp đưa ra bảng quy định chi tiết ngắn gọn để khách tuân thủ, bên nào phá giao kèo là vi phạm “hợp đồng” dịch vụ. Đây là loại hình mới, cần định hình ngay từ sớm để không bị lúng túng sau này”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.