Xe bán nước mía, ống hút bằng cỏ... lên đường qua Mỹ

20/03/2023 15:42 GMT+7

Xe bán nước mía, thổ cẩm, ống hút bằng cỏ... là những "đặc sản" lạ độc đáo của Việt Nam đang được các thị trường nước ngoài ưa chuộng.

Xuất khẩu xe bán nước mía sang Mỹ

Ngày 19.3, lô mía đầu tiên của tỉnh Hòa Bình đã được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Mỹ theo đường biển. Đơn hàng gồm 17 tấn mía trắng đã qua sơ chế, làm sạch, bỏ hết mắt mía để đảm bảo không có sự du nhập của thực vật lạ vào nước sở tại. Tuy nhiên, quan trọng hơn chính là 10 máy ép nước mía công nghệ "made in Việt Nam" cũng được xuất khẩu kèm theo, thể hiện rất rõ mục đích của khách hàng chính là bán nước mía tươi theo kiểu truyền thống của Việt Nam ngay tại Mỹ.

Đặc sản độc, lạ Việt Nam xuất ngoại  - Ảnh 1.

Lô mía trắng và 10 máy ép nước mía được xuất khẩu sang Mỹ

TN

Ông Nguyễn Lê Điệp - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân cho biết: Sau gần 6 tháng đàm phán về các điều khoản hợp đồng và các yêu cầu kỹ thuật của Mỹ, với sự hỗ trợ của Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), các yêu cầu kỹ thuật đã dần được tháo gỡ và được phía đối tác nhập khẩu chấp thuận.

Chuyến container mía trắng tươi đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ có khối lượng 17,3 tấn. Sản phẩm mía trắng do Công ty Tiến Ngân trực tiếp thu mua, sơ chế, đóng gói và được Công ty Phát triển thương mại và công nghệ sản xuất mới cùng Công ty Vina Agri Import tại Mỹ chịu trách nhiệm về hồ sơ giấy tờ, logistics.

Dự kiến sau khoảng 35 ngày, mía sẽ cập cảng tại Mỹ. Trong tháng 3 này, tỉnh Hòa Bình tiếp tục xuất khẩu mía tươi sang thị trường Hàn Quốc.

Trước đó, từ cuối năm 2021 và trong năm 2022, Công ty Tiến Ngân đã xuất khẩu được hơn 100 tấn mía tươi sang các thị trường: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhu cầu đặt hàng của các đối tác tiếp tục được duy trì và tăng sản lượng nhập khẩu trong năm 2023.

Không chỉ có cây mía trắng dùng để ép lấy nước được xuất ngoại, các loại mía tím (dùng để ăn tươi) cũng được nhiều khách hàng nước ngoài chào đón. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình, từ năm 2019, cây mía Hòa Bình không chỉ có mặt ở nhiều vùng miền trong cả nước mà đã dần tìm đường xuất khẩu. Bắt đầu chỉ từ 120 kg mía tím làm hàng mẫu sang thị trường Nhật Bản, sản lượng xuất khẩu đã tăng nhanh qua các năm, năm 2020 đạt 5,7 tấn; năm 2021 đạt 74 tấn; năm 2022 đạt 300 tấn.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp khu vực phía nam cũng đang tìm mua mía tím đóng gói hút chân không để xuất khẩu đi Nhật. Năm nay, giá mía tăng cao, thị trường tiêu thụ tốt cũng khiến người dân vui mừng.

Doanh nghiệp Úc quan tâm thổ cẩm, ống hút bằng cỏ...

Đặc sản độc, lạ Việt Nam xuất ngoại  - Ảnh 2.

Doanh nghiệp Úc đang tham quan cơ sở dệt thổ cẩm tại tỉnh Tuyên Quang

VŨ OANH

Từ 16 - 18.3, đoàn doanh nghiệp Úc thông qua Đại sứ quán Úc tại Việt Nam đã được kết nối với tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế Actone.

Đại diện doanh nghiệp Úc cho biết, mặc dù chuyên cung ứng bò, dê, cừu sản phẩm đông lạnh và gia súc sống cho các nước, tuy nhiên sau thời gian đi lại và làm việc tại Việt Nam, doanh nghiệp nhận thấy tại Úc đang có nhu cầu tiêu thụ khá nhiều sản phẩm đặc trưng của Việt Nam như như thổ cẩm được dệt thủ công từ các làng nghề, sản phẩm tơ tằm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường như ống hút gạo, ống hút tre, ống hút cỏ bàng, ống hút giấy, sản phẩm tinh dầu nguyên chất...

Sau buổi kết nối, đoàn doanh nghiệp đã được hướng dẫn tham quan trực tiếp tại xưởng dệt thổ cẩm tại tỉnh Tuyên Quang, mở ra cơ hội xuất khẩu cho các làng nghề.

Theo thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, cứ 1 triệu USD xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ mang lại lợi nhuận gấp 5 - 10 lần so với ngành khai thác; nhóm hàng thủ công mỹ nghệ được xếp vào nhóm sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu lớn và có tỷ suất lợi nhuận cao. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này mang lại giá trị gia tăng lớn và được coi là ngành hàng mũi nhọn để tập trung phát triển xuất khẩu trong các năm tới. Sản xuất hàng thủ công ở Việt Nam có một hệ thống gồm gần 2.600 làng nghề trên toàn quốc, tạo việc làm cho khoảng 5,2 triệu lao động nông thôn.

Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất với doanh số chiếm 35% kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Tiếp đó là những cái tên lớn quen thuộc như Nhật Bản, EU, Úc, Hàn Quốc. Ngoài ra, Thái Lan, Đài Loan, Ấn Độ, Nga, Chile, Na Uy cũng là những thị trường mới nổi tiềm năng. Theo Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VIETCRAFT), nhiều mặt hàng thời trang; quà tặng đã được xuất khẩu tại chỗ với việc phục vụ nhu cầu mua sắm của khách nước ngoài. Hiện con số này chiếm khoảng 15% tổng chi tiêu - khoảng 15 USD/khách, trở thành những món quà tặng không thể quen thuộc hơn đối với khách du lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.