Xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận: Đảm bảo an toàn khi có động đất, sóng thần

14/04/2011 22:43 GMT+7

Trong hai ngày 13-14.4, tại TP Phan Rang - Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Tập đoàn năng lượng nguyên tử nhà nước Rosatom (LB Nga) tổ chức diễn đàn đối thoại về năng lượng nguyên tử.

 

Nhà máy mẫu được Tập đoàn Rosatom đưa ra giới thiệu - ảnh do Tập đoàn Rosatom cung cấp

Tại diễn đàn, ông Kovtun Andrei Grigorievich, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền LB Nga tại VN, khẳng định: “Việc tổ chức diễn đàn đối thoại là vấn đề rất quan trọng giữa VN và Tập đoàn Rosatom cũng như các khía cạnh hợp tác Nga - Việt trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) đầu tiên của VN tại Ninh Thuận. Phía Nga sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về hoạt động của NMĐHN không chỉ trên lãnh thổ mình, mà còn ở những nơi Nga tham gia vào các dự án NMĐHN".

Ông Boyarkin Sergei Alexandrovich, Giám đốc chương trình Tập đoàn Rosatom, đã giới thiệu các công nghệ ĐHN mà phía tập đoàn sẽ áp dụng cho NMĐHN tại Ninh Thuận; đồng thời giới thiệu các nguyên tắc để đảm bảo an toàn cao nhất khi vận hành lò phản ứng hạt nhân.

Một vấn đề được các chuyên gia VN có mặt tại diễn đàn chú ý là làm sao có thể đảm bảo an toàn cho NMĐHN trong điều kiện có động đất và sóng thần? Các chuyên gia Tập đoàn Rosatom nhấn mạnh, ngoài yếu tố công nghệ an toàn tiên tiến của Nga, cần phải chú ý các vấn đề như: chọn địa điểm xây dựng nhà máy; nghiên cứu kỹ về địa chất; khoảng cách đảm bảo an toàn khi có sự cố động đất hay sóng thần; nghiên cứu khảo sát kỹ các điểm đứt gãy trước khi khởi công xây dựng.

Về chính sách hỗ trợ đào tạo cán bộ ngành năng lượng nguyên tử cho VN, ông Tạ Đức Thịnh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ GD-ĐT), nhận định: “Hiện đã có 60 sinh viên VN đang học tập về lĩnh vực ĐHN tại Obninsk (LB Nga) và nước bạn đã cấp 60 suất học bổng cho sinh viên VN. Bộ GD-ĐT sẽ tuyển thêm khoảng 70 sinh viên nữa đến Nga học tập”.

Phải xem xét kỹ yếu tố lịch sử địa chất

Tiến sĩ Lê Chí Dũng, Phó cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ KH-CN):

Việc lựa chọn địa điểm xây dựng ĐHN tại Ninh Thuận mới là bước khảo sát sơ bộ để lập đề án báo cáo QH xin chủ trương đầu tư. Sau đó Tập đoàn điện lực VN (EVN) sẽ trực tiếp khảo sát chi tiết. Nếu EVN không đảm đương được thì phải phối hợp với các chuyên gia nước ngoài, cụ thể ở đây là phía Nga. Việc khảo sát mất ít nhất 1 năm mới hoàn thành. Phía đối tác Nga đề nghị phải xem xét kỹ các yếu tố về lịch sử địa chất tại khu vực dự kiến xây dựng NMĐHN ở Ninh Thuận. Cụ thể, phải xem ở đây đã từng có sóng thần chưa, có bị đứt gãy tầng địa chất không, có núi lửa không...

Phía Nga đã cùng các chuyên gia VN phân tích cụ thể sự cố xảy ra tại NMĐHN ở Nhật Bản. Trước mắt, phía Nga xem xét lại bản thiết kế đã chào hàng cho VN, qua đó họ sẽ thay đổi sao cho phù hợp với địa điểm xây dựng NMĐHN tại Ninh Thuận. Ngoài ra, phía Nga cũng cho biết công nghệ sử dụng cho NMĐHN tại VN là công nghệ thế hệ thứ 3, hiện đại và tiên tiến nhất hiện nay. Trong khi đó, NMĐHN tại Nhật Bản bị ảnh hưởng sóng thần là thế hệ thứ 2. Phía Nga cũng khẳng định, công nghệ hạt nhân mà Nga sử dụng ở VN có thể chịu đựng được các dư chấn động đất và sóng thần như vừa xảy ra tại Nhật Bản.

Lê Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.