Xác định nguyên nhân nước hồ thủy điện Ya Ly đổi màu bất thường

29/01/2024 08:52 GMT+7

Nước hồ thủy điện Ya Ly đổi màu xanh cục bộ và mùi hôi tanh, có thể do hiện tượng tảo lam khi nguồn nước bị phú dưỡng hóa, hay còn gọi là ô nhiễm hữu cơ.

Ngày 29.1, Sở TN-MT tỉnh Kon Tum cho biết đã có kết quả kiểm tra, xác minh việc nước hồ thủy điện Ya Ly đổi màu xanh, bốc mùi hôi thối.

Xác định nguyên nhân nước hồ thủy điện Ya Ly đổi màu bất thường- Ảnh 1.

Nước hồ thủy điện Ya Ly đổi màu

ĐỨC NHẬT

Trước đó, Công ty Thủy điện Ya Ly đã phản ánh với chính quyền địa phương về việc nước hồ thủy điện Ya Ly (tại xã Ya Ly, H.Sa Thầy, Kon Tum) có màu xanh đậm, nổi váng và có mùi hôi.

Ngay sau khi nhận được phản ánh, UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo Sở TN-MT phối hợp với Sở NN-PTNT, Sở KH-CN, UBND H.Sa Thầy và Công ty Thủy điện Ya Ly tiến hành kiểm tra thực tế để xác minh thông tin lòng hồ thủy điện Ya Ly bị ô nhiễm.

Qua làm việc, đoàn liên ngành nhận định sơ bộ việc nước hồ thủy điện Ya Ly nổi váng xanh cục bộ và mùi hôi tanh, có thể do hiện tượng tảo lam khi nguồn nước bị phú dưỡng hóa (ô nhiễm hữu cơ). Nguyên nhân là do phát thải từ các hoạt động canh tác nông nghiệp trong vùng bán ngập.

Đại diện chính quyền địa phương và Công ty Thủy điện Ya Ly nhận định, tình trạng nổi váng xanh cục bộ và nước có mùi hôi xuất hiện trong thời gian ngắn, mức độ có giảm nhiều so với năm 2022.

Qua kiểm tra, Sở TN-MT tỉnh Kon Tum đề nghị H.Sa Thầy tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại các nhà máy trên thượng nguồn suối Đăk Sia, không để nước thải của các nhà máy chưa qua xử lý thải trực tiếp ra suối đổ về lòng hồ Ya Ly gây ô nhiễm nguồn nước; phối hợp với chính quyền xã tiếp tục theo dõi các hiện tượng bất thường (nếu có) tại khu vực lòng hồ Ya Ly.

Chính quyền xã Ya Ly, H.Sa Thầy thông tin đến người dân và cộng đồng về kết quả quan trắc, lấy mẫu nước hồ để người dân biết, theo dõi; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện thu hoạch theo đúng thời vụ, thu dọn triệt để các phế phẩm từ quá trình canh tác trong vùng bán ngập, đặc biệt là cây mì (cành, lá, củ mì) sau thu hoạch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.