Vượt sông bằng… ruột xe

09/04/2015 11:38 GMT+7

Chiếc ruột (săm) ô tô được bơm căng, trên gác vài thanh củi vừa một người ngồi. Xong, một thanh niên lặn ngụp dưới dòng nước kéo chiếc 'phao' vượt sông sang bên kia bờ...

Chiếc ruột (săm) ô tô được bơm căng, trên gác vài thanh củi vừa một người ngồi. Xong, một thanh niên lặn ngụp dưới dòng nước kéo chiếc “phao” vượt sông sang bên kia bờ...

Vượt sông bằng… ruột xeDùng ruột ô tô để vượt sông Tranh ảnh: Hoàng Sơn
Đó là cách vượt sông Tranh hàng ngày của người dân nóc Tăk Rối (thôn 4, xã Trà Tập, H.Nam Trà My, Quảng Nam) sang QL 40B để ra với “thế giới” bên ngoài. Tăk Rối trông thì rất gần nếu đứng từ quốc lộ nhìn sang nhưng lại tách biệt với những địa phương khác vì lọt thỏm giữa núi rừng và bị chia cách bởi sông Tranh rộng hàng chục mét. Bao đời nay, người dân Ca Dong tại cụm dân cư này nếu muốn học lên cao, muốn đi bệnh viện… phải đi lại như thế nếu không muốn cắt rừng với hàng giờ cuốc bộ.
Một ngày tháng 3, thấy chúng tôi đang loay hoay tìm cách sang Tăk Rối, anh Phạm Xuân Lý (36 tuổi) đứng bên kia bờ vội vã bơi sang để hỏi chuyện. Lý bảo nếu muốn vào nóc thì phải cởi quần dài vắt lên cổ, ba lô đưa cao lên đầu rồi lội sang. “Không có cách nào khác vì cả xóm có được cái ruột ô tô dùng làm phương tiện đi lại thì đã thủng rồi, chưa kịp vá. Cả nóc này ai cũng lội sông, mùa này nước sông Tranh cạn nên lội còn dễ chứ mưa xuống thì biệt lập”, anh Lý nói.
Anh Lý cho biết thêm nhà anh có 2 đứa con gái đang học tiểu học tại điểm thôn trong trường. Nhưng do trường chỉ dạy đến lớp 3 với một thầy giáo “thường trú”. Sắp tới đứa con đầu sẽ lên lớp 4 nên anh rất lo vì hàng ngày anh phải cõng con, vượt sông Tranh mới đến được điểm trường xã Trà Mai. Hiện nóc Tăk Rối chưa có trường mẫu giáo nên trẻ con lớn lên cứ lăn lóc, quanh quẩn trong rẫy gần nhà.
Theo lời chỉ dẫn của Lý, chúng tôi tiếp tục men theo bờ đến một khúc sông khác thì gặp 2 thanh niên Hồ Văn Tùng và Hồ Văn Cẩn (cùng 20 tuổi) đang chuẩn bị vượt sông bằng chiếc “thuyền ruột ô tô”. Cả hai thanh niên cho biết vì điều kiện kinh tế khó khăn và xa trường nên đều chỉ học đến lớp 9. Trong nóc ít người học lên cao cũng vì cách trở. “Cả nóc giờ chỉ còn mỗi chiếc ruột xe này chưa thủng. Nếu có khách vào nóc thì bọn em sẽ bơm lên rồi đưa người ta vào. Người đau ốm, trẻ con, người già cũng ngồi lên để bọn em đưa sang”, Tùng nói.
Trước đây, trong làng có nhiều nhà mua ruột xe về để đi lại nhưng được thời gian thì hỏng hỏng hoặc va vào đá nên bị thủng. Cả nóc khoảng 30 hộ dân (trên 100 nhân khẩu) đều làm lúa rẫy, săn bắt với hơn 80% là hộ nghèo và cận nghèo. Ruột xe hỏng nhưng nhiều nhà chưa có tiền để sắm lại.
Chờ cây cầu treo
Cũng vì thường xuyên lội sông hoặc đi lại trên những chiếc ruột ô tô tròng trành nên cư dân Tăk Rối đều bơi rất giỏi. Dù vậy, tại sông Tranh vẫn thường xuyên xảy ra những vụ người dân bị nước cuốn trôi. May mắn thì được cứu sống nhưng xấu số thì đuối nước tử vong. Tùng kể cách đây vài năm, một giáo viên tiểu học khi cố vượt sông dạy học đã bị nước cuốn chết. Sau đó không lâu, hai học sinh Hồ Thị Hưng và Hồ Thị Thơ cũng bỏ mạng vì đuối nước trên khúc sông này. “Mùa mưa khi nước sông lên cao, để vào trung tâm H.Nam Trà My, người dân phải đi đường vòng về cầu treo ở xã Trà Dơn rồi đi qua QL 40B, mất 3 - 4 giờ lận. Em nghe sẽ làm cầu nhưng chờ mãi chưa thấy…”, Tùng tiếp lời.
Ông Hồ Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã Trà Tập, cho hay nhiều năm qua, người dân sống bên kia sông Tranh nếu muốn vào trung tâm huyện đều phải lội sông vào mùa nắng và dùng ruột ô tô vào mùa mưa. Ngoài nóc Tăk Rối, còn có 2 nóc Răng Dí với 22 hộ và nóc Tu Nương trên 40 hộ cũng thường xuyên đối mặt với nguy hiểm khi vượt sông Tranh. “Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần với cấp trên xây dựng cầu vượt sông nhưng đến nay cầu vẫn chưa được thi công…”, ông Hiền nói.
Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND H.Nam Trà My, cho hay đã có dự án đầu tư xây dựng cầu treo nối nóc Tăk Rối với QL 40B. “Ngành chức năng đã khảo sát xong địa điểm làm cầu. Đây là công trình do Bộ GTVT đầu tư trực tiếp với tổng mức kinh phí ước chừng trên 3 tỉ đồng, dự kiến sẽ được khởi công trong thời gian tới. Hy vọng sau khi xây dựng xong cây cầu này, người dân Tăk Rối sẽ bớt khổ và chiếc cầu sẽ giúp người dân bớt tách biệt với bên ngoài, góp phần giảm nghèo”, ông Bửu nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.