Vùng trũng tiêu thụ

15/03/2017 06:01 GMT+7

Nỗi lo VN trở thành vùng trũng tiêu thụ hàng hóa từ các nước Asean đang ngày càng trở nên hiện hữu khi chúng ta không gia tăng được xuất khẩu trong nội khối mà ngược lại còn đánh mất thị phần sân nhà cho sản phẩm có xuất xứ từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore...
Hiện mỗi ngày, chúng ta bỏ ra 2 triệu USD (khoảng 45 tỉ đồng) nhập rau quả từ Thái Lan, Trung Quốc. Nếu tính cả các thị trường khác, con số trung bình là 64 tỉ đồng, tương đương 164 triệu USD trong 2 tháng đầu năm.
Mặt hàng nóng nhất hiện nay là ô tô. Ngay khi Hiệp định thương mại ASEAN có hiệu lực từ ngày 1.1.2017 với mức thuế suất giảm từ 40% xuống 30%, lượng ô tô nhập về VN tăng chóng mặt. Chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, số lượng ô tô nhập khẩu từ Thái Lan vào nội địa là 5.714 chiếc, từ Indonesia là 3.108 chiếc, vượt qua cả các cường quốc như Hàn Quốc, Ấn Độ. Riêng số ô tô nhập từ Indonesia trong 2 tháng đầu năm nay đã gần bằng số ô tô của quốc gia này xuất sang VN cả năm 2016.
Hôm nay, Hội chợ Thái Lan tại TP.HCM năm 2017 lần 2 diễn ra, kéo dài đến hết tuần. Các hội chợ kiểu này được tổ chức thường xuyên mấy năm nay, gần như mỗi tháng 1 lần, lúc nào cũng nườm nượp người tới mua sắm. Không quá lời khi nói nhiều người tiêu dùng nội địa giờ đây “thuộc” hàng Thái còn hơn hàng Việt.
Cũng dễ hiểu, từ trước khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập, người Thái đã thâm nhập rất sâu vào thị trường Việt qua việc mua lại một loạt hệ thống phân phối lớn Big C, Family Mart, Metro, Nguyễn Kim... “đưa đường, dẫn lối” cho quần áo, bánh kẹo, đồ điện tử, giày dép, rau quả, đồ gỗ... nước này tới tận ngõ, ngách các con phố, tới cửa nhà mỗi gia đình người Việt.
Tất nhiên không thể tư duy theo kiểu, VN trồng đầy rau quả, xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới... thì sao phải nhập khẩu chính các mặt hàng này và nhập nhiều đến vậy. Chuyện giao thương, nhất là ở thời buổi hội nhập hiện nay là điều tất yếu. Chúng ta nhập xoài của Thái Lan thì cũng hoàn toàn có thể xuất khẩu xoài của mình sang nước bạn. Cũng như chúng ta xuất khẩu gạo đứng hàng đầu thế giới nhưng trong nước gạo Nhật, Thái, Campuchia... không thiếu. Chỉ có điều khi VN chưa tăng được xuất khẩu vào nội khối ASEAN thì các nước cùng khối lại tận dụng rất tốt cơ hội “làm bàn” tại thị trường VN. Minh chứng rõ nhất qua con số nhập siêu của VN từ khối này. Năm 2016, năm đầu tiên VN tham gia AEC, nhập siêu của chúng ta từ khối này lên tới 6,3 tỉ USD, cao hơn khá nhiều so với mức 5,5 tỉ USD nhập siêu của năm 2015. Mức thâm hụt mạnh thương mại ngày càng nặng nề này đã khiến không ít người đặt câu hỏi về lợi ích thật sự của nền kinh tế VN khi hội nhập.
Phải khẳng định rằng cơ hội của hội nhập là rất rõ. Đó là một thị trường rộng lớn, sức mua cao với những rào cản thuế quan được tháo bỏ... Nhưng có lẽ, chúng ta đã không đánh giá được hết những thách thức từ các nước láng giềng. Sự tương đồng về chủng loại hàng hóa (từ nông sản cho đến hàng tiêu dùng, điện tử...) nhưng chất lượng, dịch vụ, mẫu mã, giá cả kém cạnh tranh khiến chúng ta khó cạnh tranh được cả ở sân nhà hay sang sân bạn. Sự thiếu chuẩn bị, sự thụ động cũng khiến chúng ta không tận dụng tốt các cơ hội từ AEC. Hệ quả là tình trạng nhập siêu như nói trên vẫn đang gia tăng.
Chúng ta đang lo ngại từ 1.1.2018, thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN giảm về 0% sẽ khiến xe từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia... đổ bộ về VN nhưng nên nhớ, còn cả trăm mặt hàng khác cũng giảm thuế về 0% vào đầu năm tới. Nếu vẫn cứ “ung dung tản bộ” thế này, việc VN trở thành “vùng trũng tiêu thụ” hàng hóa của khối ASEAN không còn là nguy cơ mà sẽ trở thành hiện thực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.