Vụ Vạn Thịnh Phát: Xét xử bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm tại TP.HCM

15/12/2023 14:25 GMT+7

Viện KSND tối cao ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan cùng 85 bị can.

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng, truy tố 86 bị can trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị có liên quan.

10 thủ đoạn bà Trương Mỹ Lan 'rút ruột' hơn 1 triệu tỉ đồng từ SCB

Trong số này, bà Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị truy tố về 3 tội danh: tham ô tài sản, đưa hối lộ và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Xét xử bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm tại TP.HCM - Ảnh 1.

Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan

T.N

"Thâu tóm" SCB

Kết quả điều tra cho thấy, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sở hữu "hệ sinh thái" gồm hơn 1.000 doanh nghiệp là các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước.

Để có nguồn vốn duy trì hoạt động cho "đế chế" của mình, bà Trương Mỹ Lan tiến hành thâu tóm SCB nhằm xây dựng kênh huy động vốn.

Bằng thủ đoạn thu mua cổ phần rồi nhờ người khác đứng tên, tính đến đầu năm 2018, tỷ lệ bà Lan sở hữu cổ phần tại SCB lên tới hơn 91,5%.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Xét xử bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm tại TP.HCM

Với việc sở hữu gần như tuyệt đối về cổ phần, bà Lan đưa người của mình hoặc sử dụng các cá nhân mà mình tin tưởng, đều là người có trình độ, hoạt động lâu năm trong lĩnh vực ngân hàng, để bố trí vào các vị trí chủ chốt tại SCB.

Mặc dù không có tên trong ban lãnh đạo SCB, nhưng trên thực tế, bà Trương Mỹ Lan có quyền lực chi phối mọi hoạt động của ngân hàng này, kể cả về nhân sự hay hoạt động tín dụng.

Cơ quan tố tụng xác định, từ ngày 1.1.2012 đến ngày 7.10.2022, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập một số lượng lớn các hồ sơ vay vốn khống để rút ra số tiền đặc biệt lớn.

Trong đó, từ ngày 1.1.2012 đến ngày 31.12.2017, bà Lan chỉ đạo lập khống 368 hồ sơ vay vốn để rút tiền của SCB sử dụng vào các mục đích khác nhau, hiện còn dư nợ hơn 132.000 tỉ đồng, không có khả năng thu hồi. Hành vi này gây thiệt hại cho SCB hơn 64.000 tỉ đồng, phạm tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Tiếp đó, từ ngày 9.2.2018 đến ngày 7.10.2022, bà Lan chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của SCB số tiền hơn 304.000 tỉ đồng, qua đó gây thiệt hại cho SCB hơn 129.000 tỉ đồng, phạm tội tham ô tài sản.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Xét xử bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm tại TP.HCM - Ảnh 2.

Vụ án xảy ra tại SCB khiến ngân hàng này thiệt hại cả trăm ngàn tỉ đồng

T.N

Hối lộ cả trăm tỉ đồng để bưng bít sai phạm

Vẫn theo cáo trạng, SCB đặc biệt yếu kém về tài chính và có rất nhiều sai phạm. Để che giấu những "vết đen" này, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan đã tìm đến bà Đỗ Thị Nhàn, Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Ngân hàng Nhà nước) nhờ giúp đỡ.

Theo chỉ đạo của bà Lan, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB đã đưa quà, tiền bồi dưỡng cho các thành viên trong đoàn thanh tra. Chỉ tính riêng bà Nhàn, ông Văn đã đưa số tiền lên tới 5,2 triệu USD, tương đương 118 tỉ đồng.

Kết quả điều tra xác định, sau khi nhận tiền, bà Nhàn bao che, bưng bít cho sai phạm của SCB và bà Trương Mỹ Lan.

Xem nhanh 20h: Ấn định nơi xét xử bà Trương Mỹ Lan

Nữ cục trưởng chỉ đạo cấp dưới, bỏ ra ngoài số liệu phân loại nợ xấu gần 38.000 tỉ đồng, trích lập dự phòng rủi ro hơn 18.700 tỉ đồng…; nhằm mục đích có lợi cho SCB để hợp thức, đưa vào báo cáo đoàn thanh tra, dự thảo kết luận thanh tra và báo cáo Chính phủ.

Bà Nhàn còn bị cáo buộc báo cáo không trung thực, không đầy đủ, sai lệch kết quả thanh tra theo hướng giảm nhẹ sai phạm; tạo điều kiện giúp SCB tiếp tục tái cơ cấu…

Chuỗi hành vi trên khiến cơ quan quản lý nhà nước không có đủ thông tin, tài liệu để chỉ đạo xử lý các sai phạm của SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội của bà Lan và đồng phạm.

Với các căn cứ đã nêu, bà Trương Mỹ Lan bị truy tố tội đưa hối lộ, bà Đỗ Thị Nhàn tội nhận hối lộ.

Viện KSND tối cao truy tố các bị can ra trước TAND TP.HCM để xét xử sơ thẩm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.