Vụ kiện tiền thưởng

12/08/2012 03:30 GMT+7

Bị cáo buộc cản trở thương mại bởi những điều khoản hà khắc trong việc trả thưởng, tập đoàn nông sản lớn nhất nước Mỹ Cargill bị thua kiện ở Singapore.

Cargill TSF Asia - chi nhánh ở châu Á chuyên kinh doanh nông sản, kim loại và các dịch vụ tài chính - bị đưa ra tòa hồi tháng 2.2011, sau khi từ chối chi trả hơn 1,7 triệu USD tiền thưởng. Nguyên đơn là ông Vikrant Mano Singh, 53 tuổi, là giao dịch viên có đóng góp lớn cho Cargill từ 2001 đến 2008.

Theo hợp đồng lao động, ngoài lương, ông Singh còn được nhiều khoản tiền thưởng. Khoản thưởng này sẽ được trả ngay một nửa bằng tiền mặt, nửa còn lại cộng dồn có lãi suất và chỉ được trả sau khi ông nghỉ việc 3 năm. Điều kiện kèm theo là trong 2 năm sau khi nghỉ việc, ông Singh không được phép hoạt động, dưới bất kỳ tư cách nào, trong các lĩnh vực mà Cargill hoạt động.

Ông Singh nghỉ việc tháng 10.2008, và tập trung cho Công ty Xangbo Management mà ông thành lập trong thời gian làm việc bán chính thức cho Cargill. Xangbo hoạt động trong lĩnh vực tư vấn rủi ro tài chính, và bị coi là cạnh tranh với Cargill. Vì vậy, đến thời hạn phải chi trả nửa tiền thưởng còn lại, Cargill đã từ chối với lý do ông Singh vi phạm hợp đồng.

Tòa dân sự tối cao Singapore hồi tháng 11.2011 đã xử thắng cho Cargill với lập luận đây là vấn đề vi phạm hợp đồng song phương. Ông Singh kháng cáo.

Tòa thượng thẩm Singapore hôm 7.8 đã lật ngược phán quyết của tòa sơ thẩm, buộc Cargill phải trả cho ông Singh 1,74 triệu USD. Chánh án Andrew Phang chỉ ra rằng: “Điểm mấu chốt của vấn đề không phải là việc mỗi bên đã tự do ký vào bản hợp đồng. Mà cái chính là bản hợp đồng đó đã chứa đựng một điều khoản cản trở thương mại”. Cụ thể trong trường hợp này là vi phạm quyền tự do làm việc của công dân. Phán quyết cũng nói những ràng buộc này chỉ có thể áp dụng để tránh trường hợp nhân viên nghỉ việc và tái bản sản phẩm của công ty.

Phát ngôn viên Cargill tuyên bố công ty sẽ chấp hành phán quyết. Còn luật sư của ông Singh bình luận về vụ án chưa có tiền lệ ở Singapore này: “Phán quyết này có ý nghĩa to lớn. Nó không chỉ dựa trên các nguyên tắc pháp lý, mà quan trọng hơn là nó tính tới các hậu quả thương mại”.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.