Vụ hiệu trưởng ở Kon Tum bị tố lạm thu: Phụ huynh phản ánh thêm sai phạm

08/07/2023 18:35 GMT+7

Khi các cơ quan chức năng đang xác minh thông tin Trường tiểu học Lê Hồng Phong ở Kon Tum lạm thu, nhiều phụ huynh tiếp tục phản ánh tới Báo Thanh Niên về những vấn đề bất cập tại trường này.

Ngày 8.7, UBND H.Đăk Tô (Kon Tum) cho biết đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT huyện này kiểm tra, xác minh thông tin mà Báo Thanh Niên phản ánh về việc phụ huynh tố Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Hồng Phong (xã Kon Đào) lạm thu.

Trong khi các cơ quan hữu trách đang kiểm tra, xác minh, nhiều phụ huynh tiếp tục phản ánh tới Báo Thanh Niên nhiều sai phạm khác tại trường này.

Phụ huynh phản ánh thêm nhiều sai phạm - Ảnh 1.

Trường tiểu học Lê Hồng Phong

ĐỨC NHẬT

Học sinh không được học môn tin nhưng vẫn có điểm

Theo phụ huynh phản ánh, khi học sinh thực hành môn tin học, giáo viên chỉ mở 1 máy tính cho học sinh học chung. Do đó, học sinh không được thực hành đầy đủ.

Không chỉ vậy, ở điểm trường thôn Đăk Lung, học sinh không được học môn tin học trong khi trường có biên chế giáo viên tin học. Dù không học tin học nhưng học sinh vẫn có điểm môn này trong phiếu điểm.

Điều đáng nói, học sinh tại điểm trường thôn Đăk Lung 100% là người đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, đa phần là hộ nghèo và được nhà nước hỗ trợ chi phí học tập. Thế nhưng các năm học qua, điểm trường này vẫn thu 150.000 đồng/học sinh/năm học.

Chị Y.H (có 2 con đang theo học tại điểm trường thôn Đăk Lung) cho hay, năm học vừa qua, gia đình chị phải đóng 300.000 đồng cho 2 người con. Số tiền này được lý giải dùng để mua dụng cụ học tập. Tuy nhiên, trong năm học, gia đình chị vẫn phải bỏ tiền để mua dụng cụ học tập cho con.

Ngoài ra, dù phụ huynh phải đóng tiền để nhà trường mua vở khen thưởng cho học sinh nhưng khi tổng kết cuối năm, học sinh lại nhận được vở khen thưởng do Quỹ bảo vệ rừng tỉnh Kon Tum tài trợ. Số vở này dùng để tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, phụ huynh đặt câu hỏi số tiền học sinh đóng góp đã đi đâu và việc khen thưởng bằng vở được tài trợ có đúng mục đích hay không?

Những vấn đề nói trên đã được phụ huynh nhiều lần góp ý kiến tại các cuộc họp với nhà trường nhưng vẫn không được khắc phục.

Phụ huynh phản ánh thêm nhiều sai phạm - Ảnh 2.

Một phụ huynh ở điểm trường thôn Đăk Lung trao đổi với phóng viên

ĐỨC NHẬT

Chương trình "Sóng và máy tính" cho ai?

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hồng Loan, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Hồng Phong, cho rằng môn tin học ở trường chính vẫn học bình thường. Tuy nhiên, ở điểm trường Đăk Lung cách điểm trường trung tâm 1 km nên các em chỉ học lý thuyết. Khi gọi các em lên trường chính thực hành thì các em không đi vì nhiều nguyên nhân như: nhà xa, điều kiện phương tiện không có nên các em không chịu lên trung tâm học.

Cũng theo bà Loan, đầu năm 2023, nhà trường nhận 15 máy tính trong chương trình "Sóng và máy tính cho em". Nhà trường đã tạo điều kiện chia máy tính cho giáo viên chủ nhiệm các lớp để lấy máy tính hướng dẫn cho các em học môn tin học.

"Ban đầu, nhà trường phát về cho các em nhưng phụ huynh sợ con em chơi máy tính không chú tâm học tập. Hơn nữa, các em không có mạng để dùng nên Phòng GD-ĐT đã yêu cầu các trường giữ lại số máy tính này. Trong giờ tin học thì giáo viên lấy ra cho các em học, khi học xong thì giáo viên mang về nhà để bảo quản", bà Loan nói.

Khi phóng viên đặt vấn đề "Sóng và máy tính cho em" là chương trình của Bộ GD-ĐT nhằm hỗ trợ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi Covid-19, tại sao nhà trường lại không phát cho học sinh mà giữ lại sử dụng? Việc giáo viên mang về nhà bảo quản có đúng mục đích hay không?

Bà Loan cho hay do nhà trường không có nơi bảo quản máy tính và dễ bị mất nên giao cho giáo viên bảo quản. Bà Loan cũng khẳng định mặc dù chương trình "Sóng và máy tính cho em" nhưng giao máy tính cho giáo viên bảo quản là đúng mục đích.

Về khoản tiền 150.000 đồng/học sinh tại điểm trường thôn Đăk Lung, bà Loan lý giải số tiền này được dùng để mua sắm dụng cụ học tập, trang trí lớp và giày dép. Theo bà Loan, điểm trường có 117 em học sinh, đều là người đồng bào dân tộc thiểu số. Khoản thu này do người dân hoàn toàn tự nguyện đóng góp.

Về việc dùng vở được Quỹ bảo vệ rừng tỉnh Kon Tum tài trợ để khen thưởng học sinh, bà Loan lý giải do phát nhầm. Sau khi phụ huynh phản ánh, nhà trường đã tiến hành phát lại phần thưởng cho những học sinh bị nhầm lẫn.

Phụ huynh phản ánh thêm nhiều sai phạm - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Hồng Loan (bìa phải) trao đổi với phóng viên

ĐỨC NHẬT

Như Báo Thanh Niên đã thông tin, nhiều ngày qua, phụ huynh học sinh tại Trường tiểu học Lê Hồng Phong tố nhà trường có nhiều khoản thu vô lý như: tiền quỹ hội phụ huynh học sinh, quỹ lớp, quỹ hoạt động khác và thu khoản tiền xây hồ bơi. 

Ngoài ra, Trường tiểu học Lê Hồng Phong còn bị tố chi trả thiếu tiền lương cho hai giáo viên hợp đồng dạy tiếng Anh. Đến khi các giáo viên bức xúc và phản ánh, hiệu trưởng nhà trường mới chỉ đạo hoàn trả hơn 21 triệu đồng cho các cô giáo.

Bà Nguyễn Thị Hồng Loan cũng thừa nhận những nội dung tố cáo của phụ huynh "có ý đúng cũng có ý sai" và cho rằng tất cả khoản thu đều là phụ huynh tự nguyện đóng góp.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.