Vụ ‘chuyến bay giải cứu’: Cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế nhận tiền công khai, trắng trợn

Đối đáp tại phiên tòa "chuyến bay giải cứu", đại diện viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm đánh giá hành vi nhận hối lộ của bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, là công khai, trắng trợn.

Sáng 21.7, TAND TP.Hà Nội dành thời gian để kiểm sát viên tham gia quyền công tố tại phiên tòa "chuyến bay giải cứu" đối đáp lại những quan điểm của các luật sư và bị cáo.

Trong vụ án "chuyến bay giải cứu" này, bị cáo Phạm Trung Kiên bị cáo buộc là người nhận hối lộ nhiều nhất và cũng là người bị đề nghị mức án tử hình, mức cao nhất trong số 54 bị cáo. Viện kiểm sát cáo buộc chỉ trong 11 tháng, ông Kiên đã 253 lần nhận tổng cộng 42,6 tỉ đồng của 18 người đại diện các doanh nghiệp.

Xem nhanh 20h ngày 21.7: Viện kiểm sát nói Hoàng Văn Hưng 'tráo trở’ | Xôn xao chuột bò trên túi bún

Không thể coi số tiền nhận hối lộ hơn 42 tỉ đồng là nhỏ

Tại phiên tòa, luật sư của bị cáo Kiên cho rằng, số tiền nhận hối lộ hơn 42 tỉ đồng nếu chia trung bình ra 18 doanh nghiệp thì không lớn. Về bản chất, hơn 42 tỉ đồng mà ông Kiên nhận là phép cộng của hơn 30.000 công dân về nước, mỗi công dân chỉ bỏ ra 500.000 - 2.000.000 đồng/vé có lớn không khi đổi lấy sự an toàn tính mạng và sức khỏe. Do vậy, luật sư đề nghị xem xét về số tiền hơn 42 tỉ đồng mà ông Kiên đã nhận hối lộ là lớn hay nhỏ và đây có thể là quà cảm ơn.

Vụ ‘chuyến bay giải cứu’: Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế nhận tiền công khai, trắng trợn - Ảnh 1.

Đại diện Viện KSND TP.Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên tòa "chuyến bay giải cứu"

TRẦN PHAN

Đối đáp lại nội dung này, kiểm sát viên (KSV) cho rằng rất phẫn nộ. Quan điểm của luật sư thể hiện sự thờ ơ trước những đau khổ, mất mát của đồng bào cũng như những mất mát của nhân loại trên toàn thế giới.

Thời điểm dịch bùng phát, cả hệ thống chính trị vào cuộc, căng mình chống dịch, từ đó xuất hiện nhiều tấm gương chia sẻ khó khăn, vất vả của người chiến sĩ chống dịch, cũng như người dân trong vùng dịch.

Những chuyến từ thiện, chuyến xe 0 đồng, chuyến hàng không tính tiền và có những doanh nghiệp đã chung sức, đồng lòng dù đứng trước nguy cơ phá sản. Trong nước là vậy, đồng bào ở nước ngoài cũng gặp muôn vàn khó khăn, họ mong muốn về quê hương, vì vậy mới có những "chuyến bay giải cứu", chuyến bay combo.

"Hành vi của các bị cáo, trong đó có Kiên vào thời điểm đó đã làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp, chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trên các "chuyến bay giải cứu", chuyến bay combo. Gây bất bình trong nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cơ quan nhà nước, phản bội lại sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, của Đảng, Nhà nước, quân và dân. Quan điểm của luật sư đã xúc phạm đến những người dân Việt Nam trải qua đại dịch đầy khốc liệt và đau thương", KSV nói.

Vụ ‘chuyến bay giải cứu’: Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế nhận tiền công khai, trắng trợn - Ảnh 2.

Bị cáo Phạm Trung Kiên

TRẦN PHAN

Theo KSV, nếu mang hơn 42 tỉ đồng mà ông Kiên nhận hối lộ chia cho 30.000 người dân đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài thì sẽ ý nghĩa biết bao mà lại coi đó là số tiền không lớn. Do vậy, KSV cho rằng không dùng từ ngữ nặng để đánh giá quan điểm này của luật sư nữa mà để công luận, xã hội đánh giá.

Xem nhanh 20h: Chủ doanh nghiệp hối hận vì "đẩy vợ vào tù"

Gây sức ép, buộc doanh nghiệp đưa tiền

Nội dung thứ 2, các luật sư bào chữa cho ông Kiên trong phiên đại án "chuyến bay giải cứu" cho rằng thân chủ mình không có chức vụ, quyền hạn; không rõ được làm gì và không được làm gì, nên xem xét cho tội danh khác.

Đối đáp lại, KSV cho hay, ngày 19.12.2019, Văn phòng Bộ Y tế có văn bản gửi Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) về việc biệt phái ông Kiên từ chuyên viên của vụ này về đảm nhiệm công tác thư ký giúp việc Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên từ ngày 19.12.2019.

Trong công tác phòng, chống dịch, ông Tuyên là một trong các Phó trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và trong tổ công tác 5 bộ, có vai trò rất quan trọng khi cho ý kiến về việc cấp phép các chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao. Do đó, bị cáo Kiên là người có chức vụ, quyền hạn và trực tiếp tham gia một công đoạn trong chuỗi quy trình cấp phép chuyến bay.

Vụ ‘chuyến bay giải cứu’: Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế nhận tiền công khai, trắng trợn - Ảnh 3.

Các bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu"

TRẦN PHAN

"Nếu Kiên không thực hiện đúng quy trình, chậm hoặc khi có phê duyệt của ông Tuyên nhưng giữ lại chưa đóng dấu gửi Bộ Ngoại giao thì cũng ảnh hưởng rất lớn đến thời hạn cấp phép chuyến bay cho doanh nghiệp", KSV nói và cho rằng chính vì vậy, rất nhiều bị cáo là doanh nghiệp sợ ông Kiên, vì nếu không gặp đưa tiền thì sẽ bị gây khó khăn trong việc trình trả văn bản, và thực tế bị cáo Kiên đã gây sức ép, buộc doanh nghiệp phải đưa tiền.

Hành vi công khai, trắng trợn

Thứ 3, đối đáp lại quan điểm luật sư cho rằng bị cáo Kiên nhận hối lộ công khai, trắng trợn và gây khó khăn cho doanh nghiệp là chưa phù hợp, không có căn cứ và chứng cứ, KSV khẳng định bị cáo Kiên không chỉ có hành vi yêu cầu, đòi hỏi, thỏa thuận các doanh nghiệp phải đưa tiền cho mình mà trước và sau khi vụ án khởi tố, ông Kiên đã gọi điện nhờ một số doanh nghiệp xác nhận tiền mà họ chuyển là tiền vay mượn dân sự, thỏa thuận góp vốn để che giấu hành vi phạm tội của mình.

Theo KSV, trong số 18 doanh nghiệp đưa tiền cho bị cáo Kiên, có tới 12 doanh nghiệp là bị cáo này yêu cầu chi từ 150 - 200 triệu đồng/chuyến bay được cấp phép, hoặc từ 1 - 2 triệu đồng/khách lẻ về nước. Các doanh nghiệp còn lại bị cáo Kiên không yêu cầu hoặc chưa làm rõ được thì có đến 4 doanh nghiệp, cá nhân tự cân đối để chuyển tiền cho ông Kiên.

Vụ ‘chuyến bay giải cứu’: Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế nhận tiền công khai, trắng trợn - Ảnh 4.

Toàn cảnh phiên tòa "chuyến bay giải cứu"

TRẦN PHÂN

Về hành vi nhờ doanh nghiệp khai hộ tiền nhận hối lộ là tiền vay mượn nhằm che giấu hành vi, KSV cho hay, tại phần xét hỏi ở phiên tòa"chuyến bay giải cứu" đã thể hiện rõ điều này. Viện kiểm sát đã hỏi rõ bị cáo Nguyễn Thị Tường Vy, Giám đốc Công ty TNHH MTV ATA Việt Nam, và trên sao kê tài khoản số tiền 12 tỉ đồng chuyển cho các bị cáo sau khi hành vi phạm tội bị phát hiện đều ghi "chuyển khoản trả nợ, chuyển khoản tiền vay". Tuy nhiên, trên thực tế đây là số tiền mà bị cáo Kiên đã nhận hối lộ mà không có quan hệ hợp tác kinh doanh hay vay mượn gì.

"Với những chứng cứ đã nêu thì hành vi nhận hối lộ của Kiên có phải thủ đoạn công khai trắng trợn, gây khó khăn hay không? Chúng tôi nghĩ rằng các luật sư ngồi đây và các bị cáo đã rõ vấn đề này. Do đó, đại diện viện kiểm sát giữ nguyên đánh giá này", KVS nói.

Những lời hối lỗi trong đại án “chuyến bay giải cứu"

Không được xem xét giảm nhẹ tình tiết tự thú

Về quan điểm của bị cáo Kiên cho rằng mình đã tự thú khi nhận tiền của 2 bị cáo trong vụ án và đề nghị ghi nhận đây là tình tiết người phạm tội tự thú, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm, giải quyết vụ án, VKS cũng khẳng định không có căn cứ.

Trước khi khai nhận về việc nhận số tiền của 2 bị cáo thì cơ quan điều tra đã sao kê toàn bộ hệ thống tài khoản ngân hàng và biết dòng tiền chuyển vào tài khoản của ông Kiên, chứ không chờ bị cáo này khai. Do đó, không áp dụng tình tiết giảm nhẹ là tự thú cho bị cáo Kiên.

Ngoài ra, KSV cho hay, suốt quá trình điều tra, bị cáo Kiên không thừa nhận hành vi phạm tội, gây khó khăn cho cơ quan điều tra. Do đó, không thể áp dụng tình tiết tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án.

Sau khi luận tội, bị cáo Kiên đã tác động gia đình nộp thêm 8 tỉ đồng và vợ bị cáo cũng có đơn tự nguyện dùng căn hộ ở khu đô thị Royal City (Hà Nội) làm tài sản khắc phục hậu quả cho chồng. Do đó, KSV đề nghị hội đồng xét xử xem xét tình tiết này cho bị cáo Kiên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.