VRG đánh giá trữ lượng carbon rừng cao su để thương mại hóa

29/03/2024 04:36 GMT+7

Năm nay, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) tập trung nghiên cứu, tìm hiểu thông tin và đánh giá trữ lượng carbon của rừng cao su để hướng tới thương mại hóa.

Đây là một trong những nhiệm vụ mà VRG đặt ra trong kế hoạch hoạt động tăng trưởng xanh và phát triển bền vững năm 2024 vừa ban hành ngày 27.3.

Về giảm cường độ phát thải khí nhà kính, VRG đặt mục tiêu giảm mức phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng ít nhất 2% so với định mức sử dụng năng lượng năm 2023.

Trong chiến lược xanh hóa chuỗi cung ứng, VRG tích cực làm việc với Hội đồng Quản lý Rừng (FSC), đơn vị tư vấn nhằm đẩy nhanh tiến trình thực hiện hướng đến lộ trình tái kết nối với FSC.

Về quản lý bền vững rừng cao su và nhà máy chế biến, ngành cao su tiếp tục theo dõi và hỗ trợ các đơn vị đang triển khai thực hiện phương án quản lý rừng bền vững.

Đến cuối năm 2024, dự kiến VRG có 40 - 45% diện tích cao su và rừng trồng sản xuất tại Việt Nam đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững (VFCS/PEFC-FM) và 75 - 80% nhà máy chế biến mủ cao su tại Việt Nam đạt chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm (PEFC-CoC).

VRG đánh giá trữ lượng carbon rừng cao su để thương mại hóa- Ảnh 1.

Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam đặt mục tiêu giảm mức phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng ít nhất 2% so với năm 2023

VRG

VRG khuyến khích các công ty thành viên tự triển khai thêm diện tích chưa thực hiện Chứng chỉ quản lý rừng bền vững ngoài kế hoạch được tập đoàn giao để hoàn chỉnh hệ thống quản lý. Đồng thời, xây dựng và triển khai các giải pháp quảng bá, tiếp thị sản phẩm là mủ và gỗ cao su có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Liên quan đến việc thực hiện Chứng nhận về doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam, VRG sẽ hỗ trợ các công ty thành viên chuẩn bị và hoàn thành hồ sơ đăng ký theo chương trình. Mục tiêu cuối năm 2024, phấn đấu duy trì 16 - 18 đơn vị đạt Top 100 doanh nghiệp bền vững Việt Nam năm 2024, trong đó có 1 đơn vị đạt Top 10 nhằm nâng cao uy tín của công ty thành viên và của tập đoàn.

Ngoài ra, VRG cũng sẽ nghiên cứu triển khai thực hiện chứng nhận đánh giá trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp theo EcoVadis cho công ty mẹ - Tập đoàn VRG để đáp ứng nhu cầu của khách hàng sản xuất lốp xe.

VRG đánh giá trữ lượng carbon rừng cao su để thương mại hóa- Ảnh 2.

Với diện tích rừng cao su lớn, VRG sẽ nghiên cứu, đánh giá trữ lượng carbon để thương mại hóa

VRG

Trong xu hướng chung về bán tín chỉ carbon, với lợi thế về diện tích rừng cao su lớn, VRG sẽ tập trung nghiên cứu, tìm hiểu thông tin và tham mưu, đề xuất hướng thực hiện về trữ lượng carbon cho rừng cây cao su nhằm đánh giá trữ lượng và hướng tới thương mại hóa tín chỉ carbon trong tương lai.

Tính đến cuối năm 2023, địa bàn hoạt động của VRG trải rộng tại 34 tỉnh, thành từ Tây Nam bộ, Đông Nam bộ, Tây nguyên, Duyên hải miền Trung, Bắc Trung bộ, khu vực miền núi phía Bắc và 2 nước bạn Lào, Campuchia. Tính riêng diện tích rừng cao su tại Việt Nam, VRG đang quản lý khoảng 300.000 ha.

Xanh hóa quy trình sản xuất

Trong kế hoạch năm 2024, VRG cũng đặt ra yêu cầu tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, sử dụng hiệu quả năng lượng, giảm xả thải và chuyển đổi sử dụng năng lượng xanh/năng lượng tái tạo.

Cụ thể, VRG sẽ áp dụng các giải pháp tiết kiệm nguyên nhiên liệu sử dụng trong sản xuất, giảm thiểu chất thải ra môi trường, triển khai các giải pháp chuyển đổi, sử dụng các nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo vào hoạt động sản xuất. Đồng thời, tận dụng, tái sử dụng chất thải nhằm thúc đẩy giảm phát thải CO2 và kinh tế tuần hoàn.

VRG đánh giá trữ lượng carbon rừng cao su để thương mại hóa- Ảnh 3.

VRG sẽ chuyển đổi, sử dụng các nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo vào hoạt động sản xuất

VRG

Một mục tiêu khác mà VRG đặt ra là xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm và nâng cao năng lực chống chịu thông qua các hoạt động tham vấn, kết nối cộng đồng, đảm bảo quyền lợi người lao động.

Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư an sinh xã hội cho người lao động và cộng đồng địa phương theo nhu cầu thực tế, đồng thuận của địa phương và phù hợp với nguồn lực, kế hoạch của đơn vị. Tạo điều kiện cải thiện sinh kế, đời sống và góp phần bảo đảm an ninh lương thực tại địa phương.

VRG sẽ hỗ trợ cao su tiểu điền nâng cao năng suất, chất lượng mủ cao su, thu mua với giá tốt và thanh toán kịp thời, có thể truy xuất nguồn gốc...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.