Học trò thương tiếc về GS-TS Nguyễn Huy Dung

Du Yên
Du Yên
14/05/2024 10:37 GMT+7

Đối với học trò của GS-TS Nguyễn Huy Dung, ấn tượng nhất của ông trong mắt mọi người là người thầy hiền hậu, đầy ắp lòng nhân ái.

Theo thông tin từ gia đình, Thầy thuốc nhân dân GS-TS Nguyễn Huy Dung đã từ trần lúc 16 giờ 30 ngày 10.5.2024. GS-TS Nguyễn Huy Dung là người đã luôn kề cận, chăm sóc bên Bác Hồ cho đến khi Bác trút hơi thở sau cùng.

GS-TS Nguyễn Huy Dung (đứng thứ 7 từ bên trái) cùng Ban giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy các thời kỳ tại lễ kỷ niệm 55 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam và Bệnh viện Chợ Rẫy đón nhận bệnh viện hạng đặc biệt vào ngày 11.3.2010

GS-TS Nguyễn Huy Dung (đứng thứ 7 từ bên trái) cùng Ban giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy các thời kỳ tại lễ kỷ niệm 55 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam và Bệnh viện Chợ Rẫy đón nhận bệnh viện hạng đặc biệt vào ngày 11.3.2010

BỆNH VIỆN CHỢ RẪY

Người thầy của nhiều thế hệ y bác sĩ

"Khi nghe tin GS-TS Nguyễn Huy Dung ra đi, tôi thực sự thấy thương tiếc và nhớ những hình ảnh, giọng nói trầm ấm của thầy lúc đứng trên giảng đường truyền dạy kiến thức cho chúng tôi. Đối với tôi, GS-TS Nguyễn Huy Dung không chỉ là người thầy mà còn là người thân trong gia đình", PGS-TS Nguyễn Hoài Nam chia sẻ.

PGS-TS Nguyễn Hoài Nam kể rằng học trò của GS-TS Nguyễn Huy Dung nhiều người là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II;… đã may mắn được học thầy Huy Dung dưới mái trường Đại học Y Dược TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy.

"Tôi cũng vậy, được học thầy ngay từ sinh viên năm thứ tư. Mái tóc của thầy bồng bềnh bay theo gió, giọng nói trầm ấm đầy sức sống và lửa nhiệt tình. Thầy truyền cho chúng tôi ngọn lửa tình người và những kiến thức y khoa vô cùng quý báu mà tôi và các bạn sinh viên mang theo suốt cuộc đời làm nghề thầy thuốc của mình, để chữa lành cho biết bao con người trước lưỡi hái của tử thần.

Thầy thuộc lớp bác sĩ đầu tiên được đưa đi đào tạo ở Liên Xô từ năm 1952 cùng với thầy kiêm bố vợ của tôi. Qua những lời kể của bố tôi, GS-TSKH Nguyễn Khánh Dư, thầy Nguyễn Huy Dung là em ruột của chị Nguyễn Thị Minh Khai, nữ chiến sĩ cách mạng yêu nước, kiên trung đã đi vào sử sách.

Thầy và thầy Khánh Dư chơi rất thân với nhau. Vì vậy tôi thường gọi thầy là bác, như người bác ruột trong gia đình. Ngoài gặp nhau ở bệnh viện hay giảng đường, tôi còn được gặp thầy ở Hội Nhà văn TP.HCM, vì thầy là hội viên nhà văn. Trong những lần sinh hoạt chung với nhau, "Lúc ly rượu, lúc chén chè; Lúc xem hoa nở, lúc chờ trăng lên", thơ của thầy thật hay, thật độc đáo. Nhất là khi do chính thầy đọc thì còn gì bằng.

Trong công việc hằng ngày, ngoài là thầy thuốc giỏi, tận tụy với công việc khám và điều trị cho người bệnh đang khắc khoải chờ mong thầy mang phép lạ kỳ diệu đến cho mình, thầy còn là nhà giáo tận tụy, trong sáng với học trò và những người bạn đồng môn.

Thầy Huy Dung là người luôn luôn động viên và chỉ bảo cho tôi từng chút một những kiến thức về y khoa và đã giúp tôi hoàn thành luận án tiến sĩ y học. Thầy đã cùng bố tôi hướng dẫn, đào tạo tôi và nhiều bác sĩ khác thành người hiền tài cho nền y học nước nhà. Công lao của thầy và thế hệ thầy, cô đi trước, chúng tôi những người hôm nay luôn khắc cốt ghi tâm dù thầy Huy Dung và một số thầy đã vĩnh viễn đi xa theo quy luật của đất trời...", PGS-TS Nguyễn Hoài Nam chia sẻ.

Xây dựng và phát triển chuyên ngành tim mạch

"Ngày xưa, GS-TS Nguyễn Huy Dung là người hướng dẫn luận văn tiến sĩ cho tôi tại Đại học Y Dược TP.HCM, năm 1991. Sau khi tốt nghiệp tôi về cộng tác cho thầy tại Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Học tập và làm việc với thầy một thời gian dài, tôi luôn nhớ mãi hình ảnh người thầy hiền hậu độ lượng và luôn tận tình với mọi người. Đối với tôi, GS-TS Nguyễn Huy Dung là một người rất hiền lành, tận tình với các thế hệ sinh viên, học trò. Tuy GS-TS Nguyễn Huy Dung ra đi, nhưng hình ảnh người thầy trên giảng đường với phong thái lúc nào cũng khiêm tốn, hiền hậu, tích cực sẽ mãi luôn khắc sâu vào trí nhớ của những thế hệ học trò của thầy", TS-BS Nguyễn Thế Thành - nguyên Trưởng khoa Nội tiết thận Bệnh viện Nhân dân Gia Định, kể lại.

Theo chia sẻ từ TS-BS CK2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, tính đến lúc nghỉ hưu, GS-TS Nguyễn Huy Dung đã gắn bó với ngành y hơn 50 năm. Từ trực tiếp điều trị bệnh nhân đến việc tham gia các chương trình nghiên cứu y sinh học vũ trụ. Đặc biệt, giáo sư từng được giao trọng trách lãnh đạo các bệnh viện trung ương, được tin tưởng giao nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho các cấp lãnh đạo.

Với hơn 40 năm gắn bó với công tác giảng dạy tại Đại học Y Hà Nội và Đại học Y Dược TP.HCM, GS-TS Nguyễn Huy Dung đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp đào tạo các thế hệ thầy thuốc chất lượng cao cho ngành y tế Việt Nam.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, giáo sư đã gắn bó hơn 10 năm với cương vị Phó giám đốc bệnh viện, Trưởng hệ nội và hoạt động điều trị chuyên ngành tim mạch. Vừa đảm nhiệm công tác lãnh đạo bệnh viện vừa tham gia công tác giảng dạy. Giáo sư Huy Dung đã xây dựng và phát triển chuyên ngành tim mạch vươn tầm quốc gia và khu vực. Trong Ban điều hành Phòng khám xuất cảnh (Bệnh viện Chợ Rẫy), với sự tin tưởng hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), giáo sư đã tổ chức xét nghiệm và thiết lập chương trình điều trị cho rất nhiều bệnh nhân, phục vụ các chương trình xuất cảnh định cư.

Cả đời mình, GS-TS Nguyễn Huy Dung đã cống hiến cho sự nghiệp y tế, tận tụy chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đào tạo nhiều thế hệ thầy thuốc tiếp bước vững vàng cho ngành y tế Việt Nam.

GS-TS, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Huy Dung, sinh ngày 22.11.1931, tại TP.Vinh (Nghệ An). Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình cách mạng, ông cũng là em ruột bà Nguyễn Thị Minh Khai và bà Nguyễn Thị Quang Thái.

Năm 1966, ông được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho Bác Hồ. Ông cũng là người chăm sóc sức khỏe cho Bác Hồ giai đoạn cuối cuộc đời. Sau này, với cương vị ủy viên Hội đồng Sức khỏe nhà nước, ông đã góp phần không nhỏ vào việc chăm sóc sức khỏe các lãnh đạo trung ương.

Không chỉ tham gia khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, GS-TS Nguyễn Huy Dung còn tích cực tham gia công tác giảng dạy cho sinh viên y khoa.

Bên cạnh đó, ông còn là một nhà thơ. Ông đã xuất bản 14 tập thơ. Về mảng sách khoa học, y khoa, ông đã xuất bản hơn 50 đầu sách.

Lễ viếng Thầy thuốc nhân dân, GS-TS Nguyễn Huy Dung diễn ra từ 16 giờ ngày 13.5 đến 8 giờ ngày 15.5, tại Nhà tang lễ quốc gia phía nam (5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM). Hỏa táng tại Hòa Lạc Viên - hoa viên Nghĩa trang Sala Garden (Tân Hiệp, Long Thành, Đồng Nai).


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.