Việt Nam phản đối Trung Quốc mở chi nhánh ngân hàng ở 'Tam Sa'

09/02/2017 20:42 GMT+7

Tại họp báo chiều nay (9.2), Người phát ngôn bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tái khẳng định Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trả lời câu hỏi đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về việc Ngân hàng Trung Quốc mở chi nhánh ở cái gọi là thành phố Tam Sa, ông Lê Hải Bình tái khẳng định Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

“Mọi việc làm của nước ngoài trong khu vực này mà không có sự cho phép của Việt Nam là không hợp pháp và không thay đổi thực tế rằng Việt Nam có đầy đủ chủ quyền với khu vực này”, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh.

Trước đó, Ngân hàng Trung Quốc (BOC) đã mở chi nhánh tại "thành phố Tam Sa", đơn vị hành chính được Trung Quốc thành lập hồi 7.2012 bao trùm cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Trả lời câu hỏi về việc, liệu Việt Nam có trông đợi triển vọng về một Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không có Mỹ như Australia và Nhật Bản đang hướng đến hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết,  Việt Nam đang cùng các quốc gia thành viên TPP thảo luận về đưa ra những hướng phát triển tiếp theo của TPP. “Đồng thời Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các cam kết của mình ở trong nước nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói.
Tại họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng cho biết từ 16 - 17.2, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao nhóm nước G20 tại Bonn, CHLB Đức với chủ đề “Định hình trật tự toàn cầu, chính sách đối ngoại vượt lên quản lý khủng hoảng”.
Theo ông Lê Hải Bình, hội nghị diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm, thương mại và đầu tư toàn cầu gặp nhiều khó khăn, tiến trình G20 đang bước vào giai đoạn định hình hướng phát triển sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Hội nghị sẽ tập trung thảo luận 3 nhóm vấn đề tương ứng với 3 phiên, đó là chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững, duy trì hòa bình trong một thế giới phức tạp và hợp tác với châu Phi.
Theo ông Lê Hải Bình, việc Việt Nam tham dự hội nghị thể hiện đường lối đối ngoại đa dạng hoá, đa phương hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế nhất quán của Việt Nam, đồng thời góp phần thực hiện vai trò của nhà của APEC 2017 về thúc đẩy hợp tác liên kết ở châu Á - Thái Bình Dương.
Cũng theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, ngay sau sự kiện trên, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ tham dự hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat) từ 19 - 21.2.2017 tại Boracay (Philippines). Dự kiến hội nghị này các bên sẽ trao đổi một số nội dung chính liên quan đến việc triển khai kết quả Cấp cao ASEAN 28 - 29 diễn ra năm 2016 vừa qua, với trọng tâm và ưu tiên của ASEAN trong và các vấn đề liên quan đến quan hệ đối ngoại của ASEAN, tình hình quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.