Việt Nam của tôi trên sân khấu

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
07/09/2022 07:11 GMT+7

My Vietnam (Việt Nam của tôi) là dự án sân khấu có chủ đề Việt Nam là gì với bạn . Những kịch bản này sau đó sẽ được chuyển thành phim.

Một đoạn trích phim Thử việc của tác giả Đỗ Văn Hoàng đã được chiếu trong buổi nói chuyện về dự án My Vietnam do Viện Goethe và tạp chí Zzz Review tổ chức đầu tháng 8. Trong phim, nhân vật trèo lên hái khế và hát bài Bến cảng quê hương tôi. “Có khái niệm VN trong tôi và còn cả khái niệm Hải Phòng trong tôi. Tôi rời thành phố từ sớm nhưng hình ảnh thành phố luôn ám ảnh. Cảnh trèo lên cây khế, bạn đóng là người Hải Phòng. Còn bài hát là bài cứ mỗi lần ra sân vận động Hải Phòng người ta lại hát rất nhiều. Tôi luôn suy nghĩ về Hải Phòng và nó luôn ở đó dù dịu dàng hay bạo lực, luôn nằm trong tác phẩm của mình”, Đỗ Văn Hoàng nói.

Trong phim của đạo diễn xa xứ Trần Anh Hùng luôn có phần của văn hóa VN

TL

My Vietnam là một dự án để chạm đến những điều như thế, chạm đến sâu thẳm “căn cước văn hóa” của con người. Theo đó, 5 tác giả trẻ VN và 4 tác giả Việt kiều được mời để viết vở kịch 5 phút về chủ đề: VN là gì với bạn. Những vở kịch 5 phút này sẽ được chuyển thể sang sân khấu phi truyền thống, các clip dự kiến sẽ được đăng tải trên trang của Viện Goethe vào tháng 10 tới. Tác giả Đỗ Văn Hoàng là một trong những người tham gia dự án này.

Bà Quyên Nguyễn (Zzz Review), thành viên ban tổ chức dự án My Vietnam, cho biết hiện có 5 vở kịch của tác giả Việt. Mộng tam sinh của Maik Cây kể về chuyện một ni cô già hồi cố những tiền kiếp với dòng suy tư về thân phận bất toại, khốn cùng, luyến ái và giác ngộ của người Việt nữ. Coca rau muống tỏi của Đỗ Văn Hoàng kể chuyện một người đàn ông trung niên ngẫm lại thời kỳ 1990, khi mình còn là cậu bé lần đầu tiên từ trại tị nạn ra với thế giới tự do ở Hồng Kông để mua rau. Nhà hàng VN của Lê Khải Việt kể chuyện cặp nam nữ trẻ làm nhà hàng để dành tiền mở nhà hàng. Trong khi chờ đủ tiền họ suy nghĩ về nhà hàng và những phức tạp đa văn hóa liên quan đến số phận gia đình, đất nước. Căn phòng của Vũ Ánh Dương thì kể về một cô gái trẻ quay lại căn nhà cũ, nơi mình đã sinh ra, lớn lên ở Sài Gòn và gặp người chủ cũ, giờ đây sau nhiều thăng trầm lại trở thành chủ mới của căn nhà. Thế mà cũng là nhà thơ của ChuKim kể về cuộc chuyện trò giữa nhà thơ trẻ cách tân và hai nhà thơ nghiệp dư truyền thống thuộc câu lạc bộ thơ tổ hưu. Họ mâu thuẫn trong quan điểm thế nào là một nhà thơ VN và tình yêu quê hương bản quán có nhất thiết phải có khi viết thơ.

Ông Wilfried Eckstein, Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội, cho biết VN và người Việt đã sống khá lâu ở thế giới toàn cầu hóa này. Trong suốt thời chiến và không lâu trước đây, có những người Việt đã sống và làm việc tại nước ngoài (như ở Đức và Czech) để gửi tiền về quê nhà… Họ rời đi, nhưng không ai có thể chối bỏ quê nhà hay nguồn gốc văn hóa của mình, những người Việt mang văn hóa theo cùng họ. Bất kể là đi đâu, họ mang theo giá trị văn hóa VN, lối sống đặc trưng của người Việt, họ bảo tồn nó và truyền lại cho những thế hệ sau. “Đây chính là chủ đề mà dự án My Vietnam quan tâm tới, để đem đối chiếu và đối thoại về “bản sắc VN” của những người Việt ở hải ngoại và những người trẻ lớn lên trên đất Việt”, ông chia sẻ.

“Chúng tôi hy vọng rằng, cùng với sự hợp tác của tạp chí online Zzz Review, dự án Việt Nam của tôi sẽ tạo nên một không gian đối thoại văn hóa đa sắc màu về bản sắc VN của người Việt, dù là ở nơi nào trên thế giới”, ông Wilfried Eckstein nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.