Vì sao vũ khí phản công của đội tuyển nữ Việt Nam bị vô hiệu hóa?

11/07/2023 10:40 GMT+7

Trái ngược với cuộc so tài với Đức, vũ khí phản công của đội tuyển nữ Việt Nam không còn vận hành hiệu quả ở trận gặp đội tuyển nữ New Zealand ngày 10.7.

Vũ khí bị vô hiệu hóa

Đội tuyển nữ Việt Nam đã có thất bại thứ hai liên tiếp trước các đội tuyển quốc gia dự World Cup 2023, nhưng hai trận đấu gặp Đức (24.6) và gặp New Zealand (10.7) của thầy trò HLV Mai Đức Chung vẫn có những khác biệt căn bản.

Ở trận gặp Đức, đội tuyển nữ Việt Nam phản công hiệu quả với 7 tình huống dứt điểm, 1 trong số đó thành bàn nhờ cú sút hiểm hóc của Thanh Nhã. Còn ở cuộc so tài với New Zealand trên sân McLean Park, vũ khí phản công của Huỳnh Như cùng đồng đội đã bị vô hiệu hóa.

Đội tuyển nữ Việt Nam chỉ có 1 pha hãm thành đáng chú ý với pha độc diễn ở cánh trái nhưng dứt điểm vội vàng của Thanh Nhã. Phần lớn thời gian của trận đấu, những pha lên bóng của đội bóng áo đỏ bị đối thủ bẻ gãy dễ dàng.

Thua New Zealand, đội tuyển nữ Việt Nam thụt lùi hay tiến bộ sau trận gặp Đức?

Vì sao vũ khí phản công của đội tuyển nữ Việt Nam bị vô hiệu hóa? - Ảnh 1.

Huỳnh Như bị đối thủ kèm chặt

VFF

Khác biệt trước tiên là đội tuyển nữ Việt Nam đã vận hành một sơ đồ mới ở cuộc so tài với New Zealand. Trong trận đấu với Đức, đội bóng của HLV Mai Đức Chung chơi với sơ đồ 5-4-1, với Hải Yến đá trung phong cắm, bộ đôi Thái Thị Thảo và Dương Thị Vân càn quét ở giữa, còn hai biên là Thanh Nhã và Thúy Hằng. Với 2 tiền vệ trung tâm, đội tuyển nữ Việt Nam chủ trương thu hồi bóng ở tuyến giữa, rồi đẩy sang hai biên cho Thanh Nhã và Thúy Hằng đua tốc.

Mảng miếng phản công dựa vào những pha luân chuyển nhanh từ trung lộ sang hai biên của thầy trò ông Chung đã khiến đối thủ bất ngờ, minh chứng là rất nhiều tình huống Thanh Nhã, Hải Yến khai thác được khoảng trống giữa các tuyến của Đức.

Còn ở trận gặp New Zealand, HLV Mai Đức Chung bố trí sơ đồ 5-3-1-1, với bộ ba Dương Thị Vân, Thanh Nhã và Bích Thùy ở giữa, còn Huỳnh Như đá hộ công phía sau trung phong Hải Yến. Trên lý thuyết, đây là sơ đồ mang tới quân số đông đảo hơn ở tuyến giữa (3 tiền vệ) so với công thức cũ. Tuy nhiên, Thanh Nhã và Bích Thùy là những tiền vệ bám biên, không phải tiền vệ trung tâm điển hình. Xu hướng dạt biên để bứt tốc của cả Thanh Nhã và Bích Thùy đã khiến tuyến giữa của đội tuyển nữ Việt Nam nhiều thời điểm chỉ còn Dương Thị Vân cáng đáng.

Top 5 ứng cử viên vô địch World Cup nữ 2023

Vì sao vũ khí phản công của đội tuyển nữ Việt Nam bị vô hiệu hóa? - Ảnh 2.

Thanh Nhã đơn độc trên mặt trận phản công

VFF

Với nhân lực rất mỏng ở giữa sân, đội tuyển nữ Việt Nam thiếu hẳn sợi dây liên lạc giữa tấn công và phòng ngự, không còn những miếng phản công xẻ từ trung lộ sang cánh. Bị New Zealand áp đảo ở tuyến giữa, các học trò của HLV Mai Đức Chung phải chuyền dài, chuyền vượt tuyến rất nhiều. Đây lại là sở đoản của đội nữ bởi Hải Yến, Huỳnh Như, Thanh Nhã đều lép vế về thể hình, không thể vượt qua sự truy cản của đối thủ.

Chờ thay đổi của HLV Mai Đức Chung

Do bị bắt bài ở các tình huống phản công trước New Zealand khiến đội tuyển nữ Việt Nam không phản kháng được áp lực của đối thủ. Ở World Cup, đối thủ của Huỳnh Như cùng đồng đội mạnh hơn nhiều so với chủ nhà. Để đứng vững, đội tuyển nữ Việt Nam không chỉ phòng ngự, mà cần những pha phản đòn chất lượng, khiến đối thủ không thể tràn toàn bộ đội hình lên gây áp lực.

Trước tiên, ban huấn luyện đội nữ cần củng cố tuyến giữa. HLV Mai Đức Chung đang có những tiền vệ càn quét và phân phối bóng tốt như Dương Thị Vân, Thái Thị Thảo, Thùy Trang. Ngay cả cầu thủ trẻ Hải Linh vốn được xếp đá trung vệ, thực ra cũng là một tiền vệ "số 10" năng động trong màu áo CLB nữ Hà Nội I. Ở trận gặp đội tuyển nữ New Zealand, Dương Thị Vân chơi tốt khi thắng 11 trong số 14 pha tranh chấp, nhưng không thể đặt mọi trọng trách tuyến giữa lên vai tiền vệ 29 tuổi.

Vì sao vũ khí phản công của đội tuyển nữ Việt Nam bị vô hiệu hóa? - Ảnh 3.

Thái Thị Thảo là lựa chọn tin cậy ở tuyến giữa

VFF

HLV Mai Đức Chung cần thêm những tiền vệ trung tâm chất lượng giữ nhịp lối chơi, tăng thời lượng kiểm soát bóng, từ đó mới có thể tung đòn phản công chất lượng như đã thể hiện trước đội tuyển nữ Đức.

Ngoài ra, hàng tiền đạo đội tuyển nữ Việt Nam cần thêm tốc độ. Ở trận gặp New Zealand, Thanh Nhã là cầu thủ hiếm hoi có thể mở tốc để đua sòng phẳng với đối thủ, trong khi Huỳnh Như, Hải Yến là mẫu tiền đạo quay lưng, khó bắt kịp những pha phản công liên tục trong cả trận.

Đội tuyển nữ Việt Nam vẫn còn những chân chạy tốt như Vũ Thị Hoa, Thúy Hằng, Vạn Sự,... sẵn sàng hỗ trợ cho Thanh Nhã trong việc gây áp lực lên cầu môn đối thủ.

Cùng chờ ban huấn luyện sẽ mài sắc lại vũ khí phản công, để đội tuyển nữ Việt Nam có thể bước tới World Cup 2023 với sự tự tin cao độ.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.