Vì sao Trung Quốc ồ ạt xây thêm đường sắt bất chấp lợi nhuận giảm?

Khánh An
Khánh An
Khánh An
05/05/2023 19:37 GMT+7

Tập đoàn Đường sắt nhà nước Trung Quốc (China Railway) tiếp tục mở rộng mạng lưới đường sắt cao tốc, nhưng dường như vì hỗ trợ nền kinh tế hơn là lợi nhuận.

Vì sao Trung Quốc ồ ạt xây thêm đường sắt bất chấp lợi nhuận giảm? - Ảnh 1.

Trung Quốc sở hữu hệ thống đường sắt dài nhất thế giới và sẽ còn xây thêm

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH NIKKEI ASIA

Tập đoàn Đường sắt nhà nước Trung Quốc (China Railway) vừa công bố kế hoạch mở rộng mạng lưới đường sắt thêm khoảng 6% trong năm nay, dù nhiều tuyến bị lỗ và nhu cầu giảm do đại dịch Covid-19, theo Nikkei Asia.

Mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc trải dài khoảng 42.000 km tính đến cuối năm ngoái, nhiều hơn khoảng 13 lần tuyến đường sắt shinkansen nổi tiếng của Nhật Bản có tổng chiều dài khoảng 3.300 km.

Tăng lên 70.000 km đường sắt

Mới đây, China Railway công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023, với mục tiêu xây thêm 2.500 km đường sắt, nối dài hơn nữa mạng lưới vốn đã dài nhất thế giới.

Trong giai đoạn 2015-2019, mạng lưới đường sắt tăng thêm hằng năm khoảng 13-21%. Sau năm 2020, tốc độ tăng trưởng vào khoảng 5-9%, trong đó có 2.082 km được xây thêm trong năm ngoái.

China Railway dự định tăng tổng chiều dài đường sắt ở Trung Quốc lên 50.000 km vào năm 2025 và 70.000 km vào năm 2035.

"Chúng ta cần theo đuổi việc xây dựng đường sắt chất lượng cao, hiệu quả và đảm bảo đầu tư vào xây dựng đường sắt cung cấp sức mạnh đủ để ổn định nền kinh tế", theo chủ tịch China Railway Lưu Chấn Phương phát biểu tại một cuộc họp ban lãnh đạo vào tháng 10.2022.

Chính phủ Trung Quốc muốn hỗ trợ nền kinh tế thông qua các biện pháp nhằm tạo việc làm và hỗ trợ những ngành công nghiệp liên quan thông qua việc xây đường sắt.

Ông Lưu nhậm chức vào tháng 7.2022 và là cựu cục trưởng Cục Đường sắt quốc gia Trung Quốc. Nhiều lãnh đạo khác của tập đoàn cũng xuất thân từ cơ quan này và tập đoàn luôn tuân thủ định hướng của chính phủ.

"Về mảng hành khách, chúng tôi sẽ điều chỉnh kế hoạch hoạt động kịp thời và kiểm soát chi phí nghiêm ngặt", China Railway cho biết tại cuộc họp hồi tháng 10.2022.

Tăng trưởng kinh tế

Tuy nhiên, trên thực tế, chi phí xây dựng dường như ít được cân nhắc, và các vấn đề như nợ và lợi nhuận không phải là chủ đạo.

Theo các báo cáo tài chính, tổng nợ của tập đoàn đã lên mức 6.040 tỉ nhân dân tệ (20.966.000 tỉ đồng) tính đến cuối tháng 9.2022, tương đương khoảng 5% GDP Trung Quốc.

Trong khi đó, ít có nguồn dự trữ để thanh toán. Đại dịch Covid-19 dẫn đến việc sụt giảm nhu cầu đi lại. Trong 9 tháng đầu năm ngoái, lỗ ròng đạt mức 94,7 tỉ nhân dân tệ, so với 69,8 tỉ nhân dân tệ trong cùng kỳ năm trước đó. Doanh thu giảm 1% xuống 782,2 tỉ nhân dân tệ.

Giáo sư Triệu Kiện tại Đại học Giao thông Bắc Kinh ước tính chi phí xây 1 km đường sắt cao tốc là từ 120-130 triệu nhân dân tệ, nên kế hoạch xây thêm sẽ cần chi phí rất lớn. Ông cho rằng chính phủ Trung Quốc muốn ưu tiên tăng trưởng kinh tế.

Về lượng hành khách, ngành đường sắt Trung Quốc đặt mục tiêu 2,69 tỉ lượt trong năm nay, tăng 67% so với năm 2022 nhưng vẫn giảm 25% so với năm 2019 trước đại dịch.

Trung Quốc quyết định chấm dứt chính sách zero Covid-19 vào tháng 12.2022, nhưng nhu cầu đi lại vẫn thấp. Trong 2 tuần trước tết Nguyên đán, có 109,54 triệu lượt khách đường sắt, tăng so với con số 86,16 triệu lượt vào cùng kỳ năm ngoái, nhưng thấp hơn mức 143 triệu vào cùng kỳ năm 2019.

Khía cạnh lợi nhuận

Hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa đã trở thành trọng tâm trong nỗ lực cải thiện hiệu quả của tập đoàn. Tuyến đường sắt Trung Quốc - châu Âu, một phần quan trọng trong sáng kiến Vành đai và Con đường, có kế hoạch khai thác thêm 9% số chuyến tàu vào năm 2022 so với năm 2021.

Trên toàn tập đoàn, mảng kinh doanh vận tải hàng hóa đã đem lại doanh thu 435,9 tỉ nhân dân tệ trong năm 2021, cao hơn mức 302,1 tỉ nhân dân tệ từ kinh doanh hành khách.

Trong năm 2020 và 2021, China Railway đã đưa lên sàn chứng khoán một loạt công ty trực thuộc, bao gồm công ty điều hành tuyến Bắc Kinh-Thượng Hải, một nhà sản xuất các bộ phận liên quan đường sắt và một công ty vận tải hàng hóa.

Những động thái trên cho phép tập đoàn cải cách doanh nghiệp nhà nước để thu hút vốn của khu vực tư nhân. Vào tháng 10, Tập đoàn Công nghệ Cáp Nhĩ Tân, nhà sản xuất các bộ phận liên quan đường sắt, đã được niêm yết trên sàn STAR Market ở Thượng Hải, nơi phục vụ cho các công ty khởi nghiệp công nghệ cao.

Tuy nhiên, một số chuyên gia nghi ngờ về tính hiệu quả của việc mở rộng. Theo Giáo sư Triệu Kiện tại Đại học Giao thông Bắc Kinh, việc bỏ số vốn tư nhân nhỏ vào một tập đoàn nhà nước khổng lồ như China Railway là việc làm không có ý nghĩa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.