Vì sao tăng trưởng tín dụng thấp?

Thanh Xuân
Thanh Xuân
05/07/2023 06:24 GMT+7

Bất chấp nhiều giải pháp, 6 tháng đầu năm tín dụng vẫn tăng trưởng thấp. Vốn không chảy ra được nền kinh tế, doanh nghiệp không có tiền... có thể ảnh hưởng đến nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng cuối năm.

Tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong vòng 13 năm

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM mới đây công bố dư nợ tín dụng của các NH trên địa bàn thành phố trong 6 tháng đầu năm đạt trên 3,3 triệu tỉ đồng, tăng 3,5% so với cuối 2022 và tăng 7,1% so với cùng kỳ. So với mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2022 là 9,3% thì mức tăng trưởng tín dụng hiện nay chỉ bằng khoảng 1/3. Con số này càng nguy hiểm hơn khi các NH tại TP.HCM chiếm khoảng 30% dư nợ tín dụng cho vay trên cả nước. Đồng nghĩa với vốn ở đầu tàu kinh tế vẫn chưa "thông", chưa tới được tay doanh nghiệp (DN), người dân và hệ thống sản xuất. Điều này tất nhiên sẽ ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng chung của cả nước.

Vì sao tăng trưởng tín dụng thấp ? - Ảnh 1.

Lãi suất cho vay cao góp phần làm giảm tăng trưởng dư nợ tín dụng

Nhật Thịnh

Ngày 4.7, NHNN thông tin tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 27.6 là 4,03% so với cuối năm 2022 và tăng 9,08% so với cùng kỳ. Về cơ cấu tín dụng, tín dụng vào kinh doanh bất động sản trong 5 tháng đầu năm tăng 14%. Đáng chú ý là tín dụng cho tiêu dùng bất động sản trong 5 tháng lại giảm 1,32%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng tới 15%. Điều này cho thấy, nhà đầu tư bất động sản là cá nhân và người mua nhà để tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng đầu tư nên tín dụng còn đang thấp. Do đó, việc tháo gỡ các khó khăn pháp lý, điều chỉnh giá nhà, giá bất động sản cũng là một trong những giải pháp để có thể thúc đẩy cầu tiêu dùng và đầu tư trong lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng VN, thừa nhận tăng trưởng tín dụng hiện nay thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đó là DN không có đơn hàng, kể cả trong nước và xuất khẩu. Thị trường bất động sản thì không ai mua, một số khách hàng có nhu cầu vay nhưng lại không đáp ứng đủ điều kiện vay của các nhà băng... Ở chiều ngược lại, khi nền kinh tế trở nên khó khăn thì các NH cũng sẽ thận trọng hơn trong việc triển khai cho vay mới. Các DN của các ngành, lĩnh vực từ thủy sản, xây dựng, nhà thầu, DN vừa và nhỏ đều than khó khăn, không có dòng tiền nên NH cũng không thể cho vay.

"Tăng trưởng tín dụng không thể nào tăng khi kinh tế khó khăn như hiện nay. Lãi suất vay có cao trong những tháng đầu năm nhưng nhiều NH hiện đã giảm đối với những khoản vay mới. Tuy nhiên, DN không có đơn hàng thì vay tiền làm gì, không lẽ NH cho vay đảo nợ?", ông Hùng phân tích.

Cũng đồng quan điểm này, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho rằng tình hình kinh tế thế giới và trong nước khó khăn đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Đơn hàng của nhiều DN suy giảm, nhiều DN gặp khó khăn, thu hẹp sản xuất khiến nhu cầu vay vốn không cao, làm giảm khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế. Về tình hình cụ thể của TP.HCM, một số chỉ số kinh tế vẫn đang giảm so với cùng kỳ, từ đó tác động ảnh hưởng đến cầu tín dụng trên địa bàn. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM 6 tháng ước đạt 19,42 tỉ USD, giảm 22,4% so cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25,55 tỉ USD, giảm 24,2% so cùng kỳ. Chưa kể thị trường bất động sản hiện vẫn đang khó khăn, trong đó khoảng 70% là khó khăn về pháp lý, nên giải pháp đề ra là cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc này thì tín dụng cho bất động sản mới đỡ hơn trong thời gian tới.

"Bởi vậy trong 6 tháng đầu năm, UBND TP.HCM cũng đã tích cực chỉ đạo, chia nhóm các khó khăn của DN bất động sản để tập trung tháo gỡ theo từng nhóm vướng mắc, nhằm đạt được hiệu quả hỗ trợ tốt nhất", ông Lệnh kỳ vọng.

Giải pháp đẩy vốn mồi

Ở chiều ngược lại, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, các NH cũng đang rất thận trọng trong việc triển khai cho vay hiện nay. Bởi số tiền mà các NH cho vay hiện nay cũng gần xấp xỉ con số huy động vào từ dân. Các kênh huy động vốn hiện nay như trái phiếu, cổ phiếu... đang gặp khó khăn nên DN phụ thuộc nhiều hơn vào vốn tín dụng. Thế nhưng, các NH huy động nguồn tiền gửi trong dân nên nếu mất thanh khoản thì sẽ kéo hàng triệu khách hàng đang gửi tiền vào hệ thống rủi ro theo. Do đó, các NH không thể hạ chuẩn cho vay để đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng được.

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới, cần đẩy mạnh vốn đầu tư công làm vốn mồi. DN có tiền thì không những tiếp cận được vốn NH mà cán bộ công nhân viên cũng sẽ tăng nhu cầu vay. Ngoài ra, một số yếu tố khiến tăng trưởng tín dụng giảm như đơn hàng xuất khẩu, tín dụng bất động sản... cần được tháo gỡ. Cụ thể, cần đẩy mạnh các giải pháp để hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu. Đồng thời cũng cần hỗ trợ các DN bất động sản vay được thì mới có thể tiếp tục triển khai các dự án, mau chóng phục hồi.

TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính)

"Trước tình trạng giá bất động sản sụt giảm, các NH định giá lại các khoản vay cũ hay những khoản vay mới định giá thấp hơn trước đây là điều đương nhiên. Chẳng hạn, giá đất trước đây 100 triệu đồng/m2, nay xuống còn 50 - 70 triệu đồng/m2 thì làm sao NH không thẩm định lại giá? Trường hợp tài sản có giá trị thấp hơn khoản vay và NH yêu cầu bổ sung để đảm bảo thu hồi vốn cũng tương tự. Nếu không làm việc này, sau này nợ chuyển sang nhóm nợ xấu thì NH lấy gì xử lý. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến dư nợ tín dụng giảm", ông Hùng nói và đề xuất, ngoài chính sách tiền tệ, cần có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để tạo cú hích cho nền kinh tế hiện nay. Đó là miễn, giảm thuế mạnh để những DN nào còn hoạt động thì còn nguồn vốn mồi.

Nhưng đó chỉ là một phần của bức tranh tín dụng tăng trưởng thấp hiện nay. Thực tế, rất nhiều DN phản ánh họ không vay được vốn NH dù đang rất cần để đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh. Nút thắt tín dụng đã tồn tại từ cuối năm 2022 tới nay chưa được cởi. Các NH đang viện mọi lý do để từ chối cho vay. Bên cạnh đó, một nguyên nhân quan trọng là lãi vay vẫn còn rất cao. Với sức khỏe hiện tại, đa phần DN không kham nổi gánh nặng lãi suất hiện nay nên "khỏi vay cho lành".

TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), cho rằng tăng trưởng tín dụng thấp làm cho cung tiền chậm lại. Tăng trưởng cung tiền cũng thấp. Tổng phương tiện thanh toán tính đến ngày 20.6 mới chỉ tăng 2,53% so với cuối năm 2022, thấp hơn cả thời kỳ đại dịch Covid-19. Nguyên nhân khiến cung tiền tăng chậm, một phần do tổng cầu yếu khiến nhu cầu tín dụng thấp. Mặt khác, do các NH thương mại hạn chế cho vay khi lo ngại nợ xấu gia tăng. Những nguyên nhân này khiến tốc độ quay vòng tiền tệ bị suy giảm mạnh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến lạm phát tăng chậm. Lạm phát tháng 6 so với cùng kỳ đã giảm về mức chỉ còn 2%.

Ngoài ra, lạm phát giảm mạnh là do lãi suất thực ở mức quá cao. Theo công bố của NHNN, lãi suất cho vay bình quân đến giữa tháng 6 là 8,9%. Với lạm phát so với cùng kỳ hiện nay đang ở mức 2%, mức lãi suất cho vay thực là 6,9%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP cũng như mức lãi suất thực trung bình của giai đoạn 2013 - 2021 là 5,9% và 4,6%. Đây là mức lãi suất cao làm giảm tổng cầu, đồng thời làm tăng nợ xấu. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.