Vì sao 'siêu khuyến mại' chưa hấp dẫn?

01/07/2023 07:22 GMT+7

Chương trình khuyến mại "Mùa mua sắm - Shopping Season" 2023 tại TP.HCM đang diễn ra với mức giảm giá có thể lên đến 100%, kéo dài tới 3 tháng nên nhiều người gọi đùa là "siêu khuyến mại". Thế nhưng với nhiều người, chương trình vẫn chưa thực sự hấp dẫn.

Cơ hội xả hàng tồn kho?

Cuối tuần qua, chị Ngọc An (Q.1, TP.HCM) cùng con gái với tâm trạng háo hức muốn đi "săn" hàng sale (giảm giá) sau khi thấy thông tin thành phố đang diễn ra chương trình mua sắm khuyến mại tập trung. Tại trung tâm thương mại Vincom, rất nhiều thương hiệu nước ngoài cũng đang treo bảng sale lên đến 50%. Có thể kể đến như Stradivarius, Cotton On, GAP, Nike, Adidas, Mothercare…

 Thế nhưng, dạo một vòng qua các thương hiệu, 2 mẹ con lại ra về tay không bởi theo chị, nhiều cửa hàng khuyến mại lên đến 50% nhưng chỉ áp dụng cho rất ít sản phẩm, còn lại đa số chỉ giảm 10 - 20%. Hay 2 thương hiệu mà chị là khách hàng thường xuyên là Weekend Max Mara và MAX&Co thường rất ít đồ nhưng đợt này hàng bỗng dưng nhiều gấp 4 - 5 lần, mức giảm cũng khá mạnh, từ 30 - 70% nhưng chị cũng không chọn được cái nào. 

"Chắc là hàng tồn kho, hàng lỗi mốt, hàng qua mùa vì khá nhiều đồ mùa thu đông. Thậm chí có sản phẩm tôi nghi bị lỗi vì khi thử thì thấy đường may bị lệch nên cuối cùng không săn được cái nào. Cứ tưởng sale trên các sản phẩm hằng ngày họ vẫn bán, nhưng không có đâu. Cái đầm tôi mua cách đây hơn tháng 12 triệu cũng được treo ở khu vực không giảm giá. Như vậy thì còn gì hấp dẫn nữa…", chị Ngọc An nhận xét.

Vì sao 'siêu khuyến mại' chưa hấp dẫn ? - Ảnh 1.

Nhiều người tiêu dùng cho biết chương trình "siêu khuyến mại" chưa thật sự hấp dẫn

ĐỘC LẬP

Tương tự, gia đình chị Ánh Hồng (Q.11, TP.HCM) dù đã đi đến 2 trung tâm thương mại lớn ở Q.1 trong tuần qua nhưng cũng chưa mua được gì với giá sale. Theo chị, chỉ có đi siêu thị mua hàng tiêu dùng thiết yếu chung cho cả nhà thì có một số đồ gia dụng được giảm khoảng 10 - 15%. Còn quần áo thời trang thì mùa khuyến mại năm nay cũng thấy giống như năm trước, vẫn chưa có quá nhiều điều đặc biệt để mở hầu bao. 

"Những cửa hàng tôi đã từng mua thì cũng mới có đợt giảm giá mạnh dịp lễ 30.4 - 1.5 nên nay cũng xoay quanh mức giảm 50% và chủ yếu là các mẫu cũ trước đó. Chương trình khuyến mại năm nay nghe kéo dài đến tận tháng 9 nên không có gì vội vàng. Thỉnh thoảng có thời gian đi lòng vòng xem nếu có gì thật sự hấp dẫn thì mới mua, không thì thôi. Thật sự mức giảm đến 50% giờ cũng không có gì đặc biệt. Rất hiếm có nơi giảm thật sự đến 70 - 75% hoặc chỉ có 1 - 2 mẫu đã hết size thì cũng không chọn được. Chỉ có hàng thiết yếu thì sử dụng nhiều cho gia đình, nếu giảm giá thì tranh thủ mua thôi", chị Ánh Hồng chia sẻ thêm.

"Mùa mua sắm - Shopping Season" 2023 của TP.HCM đã chính thức diễn ra trong 2 tuần qua và sẽ còn kéo dài đến tận giữa tháng 9. Việc kéo dài thời gian lên đến 3 tháng là một điểm mới nhất của năm nay thay vì chỉ diễn ra trong 1 tháng như 2 năm trước đó. Theo Sở Công thương TP.HCM, đã có 3.000 doanh nghiệp (DN) tham gia với trên 7.000 chương trình khuyến mại. Đây là năm thứ 3 liên tiếp TP.HCM tổ chức chương trình khuyến mại tập trung. 

Trong đó, DN có thể giảm giá lên đến 100%, cao hơn chương trình mà DN tự làm riêng. Không chỉ các siêu thị, cửa hàng mà tiểu thương ở chợ lẻ cũng tích cực tham gia kích cầu. Điển hình, ngày 20.6, 145 tiểu thương chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10) đã đồng loạt tham gia giảm giá 5 - 10%, thậm chí 50%, nhiều mặt hàng rau củ quả, quần áo, giày dép, thực phẩm…

Vì sao 'siêu khuyến mại' chưa hấp dẫn ? - Ảnh 2.

Nhiều cửa hàng khuyến mại nhưng vẫn chưa thu hút khách hàng

ĐỘC LẬP

Khuyến mại cho có thì không hiệu quả

Trong khi nhiều người tiêu dùng vẫn chưa thấy mùa khuyến mại có gì thu hút thì ngay một số DN cũng còn thờ ơ, thậm chí không biết mùa sale đang diễn ra. Ông Lê Viết Thanh, Giám đốc chuỗi cửa hàng thời trang K&K Fashion, cũng không biết về chương trình khuyến mại tập trung cho đến khi... đọc báo. Đánh giá chung của ông là cũng chưa thấy có gì khác biệt với mùa trước, ngoài kéo dài thời gian khuyến mại. 

Theo ông, việc quảng bá truyền thông của chương trình khuyến mại tập trung của thành phố thật sự chưa có gì thay đổi, vẫn diễn ra theo kiểu quá truyền thống nên chưa phổ biến rộng hơn, nhất là với giới trẻ như thế hệ gen Z vốn chỉ tương tác qua kênh mạng xã hội, nhóm bạn... Việc này khiến cho nhiều DN không mặn mà tham gia bởi họ nghĩ không mấy hiệu quả.

Ông Thanh cũng thừa nhận nhiều thương hiệu thực hiện giảm giá với số lượng sản phẩm không nhiều, không đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Từ đó khiến khách hàng hụt hẫng, không hào hứng và thậm chí không quan tâm đến các chương trình sale nữa.

"Mùa mua sắm - Shopping Season" 2023 của TP.HCM sẽ diễn ra từ ngày 15.6 - 15.9. Các DN tham gia có mức khuyến mại tối đa 100%. Trong đó, từ ngày 15.7 - 15.8, thành phố sẽ tổ chức các tour, tuyến du lịch kết hợp mua sắm trên địa bàn, các đơn vị tham gia cùng chia sẻ chi phí và lợi ích, tạo ra nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Từ 15.8 - 15.9, có chương trình khuyến mại hàng hiệu với sự tham gia của các thương hiệu lớn, uy tín trên thế giới…

Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ VN, cho rằng khuyến mại vẫn là việc cần làm để kích cầu tiêu dùng, nhất là trong giai đoạn khó khăn và sức tiêu thụ sụt giảm như hiện nay. Nhưng khi kéo dài lên đến 3 tháng thì bên cạnh khuyến mại, những tháng sau cần có các chương trình kết hợp với ngành nghề văn hóa khác. Chẳng hạn như bán lẻ với du lịch, bán lẻ để tạo nên sự cộng hưởng, tạo nên giá trị cao hơn cho người tiêu dùng. 

Bên cạnh đó, việc kích cầu cần mang chiều sâu hơn, bài bản hơn theo từng đợt mua sắm khác nhau không phải là phong trào kêu gọi khuyến mại kéo dài trong 3 tháng vì như vậy sẽ không thể tạo sự chú ý cho người tiêu dùng tại TP.HCM và các tỉnh lân cận. Chương trình đã bước đầu lan tỏa đến các nhà phân phối, bán lẻ nhưng hiện nay các đơn vị chỉ mới dồn sức cho giai đoạn đầu mà dường như chưa nghĩ đến thời gian sau nên cần có thêm sự định hướng kích cầu từ phía cơ quan quản lý nhà nước để có thêm hiệu quả.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú thì nhấn mạnh rằng khuyến mại là phải làm thật sự. Đó là giảm giá cho nhiều sản phẩm, chủng loại hàng hóa khác nhau, không chỉ giảm giá lèo tèo để kéo khách vào cửa hàng xong rồi thôi. Vì muốn hiệu quả thật sự phải để khách hàng móc hầu bao mua sắm. Đó mới là mục tiêu cuối cùng cho bất kỳ công ty, DN nào khi tham gia chương trình. Khuyến mại kiểu cho có thì khách hàng "không sướng" và họ sẽ không còn niềm tin vào thương hiệu đó nữa. Đây chính là cái mất nhiều hơn khi DN khuyến mại không thực chất.

"Việc kéo dài thời gian khuyến mại cũng là một ý hay nhưng quan trọng nhất vẫn là chất lượng, giá cả sản phẩm phù hợp với mong muốn của người tiêu dùng. Nếu chỉ thực hiện theo kiểu phong trào là không ổn. Cơ quan quản lý cần có sự kiểm tra, đánh giá thường xuyên để chấn chỉnh hoặc có các chương trình thay đổi, bổ sung. Đồng thời lắng nghe ý kiến phản hồi từ cả khách hàng, DN để khuyến mại thật sự góp phần kích cầu cho thương mại, bán lẻ của thành phố", ông Vũ Vinh Phú nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.