Vì sao người mắc tiểu đường cần chú ý với huyết áp thấp?

Ngọc Quý
Ngọc Quý
25/06/2023 00:08 GMT+7

Nếu lượng đường trong máu không được kiểm soát đúng cách thì sẽ làm tăng nguy cơ bị huyết áp cao, tăng nồng độ cholesterol trong máu và nhiều vấn đề tim mạch khác. Dù tiểu đường thường đi đôi với huyết áp cao nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh cũng có thể gây ra huyết áp thấp

Huyết áp bình thường sẽ dao động trong khoảng 120/80 mmHg. Nếu huyết áp giảm xuống dưới mức 90/60 mmHg được gọi là huyết áp thấp. Huyết áp thấp cũng có thể gây hại cho sức khỏe không kém gì huyết áp cao, theo chuyên trang sức khỏe Verywell Health (Mỹ).

Vì sao người mắc tiểu đường cần chú ý với huyết áp thấp ? - Ảnh 1.

Bệnh tiểu đường có thể khiến các triệu chứng huyết áp thấp thêm nghiêm trọng

SHUTTERSTOCK

Các triệu chứng thường gặp của huyết áp thấp là nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, tay chân bủn rủn, da tái nhợt, buồn nôn, thậm chí khiến cơ thể bị sốc và tử vong. Những triệu chứng này sẽ còn đáng lo ngại hơn nếu người bệnh cũng mắc tiểu đường loại 2.

Do đó, bệnh nhân tiểu đường cần hết sức chú ý với huyết áp thấp. Một số vấn đề sức khỏe sau của bệnh tiểu đường có thể khiến tình trạng giảm huyết áp thêm nghiêm trọng.

Mất nước

Khi mắc bệnh tiểu đường, cơ thể sẽ đào thải lượng đường glucose dư thừa trong máu qua nước tiểu. Để thực hiện quá trình này, cơ thể sẽ cần nước. Do đó, bệnh nhân tiểu đường có thể dễ bị mất nước.

Mất nước làm giảm lượng chất lỏng trong cơ thể và khiến áp lực bên trong mạch máu giảm đi, dẫn đến hạ huyết áp. Ở bệnh nhân tiểu đường, mất nước cũng có thể là triệu chứng của một tình trạng nặng hơn là nhiễm toan ceton, xảy ra khi cơ thể bệnh nhân sản sinh ra quá nhiều a xít trong máu.

Nhiễm toan ceton là biến chứng nguy hiểm của tiểu đường. Những triệu chứng thường gặp của nhiễm toan ceton là mệt mỏi, khát nước, chuột rút, đi tiểu nhiều, khô miệng và hôn mê.

Bệnh thần kinh tự chủ

Những người bị tiểu đường lâu năm có thể bị tổn thương dây thần kinh ngoại biên, dẫn đến bệnh thần kinh tự chủ và tăng nguy cơ gặp vấn đề về huyết áp. Vì khi các dây thần kinh bị tổn thương thì chúng không thể truyền hiệu quả tín hiệu đến các mạch máu để các mạch máu có thể co lại, từ đó giúp duy trì huyết áp phù hợp.

Với người mắc tiểu đường, đứng lâu có thể dễ gây hạ huyết áp với các triệu chứng như chóng mặt, choáng váng, thậm chí ngã quỵ bất ngờ và gây chấn thương.

Để giảm nguy cơ huyết áp hạ thấp đến mức nguy hiểm, người bệnh tiểu đường cần tránh ăn các bữa quá no. Vì khi ăn no, máu sẽ dồn đến dạ dày để tập trung tiêu hóa thức ăn và làm giảm huyết áp ở những nơi khác trên cơ thể. Ngoài ra, họ cũng cần uống nhiều nước, tránh ăn đồ ngọt, rượu bia và không đứng quá lâu, theo Verywell Health.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.