Vì sao dệt may Việt Nam thiếu đơn hàng nhưng Bangladesh 'làm không kịp nghỉ'?

Chí Nhân
Chí Nhân
25/04/2023 16:56 GMT+7

Đó là nghịch lý của ngành dệt may Việt Nam được đặt ra tại hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu”, do Bộ Công thương tổ chức ngày 25.4, tại TP.HCM.

Kịch bản kinh tế xấu đã trở thành trung bình - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội thảo

CTV

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định tình hình khó khăn trong hoạt động xuất khẩu đang ở mức tương đương với thời kỳ khó khăn nhất trong đại dịch Covid-19. Nhiều đơn hàng đã ký nhưng khách chưa chịu nhập vì tồn kho còn cao, kéo theo tồn kho của các doanh nghiệp sản xuất cũng đang rất lớn.

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) thừa nhận:  Trên quy mô toàn cầu, đơn hàng ít nên "chảy" về những nơi có sức cạnh tranh tốt hơn Việt Nam về chi phí sản xuất như Indonesia hay Bangladesh. "Hồi đầu năm, các doanh nghiệp chúng tôi có ngồi lại với nhau và xây dựng các kịch bản ở nhiều mức độ khác nhau trên cơ sở tình hình kinh tế Việt Nam và thế giới. Vào thời điểm đó, kịch bản xấu nhất là kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2023 có thể giảm đến 10%. Với bối cảnh hiện tại, chúng tôi cho rằng kịch bản đó giờ đã trở nên xấu hơn và mức độ kim ngạch xuất khẩu phải giảm trên 10% trong năm nay. Chính vì vậy, các kế hoạch ứng phó, thích nghi phải tính đến tương lai 2024 vì mùa xuân - hè sắp tới rơi vào quý 3/2023 không còn cứu kịp", ông Kiệt nêu quan điểm. 

Kịch bản kinh tế xấu đã trở thành trung bình - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp khó khăn về đầu ra

ĐÀO NGỌC THẠCH

Đáng lo ngại, theo ông Trần Như Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam: Trong khi Việt Nam đang thiếu đơn hàng thì Bangladesh "làm không kịp nghỉ". Nguyên nhân, do doanh nghiệp nước này chuyển đổi ngành hàng theo các tiêu chuẩn xanh, bền vững với môi trường kịp lúc nên hiện vẫn nhận được rất nhiều đơn hàng từ các nước phương Tây. Bên cạnh đó là phát triển nguyên liệu cho ngành này để tận dụng các hiệp định thương mại tự do; đẩy mạnh xúc tiến thương mại ở các thị trường có nhiều tiềm năng như Úc, Canada và các sản phẩm có tiềm năng như hàng quân trang quân dụng…

Hội nghị có hơn 20 ý kiến từ nhiều hiệp hội ngành nghề, tập trung vào việc cần có chính sách tín dụng thông thoáng với lãi suất thấp để doanh nghiệp có thể tiếp cận. Bên cạnh đó, thời gian qua thủ tục hoàn thế giá trị gia tăng kéo dài, có trường hợp hơn 2 năm khiến nguồn vốn hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn.

Tiếp nhận các phản ánh, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Bối cảnh thế giới vẫn còn khó khăn, tổng cầu vẫn còn thấp. Với kết quả kim ngạch xuất nhập khẩu của quý 1 vừa qua, nếu không nỗ lực Việt Nam sẽ kết thúc năm 2023 với kim ngạch quay trở lại mức 600 tỉ USD của năm 2021 và không đạt mục tiêu đề ra 800 tỉ USD. "Chính vì vậy, chúng ta cần phải cùng nhau phối hợp tích cực đàm phám, mở cửa thị trường với các nước, đặc biệt Trung Quốc. Chúng tôi cũng tích cực làm việc với Ngân hàng Nhà nước để bàn các giải pháp khẩn trương đưa vốn vào sản xuất và xuất khẩu; khoanh, giãn nợ cho doanh nghiệp để cứu đơn hàng, giữ thị trường. Với các giải pháp kiến nghị mang tính chính sách, chúng tôi sẽ tập hợp để báo cáo Chính phủ và Quốc hội tìm cách tháo gỡ", ông Diên nói.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.