Vi phạm và phạt

22/03/2017 06:05 GMT+7

40 biệt thự xây dựng trái phép ở Sơn Trà (Đà Nẵng), chủ đầu tư bị phạt hành chính 40 triệu đồng vì hành vi xây dựng khi chưa được cấp phép. Tính trung bình, mỗi biệt thự xây dựng trái phép bị phạt 1 triệu đồng.

Phạt thế này... vi phạm lời lớn.
Thế mới hiểu vì sao có những doanh nghiệp (DN) coi thường pháp luật, vi phạm hết lần này đến lần khác. Ở trường hợp nói trên, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Biển Tiên Sa không chỉ xây chui 40 biệt thự, trước đó dù được yêu cầu bổ sung hoàn chỉnh Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nhưng công ty này cũng phớt lờ, vẫn tiến hành xây khi ĐTM chưa được duyệt. Có sao đâu, cùng lắm là bị phạt, mà phạt thì "chuyện nhỏ", "rẻ" hơn nhiều so với nguồn lợi mang về khi vi phạm.
Nhưng phạt chủ đầu tư thôi, kể cả thật nghiêm minh cũng chưa đủ. Muốn xây dựng công trình, phải có nhân lực thi công, phải có nguyên vật liệu, phải có xe chuyên chở sắt, thép, xi măng... chạy rầm rầm nên đừng nói "xây chui". Không ai, không chủ đầu tư nào "chui" được cả. Chắc chắn phải có sự thỏa hiệp của chính quyền địa phương. Vậy những cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thế nào, hình thức phạt ra sao, cũng phải làm rõ, làm nhanh, chế tài đầy đủ. Chứ còn phạt thế này sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy.
Thứ nhất, vi phạm sẽ càng ngày càng tăng. Đây không phải là nguy cơ mà đã diễn ra trên thực tế. Chúng ta vẫn mặc định rằng những công ty siêu nhỏ, nhỏ... thường làm ăn thiếu chuyên nghiệp. Nhưng ngày càng có nhiều công ty lớn, tập đoàn lớn vi phạm. Những dự án tỉ USD thiếu ĐTM ngày càng nhiều; những công trình khổng lồ thiếu giấy phép, lấn đất, vượt tầng... ở đâu cũng thấy. Nếu chẳng may bị phanh phui thì... vui vẻ nộp phạt. Bởi vượt một vài tầng kiếm hàng trăm tỉ nhưng phạt vài chục triệu, vài trăm triệu thậm chí vài tỉ thì cũng thấm thía gì với khoản lợi thu được từ vi phạm.
Thứ hai, tạo ra một bộ phận cán bộ địa phương sẵn sàng bắt tay làm ngơ cho DN vi phạm. Phải nói thẳng là "bắt tay" vì nói thật, nhà dân chỉ cần sửa cái bờ tường, đất - cát đổ xuống trước cửa sẽ có người đến kiểm tra ngay thì không thể có chuyện một dự án, một công trình hay 40 nền biệt thự lại có thể qua mặt được cơ quan chức năng.
Thứ ba, tạo ra một môi trường kinh doanh thiếu minh bạch mà những DN nghiêm túc, những DN làm ăn chân chính bị thiệt thòi. Và để "san bằng" những thiệt thòi này, một số DN buộc phải vi phạm, dẫn tới ngày càng có nhiều DN vi phạm... Quan trọng nhất, luật pháp bị xem nhẹ. Ví dụ như những dự án liên quan đến môi trường, theo quy định phải thực hiện ĐTM. ĐTM phải được tham vấn cộng đồng một cách thực chất và sau khi được duyệt thì mới cấp phép nhưng rất nhiều nhà đầu tư phớt lờ quy định này. Có dự án khi khởi công bị dư luận lên tiếng mới dừng lại, có dự án đã lén lút xả thải ra môi trường "lục lại" mới thấy hóa ra ĐTM chưa được phê duyệt...
Chuyện phạt cho có, chế tài chưa đủ sức răn đe thường được coi như cái "cớ" để người ta vin vào đó đổ lỗi cho tình trạng vi phạm ngày càng tăng. Thế nhưng trước khi phải áp dụng chế tài còn là việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các DN và như nói trên, không thể có dự án, công trình nào xây "chui" được cả. Chỉ có những cái bắt tay để cố tình ngó lơ cho hành vi vi phạm mà thôi. Vì vậy, phạt không chỉ với chủ đầu tư mà còn phải áp dụng thật nghiêm khắc với cả các cơ quan để xảy ra các hành vi vi phạm.
Nếu không, vi phạm và phạt có thể trở thành một cửa làm ăn của những người, những DN không đàng hoàng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.