49 năm ngày thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2024):

Vì một Việt Nam hòa bình: Hai 'ông Chức' và ước vọng không còn tiếng bom

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
29/04/2024 06:48 GMT+7

'Ông Chức' là tên phiên âm tiếng Việt của ông Chuck Searcy (79 tuổi), một cựu binh Mỹ từng sống hàng chục năm ở Việt Nam. 'Ông Chức' còn lại là ông Trần Công Chức (55 tuổi, sống ở thôn Nam Sơn, xã Vĩnh Sơn, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị).

Ông Chuck từng tham chiến tại Việt Nam, trong khi ông Chức gần như mất cả gia đình (6 người) vì bom đạn. Hòa bình lập lại, 2 người đàn ông này đã hàn gắn vết thương chiến tranh, tôn vinh khát vọng hòa bình theo cách của mình.

Ông Chuck Searcy và ông Hoàng Nam (Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị), 2 đồng sáng lập dự án RENEW

Ông Chuck Searcy và ông Hoàng Nam (Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị), 2 đồng sáng lập dự án RENEW

Ngô Xuân Hiền

LẠI VIỆT NAM LÀM SỨ GIẢ HÒA BÌNH

Từ lâu, người dân Quảng Trị đã quen với người đàn ông ngoại quốc dong dỏng cao, có mái đầu bạc phơ thường xuất hiện trong các sự kiện ngoại giao Việt - Mỹ, những hoạt động rà phá bom mìn hậu chiến, các buổi lễ tặng quà, giúp đỡ người khuyết tật… Ông là Chuck Searcy.

Ông Chuck từng tham gia chiến tranh trong giai đoạn 1966 - 1969 và ngay khi đó, ông đã nhận ra người Mỹ đến Việt Nam tham chiến là một lựa chọn tồi tệ. Vì vậy, khi trở về quê hương, ông tham gia Tổ chức Cựu chiến binh Việt Nam và các hoạt động phản chiến.

Năm 1992, ông Chuck cùng một số cựu binh Mỹ khác trở lại và du lịch khắp Việt Nam. Chuyến đi làm ông nhận ra rằng trên mảnh đất này còn rất nhiều bom đạn sót lại và muốn làm điều gì đó để hàn gắn vết thương dù chiến tranh đã qua lâu. Cơ hội đến từ năm 1995, khi ông Chuck quay lại Việt Nam thêm một lần nữa để làm đại diện cho Tổ chức Cựu chiến binh Việt - Mỹ (VVAF). Cùng thời điểm này, Tổng thống Mỹ Bill Clinton thông báo bình thường hóa quan hệ giữa 2 nước.

Ông Chuck Searcy trên hiện trường rà phá bom mìn ở Quảng Trị

Ông Chuck Searcy trên hiện trường rà phá bom mìn ở Quảng Trị

RENEW

Những người quen Chuck biết về đóng góp to lớn của ông trong việc thành lập dự án RENEW - một cuộc bắt tay tốt đẹp giữa Quỹ Tưởng niệm cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam và chính quyền tỉnh Quảng Trị, tạo ra cách tiếp cận "lồng ghép và toàn diện" đầu tiên của Việt Nam đối với hoạt động kết hợp rà phá bom mìn với giáo dục nguy cơ, hỗ trợ nạn nhân bom mìn.

Ông Chuck đã như một "con thoi", trở thành đại sứ để vận động sự ủng hộ, tạo nguồn quỹ từ nhiều tổ chức phi chính phủ để có kinh phí cho việc rà phá bom mìn và các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh trên "đất thép" Quảng Trị.

Riêng dự án RENEW được thành lập vào năm 2001 bởi ông Hoàng Nam, khi đó là Giám đốc Sở Ngoại vụ (nay là Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - PV), và ông Chuck Searcy. Cho đến nay, dự án đã di dời và phá hủy hàng trăm ngàn vật liệu nổ, giải phóng hàng chục triệu

mét vuông đất, giúp đỡ hàng ngàn nạn nhân bom mìn có chân tay giả và sinh kế, giáo dục về mối nguy hiểm bom mìn cho hàng trăm ngàn trẻ em tại Quảng Trị.

"Dự án RENEW những năm qua đã đạt được kết quả quan trọng trong việc khắc phục hậu quả bom mìn, giảm nghèo và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với các tổ chức hành động về bom mìn khác, chúng tôi tự hào đã góp phần làm giảm rõ rệt số thương vong liên quan đến bom mìn ở Quảng Trị. Trong những kỳ tích đó, không thể bỏ qua vai trò của ông Chuck Searcy", ông Hoàng Nam nói.

Những ngày giữa tháng 7.2022, PV Thanh Niên lại bất ngờ gặp lại người cựu binh Mỹ coi Việt Nam như quê hương thứ hai ở Di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, nơi ghi dấu hơn 20 năm chia cắt Bắc - Nam. Rảo bước trên cây cầu lịch sử được sơn 2 màu xanh - vàng, Chuck Searcy có cuộc gặp gỡ đầy xúc động với những cựu chiến binh Việt Nam. Họ bắt tay, nói cười… mặc cho khác biệt về ngôn ngữ, dù mấy chục năm trước họ ở hai bờ chiến tuyến.

Ngày nay, liên tục đi về giữa Hà Nội và Quảng Trị, ông Chuck luôn có mặt ở các sự kiện về khắc phục hậu quả chiến tranh. Ông tiếp tục sống ở Việt Nam và góp phần xây dựng cầu nối Việt - Mỹ. Hồi năm 2003, Chuck Searcy được Chính phủ Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị. Ông hiện là Chủ tịch Tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình (Mỹ) chi nhánh tại Việt Nam.

"NGÔI NHÀ BOM" CỦA LÃO NÔNG VIỆT

Nằm bên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, cách Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn chừng 700 m về phía tây, có một ngôi nhà được dựng nên bằng các vật liệu rất độc đáo. Ngôi nhà có hệ thống trụ được làm từ những quả bom, mái lợp từ lá cọ, xung quanh có rất nhiều bom, đạn và kỷ vật chiến tranh. Tác giả của ngôi nhà ấy là lão nông Trần Công Chức.

“Ngôi nhà bom

“Ngôi nhà bom" của ông Trần Công Chức

Thanh Lộc

Dùng bom đạn để làm nhà, chuyện đúng là xưa nay hiếm. Bởi bom đạn gợi nhớ cảnh tang thương, nhưng khi tìm hiểu về hoàn cảnh của ông Chức mới hiểu vì sao ông lại có ý tưởng lạ kỳ đến vậy.

Trong chiến tranh, Quảng Trị được ví như "túi bom", là vùng "đất lửa". Mỗi người dân Quảng Trị ngày ấy phải gánh chịu nhiều tấn bom đạn trút xuống từ quân địch. Ông Chức là con út trong gia đình 9 anh chị em nhưng có tới 6 người chết vì bom. Mẹ ông là Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

"Từ những mất mát, đau thương đó, khi còn nhỏ tôi đã ấp ủ ước mơ xây một bảo tàng trưng bày kỷ vật chiến tranh để các cựu binh có thể đến tham quan, ôn lại về thời quá khứ gian khổ mà hào hùng", ông Chức tâm sự.

Ông Trần Công Chức là người có nhiều mất mát trong chiến tranh

Ông Trần Công Chức là người có nhiều mất mát trong chiến tranh

Thanh Lộc

Vì sử dụng loại vật liệu quá đặc biệt là… vỏ bom nên ông Chức mất gần 20 năm sưu tầm mới có đủ. Đó là hành trình đi rất nhiều nơi, ghé rất nhiều cửa hàng sắt vụn… Trong ngần ấy thời gian, ngoài vỏ bom, ông Chức còn sưu tầm khoảng 1.000 kỷ vật khác như đạn, tăng võng, cuốc xẻng, bình đông nước, vỏ pháo sáng…

Sau nhiều tháng thi công, "ngôi nhà bom" đã hoàn tất vào dịp 27.7.2023. Ngôi nhà có diện tích khoảng 300 m², với khoảng 400 vỏ bom lớn nhỏ. Trong đó, khoảng 70 vỏ bom với nhiều kích cỡ được dùng để làm thành 18 cây cột kiên cố của ngôi nhà 3 gian. Từ khi mở cửa, "ngôi nhà bom" đã đón đông đảo du khách đến tham quan. Đặc biệt là với các cựu chiến binh, việc đặt chân đến ngôi nhà đã mang lại những cảm xúc đặc biệt.

"Tôi biết chúng ta cần gác lại quá khứ để hướng tới tương lai tốt đẹp hơn nhưng không có nghĩa là xóa nhòa lịch sử và chân lý. Với ngôi nhà này, tôi muốn mọi người, nhất là các em nhỏ, biết về một thời bom đạn khốc liệt của chiến tranh, để từ đó biết ơn những người đã ngã xuống, biết ơn hòa bình của bây giờ", ông Chức chia sẻ.

Mới hay, dù mỗi người mỗi quốc tịch, mỗi công việc, mỗi ý tưởng tiếp cận với bom đạn từ thời chiến, nhưng có lẽ ông Chuck và ông Chức đều đang nhìn về một hướng. Ở đó, không có tiếng bom nổ… (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.