Người dân cả nước tiễn đưa Đại tướng về nơi an nghỉ

13/10/2013 06:30 GMT+7

(TNO) 7 giờ sáng nay 13.10, Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp diễn ra tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Thanh Niên Online sẽ tiếp sóng truyền hình và tường thuật trực tuyến Lễ truy điệu và an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nhà hát lớn 7

Nhà hát lớn 3
Đúng 7 giờ 45 phút, đoàn xe đưa linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi qua Quảng trường Nhà hát lớn - Ảnh: Xuân Bùi

>> Xem thêm ảnh Đoàn xe hộ tống linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đúng 7 giờ sáng, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban tổ chức Lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tuyên bố lễ truy điệu bắt đầu.

>> Điếu văn truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Video clip Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp (P1)
>> Video clip Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp (P2)
>> Video clip Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp (P3)

Trong khuôn viên Nhà tang lễ Quốc gia (Hà Nội) không khí trang nghiêm, trầm mặc, các lãnh đạo của Đảng, Nhà nước cùng gia quyến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có mặt đông đủ trong buổi sáng tiễn biệt vị tướng huyền thoại của dân tộc.

Lễ chào cờ, Quốc ca được cử hành mở đầu cho Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Sau đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đọc lời điếu văn tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

 

Cùng thời gian diễn ra lễ truy điệu tại Hà Nội, Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng được tổ chức tại Trụ sở UBND tỉnh Quảng Bình và Hội trường Thống nhất, TP.HCM.

Sau đó, thể theo ý nguyện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nguyện vọng của gia đình, linh cữu của Đại tướng được đưa về an táng tại khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến, thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Thời gian đón linh cữu của Đại tướng tại Sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) dự kiến diễn ra vào khoảng 13 giờ hôm nay.

Linh cữu Đại tướng sẽ được tiếp tục di chuyển bằng xe ô tô ra thẳng Vũng Chùa - Đảo Yến để tổ chức lễ an táng.

Lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được cử hành từ 16 giờ đến 17 giờ chiều 13.10.

Trong điếu văn dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp có đoạn khẳng định: Đại tướng đã có những đóng góp quan trọng trong tổng khởi nghĩa CMT8 năm 1945. Sau đó, Đại tướng tiếp tục trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch quan trọng trong kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là chỉ huy trận đánh làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, đưa đến kháng chiến chống Pháp thành công.

Ông cũng là tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam, chỉ huy các chiến dịch làm nên các chiến thắng trước Mỹ, thống nhất đất nước. Trọn cả cuộc đời Đại tướng đã đóng góp cho Đảng, cho dân tộc, cho đất nước. Nêu cao tấm gương sáng trong tinh thần sáng tạo tiến công, chiến lược quân sự, học thuyết quân sự, đường lối chiến tranh nhân dân đặc biệt của Việt Nam.

“Thưa anh Văn, anh ra đi nhưng hình ảnh và những đóng góp của anh sống mãi trong lòng dân tộc, sống mãi trong sự nghiệp của Đảng và Nhà nước”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong điếu văn.

Tổng bí thư đã tuyên bố dành một phút mặc niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tiếp theo, ông Võ Điện Biên, con trai trưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thay mặt gia đình tỏ lòng biết ơn sâu sắc với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội và tấm lòng của nhân dân đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

“Tuổi thọ và sức khỏe của Đại tướng có được đến những ngày qua là nhờ tất cả tấm lòng của các thế hệ đã quan tâm”, ông Biên nói.

Đồng thời, thay mặt gia đình, con trai trưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “xin phép được tỏ lời cảm ơn riêng đến quân đội và tập thể y bác sĩ đã chăm sóc đại tướng đến những giây cuối cùng”.

Đặc biệt, “trong giây phút này, xin được tạ ơn tiên tổ của đất nước Việt Nam, tạ ơn anh linh của đất nước, dân tộc”, ông Biên nghẹn ngào.

Lễ truy điệu 1

Lễ truy điệu 2
Đông đảo người dân tập trung trên phố Tràng Tiền...

Lễ truy điệu 3
... và trước nhà hát lớn để chờ rước linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp
- Ảnh: Thúy Hằng

“Đại tướng cả đời vì nước vì dân, đến lúc mất đi chắc chắn tinh thần của Đại tướng sẽ hòa vào tinh thần, anh linh nước Việt để thành sức mạnh của nước Việt Nam”, con trai Đại tường Võ Nguyên Giáp nói lời cuối về cuộc đời, sự nghiệp, anh linh của người cha vĩ đại của mình, vị tướng huyền thoại, anh hùng của dân tộc Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trước khi di quan, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, khách quốc tế và gia đình đã đi vòng quanh linh cữu nhìn mặt Đại tướng Võ Nguyên Giáp lần cuối.

Trên nền nhạc trầm hùng của bài Hồn tử sĩ, các tiêu binh cuốn Quốc kỳ để chuẩn bị di quan Đại tướng.

Đi trước cầm bát nhang là các con và gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Linh cữu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khiêng ra linh xa trong tiếng nhạc trầm hùng.


Đường đi của đoàn đưa linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ Nhà tang lễ Quốc gia ra sân bay Nội Bài (Hà Nội) - Đồ họa: Thiên Ý


Đường bay từ sân bay Nội Bài (Hà Nội) đến sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) - Đồ họa: Thiên Ý


Linh cữu của Đại tướng được di chuyển bằng xe ô tô từ sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) đến Vũng Chùa - Đảo Yến - Đồ họa: Thiên Ý
 

Sau khi linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được an vị trên linh xa, các tiêu binh phủ lại lá cờ Tổ quốc lên linh cữu ông.

Đoàn xe đưa linh cữu Đại tướng từ từ rời Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Đi bộ phía sau tiễn biệt là đoàn lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, và quân đội.

Đoàn linh xa đưa linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ từ đi qua các tuyến phố của Hà Nội. Hai bên đường, đông đảo người dân đã đứng chờ, chen chật cứng để được nhìn thấy linh cữu Đại tướng lần cuối, nước mắt và cảm xúc trào dâng tiễn đưa vị tướng của nhân dân về với đất mẹ.

Người dân khóc thương Đại tướng

+ Tại Quảng Bình: Hội trường UBND tỉnh Quảng Bình không đủ chỗ cho người tham dự lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp nên dòng người đứng tràn ra tận hành lang.

Dự lễ truy điệu Đại tướng tại đây không chỉ có các vị lão thành cách mạng, đại diện chính quyền, các sở ban ngành địa phương mà còn có người dân các tỉnh thành lân cận.

Dù theo dõi qua màn hình lễ truy điệu tại Hà Nội nhưng nhiều người đã bật khóc nức nở. Trong không khí trang nghiêm chỉ có tiếng sụt sùi.

Ngay sau lễ truy điệu, ban tổ chức lễ đưa linh cữu Đại tướng từ sân bay Đồng Hới ra nơi an táng ở Vũng Chùa - Đảo Yến tiếp tục bắt tay ngay vào công việc rà soát, kiểm tra lần cuối.

Mặc dù buổi lễ đã kết thúc nhưng nhiều người vẫn đứng lặng trước bàn thờ Đại tướng giữa Hội trường, để thắp cho Đại tướng một nén nhang.

Đại tướng 1

Đại tướng 2
Theo dõi lễ truy điệu qua màn hình - Ảnh N.Tú

Quảng Bình 1

Quảng Bình 2

Quảng Bình 3

Quảng Bình 4

Quảng Bình 5

Quảng Bình 6

Đại tướng 5

Đại tướng 4

Đại tướng 3
Người dân khóc thương Đại tướng - Ảnh: T.Q.Nam

+ Tại TP.HCM: Từ 6 giờ sáng, hàng ngàn người đã có mặt ở Hội trường Thống nhất để dự lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những hình ảnh từ Hà Nội được truyền trực tiếp qua màn hình đã khiến nhiều người bật khóc.

Võ Nguyên Giáp 1

Võ Nguyên Giáp 2

Võ Nguyên Giáp 3

Võ Nguyên Giáp 4
Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại TP.HCM - Ảnh: Minh Quyên

Võ Nguyên Giáp 5

Võ Nguyên Giáp 6

Võ Nguyên Giáp 7

Võ Nguyên Giáp 8
Nhiều người không cầm được nước mắt - Ảnh: Minh Quyên

Nguyễn Tú - Trương Quang Nam - Minh Quyên

Thanh Niên Online

>> Võ Nguyên Giáp mãi mãi là huyền thoại
>> Kiều bào và bạn bè Lào tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tầm nhìn về Trường Sa, biển đảo Tổ quốc
>> Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Tái bản sách 'Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ
>> Tuổi trẻ TP.HCM tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.