Nghiêng mình trước anh linh Đại tướng: Núi lửa dưới tuyết

13/10/2013 03:10 GMT+7

Các báo đài của Pháp, đất nước có nhiều duyên nợ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã đồng loạt bày tỏ sự kính trọng sau khi ông qua đời.

Nghiêng mình trước anh linh Đại tướng: Núi lửa dưới tuyết

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch gặp gỡ nhà đồng sáng lập đảng Xã hội Pháp Jean-Pierre Chevènement năm 1982 - Ảnh: Le Monde

Dấu ấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với người Pháp rất sâu sắc. Có thể thấy trong những ngày qua, truyền thông nước này nhắc về “người hùng Điện Biên Phủ của Việt Nam”, “vị tướng đã lật đổ Pháp khỏi Đông Dương” một cách trân trọng và khách quan.

Nhật báo danh tiếng Le Monde có một bài viết rất chi tiết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tác giả Jean-Claude Pomonti viết: “Ông sẽ được lịch sử ghi nhận là một trong những vị tướng lỗi lạc của thế kỷ 20, người duy nhất lần lượt khiến Pháp bại trận và hiên ngang đương đầu với Mỹ. Đánh sập thành lũy của Pháp vào tháng 5.1954 và tiến về Sài Gòn vào tháng 4.1975 có thể xem là những chiến công tiêu biểu của vị chỉ huy ngoại hạng này: uy tín, thiên tài về hậu cần, chiến thuật gia vô song...”. Cũng trong những ngày qua, Le Monde đã cho đăng lại một bài viết từ năm 1952 của nhà báo Jean Lacouture về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tựa đề Núi lửa dưới tuyết, trong đó phác họa chân dung một nhà quân sự tài ba với bầu nhiệt huyết hừng hực ẩn dưới vẻ ngoài luôn điềm tĩnh, có khả năng ảnh hưởng đến vị trí của Pháp ở Đông Dương.

Ấn tượng khó phai

Nhà báo René Backman kể lại trên tờ Le Nouvel Observateur lần gặp Đại tướng ở Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp François Mitterrand năm 1993: “Hôm ấy, Tướng Giáp ngồi kế tướng Maurice Schmitt, cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp. Trong trận Điện Biên Phủ, một người là sĩ quan pháo binh, chiến đấu để Pháp duy trì chế độ thực dân ở Đông Dương. Và thất bại. Người kia chiến đấu để đặt dấu chấm hết cho Pháp ở Đông Dương. Và chiến thắng. Cuộc trò chuyện của họ nhanh chóng trở nên sôi nổi. Họ bàn luận với nhau không như những kẻ thù mà như 2 chứng nhân của cùng một sự kiện lịch sử. Các quan khách khác đều tỏ ra ngạc nhiên về sự bình thản của 2 vị tướng khi nhắc đến kỷ niệm thời chiến”.

Trả lời phỏng vấn báo Le Journal du Dimanche, Đại sứ Pháp tại Việt Nam giai đoạn 1989 - 1993 Claude Blanchemaison nhắc về lần gặp gỡ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Đại sứ quán nước này ở Hà Nội năm 1989, nhân kỷ niệm 200 năm cách mạng Pháp: “Điều tôi ấn tượng nhất khi vừa gặp là Tướng Giáp có ánh mắt rất linh động. Ông trao đổi bằng tiếng Pháp với cách dùng từ ngữ thật chuẩn xác và nhanh chóng bàn về văn hóa Pháp, cộng đồng Pháp ngữ rồi kể về thời còn học ở trường Pháp tại Hà Nội. Trong suốt buổi trao đổi, không bao giờ ông tỏ thái độ hận thù với Pháp mà ngược lại, đề nghị 2 nước tăng cường hợp tác về khoa học và đặc biệt là về kinh tế. Ông là một người cực kỳ sắc sảo, có thể đưa ra nhận định rất nhanh và đúng đắn. Đồng thời, trong những buổi gặp gỡ như thế, ông luôn tỏ ra rất bình dị dù đã trở thành một biểu tượng. Rất nhiều quan chức Pháp muốn được gặp ông”.

“Thế hệ vĩ đại nhất  của Việt Nam”

Theo nhận định của tờ The South China Morning Post, dù là người từng lãnh đạo quân đội Việt Nam đánh bại và làm bẽ mặt lần lượt các đối thủ sừng sỏ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau khi qua đời vẫn nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông tại những nước này. Đó là chứng cứ không thể chối cãi cho khả năng thiên tài về mặt quân sự của một vị tướng thuộc hàng ngũ vĩ đại nhất của thế giới.

Trong khi trang tin trực tuyến của tờ San Jose Mercury News đăng phóng sự ảnh về cuộc đời của “Tướng Giáp - người anh hùng dân tộc”, tạp chí World Policy Journal của Viện Chính sách thế giới đã cho đăng bài ca ngợi Đại tướng, gọi ông là một trong những thiên tài quân sự vĩ đại cuối cùng của thế kỷ 20. Trong bài viết tựa đề Người Mỹ có thể học được gì từ một du kích, tờ tạp chí trên cho rằng quân đội Mỹ nên khôn ngoan mà học từ Tướng Giáp, người am tường chiến tranh du kích. Tờ báo nhắc lại thông điệp của vị tướng gửi đến giới thông tấn nước ngoài vào dịp lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, rằng: “Nếu một quốc gia quyết tâm đứng lên, họ sẽ rất mạnh”.

Trước đó, trong bài xã luận trên tờ The Wall Street Journal, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, người từng bị bắt trong chiến tranh Việt Nam, thừa nhận Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đẩy lùi quân Pháp và giải phóng Việt Nam khỏi ách thực dân và sau đó buộc người Mỹ phải từ bỏ nỗ lực thôn tính. Ông McCain cũng viết về cuộc hội ngộ giữa hai người vào đầu thập niên 1990, lúc đó hai người “vỗ vai nhau như thể chúng tôi là những đồng chí gặp lại chứ không phải là những cựu thù trong chiến tranh”. Sau đó, Tướng Giáp gọi McCain là một “đối thủ xứng đáng”, đồng thời thêm rằng cả hai “nên thảo luận về một tương lai mà hai quốc gia không phải địch thủ mà là bạn bè”. Bên cạnh đó, có thể nói mọi tờ báo lớn lẫn đài truyền hình tại Mỹ đều đã đưa tin về sự ra đi của vị tướng tài ba, từ The New York Times, The Washington Post, Los Angeles Times... đến Fox News, Đài ABC và đặc biệt chương trình trên CNN được phát dưới tiêu đề: Thế hệ vĩ đại nhất của Việt Nam.

Riêng Đài Deutsche Welle của Đức chạy tít Võ Nguyên Giáp - Bậc thầy của chiến tranh cách mạng, dẫn ý kiến của sử gia Derek Frisby thuộc Đại học Trung Tennessee (Mỹ). Trả lời câu hỏi “Điều gì đã làm ông Võ Nguyên Giáp nổi bật hơn hẳn so với các vị tướng khác trong lịch sử?”, sử gia Frisby giải thích Tướng Giáp là kiến trúc sư của quân đội Việt Nam, là bậc thầy về hậu cần, của sự bất ngờ. Ông triển khai chiến tranh cách mạng với mức độ linh hoạt và thích ứng cao mà trước nay khó ai có thể cạnh tranh được. Không những là vị tướng tạo ra đội quân từ một xã hội phi công nghiệp đủ sức thách thức với các siêu cường, mà còn vận dụng được ý chí, lòng dân để chạy “cỗ máy” đó. “Ông không chỉ trội hơn những tướng lĩnh khác trong lịch sử, do ông cao hẳn hơn họ”, sử gia Frisby nhấn mạnh.

Sử gia Frisby đánh giá tài thao lược và thành công của Tướng Giáp đã khiến các thế lực phương Tây thận trọng hơn khi can thiệp vào những cuộc xung đột tương tự tại châu Á. Điều này cho phép khu vực này phát triển mà ít bị tác động trong vài thập niên qua. Kết quả là Việt Nam giờ đây đang “phát triển vượt bậc và nhiều du khách nước ngoài biết đến vẻ đẹp tiềm ẩn của quốc gia nằm trên bán đảo Đông Dương”, theo Đài Deutsche Welle. 

Lan Chi - Thụy Miên

>> Võ Nguyên Giáp mãi mãi là huyền thoại
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tầm nhìn về Trường Sa, biển đảo Tổ quốc
>> Tái bản sách 'Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.