Hoạt động du kích

10/10/2013 00:00 GMT+7

Sự đàn áp thuộc địa ngày càng khốc liệt. Từ ngày ông tham gia, một cách công khai, vào phong trào Đông Dương Đại hội, ông đã viết những bài đăng trên báo Đảng, Sở Mật thám Pháp không làm ngơ đối với ông, tự do của ông đang lâm nguy. Ông buộc phải rời khỏi đất nước.

>> Giáo sư dạy sử

Hoạt động du kích

Võ Nguyên Giáp: Đảng đã chỉ thị cho tôi phải bí mật rời khỏi đất nước, sang Hoa Nam để liên lạc với các đồng chí hoạt động ở nước ngoài đón chờ thời cơ cho phong trào giải phóng dân tộc. Chính đồng chí Hoàng Văn Thụ đã cho tôi biết quyết định đó và chuẩn bị chuyến lên đường của tôi. Tháng 5.1940 tôi rời Hà Nội, trong lòng đau như cắt, để lại Thái, người vợ trẻ và đứa con của chúng tôi. Lúc đó, tôi không biết đây là lần gặp gỡ cuối cùng. Tôi đã ra khỏi biên giới sau một chuyến đi đầy nguy hiểm cùng với đồng chí Phạm Văn Đồng, người đã gắn bó với tôi từ thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương...

Alain Ruscio: Chính trong chuyến đi ấy, lần đầu tiên, ông đã mang bí danh mà 40 năm sau rất nhiều trong số bạn bè vẫn gọi ông một cách trìu mến bằng cái tên: Văn...

Đúng. Cho đến bây giờ nhiều người vẫn gọi tôi là “đồng chí Văn”.

Thế rồi một thời điểm quan trọng đến với ông cũng như đối với lịch sử  (người ta sẽ nói là tôi quá lời, nếu nói là đối với lịch sử thế giới) là khi ông gặp Nguyễn Ái Quốc...

Trước khi đi đồng chí Hoàng Văn Thụ có nói riêng với tôi là sang bên đó có lẽ sẽ gặp Nguyễn Ái Quốc. Một cuộc hẹn đã được ấn định, nhưng với một người mang bí danh là đồng chí Vương. Đó là vào tháng 6.1940 tại Côn Minh. Tôi và đồng chí Phạm Văn Đồng đều biết rằng Bác Hồ lúc này đang ở miền Nam Trung Quốc. Cuộc gặp diễn ra trên một chiếc thuyền ở hồ Thúy. Trước mặt chúng tôi là một người đàn ông trạc 50 tuổi, dáng người nhanh nhẹn lạ thường, đã có một chòm râu nhỏ dưới cằm. Không có gì tỏ ra đó là một người lãnh đạo cấp cao, tính tình tác phong cực kỳ giản dị. Mặc dù lần đầu tiên được gặp, tôi đã có ấn tượng đây là người mà tôi sẽ gắn bó suốt đời. Tôi nhận ra giọng nói của Người mang âm sắc miền Trung Việt Nam mặc dù Người đi khỏi đất nước đã 30 năm. Người nói với anh Đồng, đã quen biết từ trước, giọng thân mật: “Trông chú Đồng vẫn thế, không già đi chút nào!”. Còn đối với tôi, Người nói tôi tươi tắn như con gái! Cuộc trò chuyện ngắn ngủi, vì không muốn để người ngoài chú ý. Nội dung chủ yếu là làm quen để thiết lập mối quan hệ sau này. Sau đó ở Côn Minh, chúng tôi thường xuyên gặp gỡ tại nhiều địa điểm khác nhau và thường là không hẹn trước. Một thời gian sau đó tôi và anh Đồng chuẩn bị đi Diên An. Sau đó lại được lệnh của Đảng gọi về, không đi nữa. Ở châu u tình hình biến chuyển dồn dập. Phải tìm cách trở về nước để bắt đầu tổ chức cuộc đấu tranh một cách cụ thể. Đồng chí Vũ Anh, đã về nước trước, tìm được một địa điểm lý tưởng gần biên giới, gần làng Pác Bó. Đó là nơi chúng tôi trở về cùng với Bác Hồ đầu năm 1941.

Vậy là ông trở về Việt Nam và tất nhiên từ lúc đó ông sống hoàn toàn bí mật. Ông có thể kể lại hoạt động du kích trong những năm 1941-1945?

Về phần tôi, những năm 1941-1942, tùy từng hoàn cảnh tôi sống xen kẽ lúc thì ở miền Nam Trung Hoa lúc thì trong vùng Pác Bó, nhiều lần bí mật vượt biên giới. Đó là một thời kỳ đầy phấn khởi khi lịch sử cuộc đấu tranh của nhân dân chúng tôi lúc đó đang bắt đầu.

Suốt 4 năm chúng tôi xây dựng một mạng lưới rộng rãi và vững chắc của phong trào cách mạng. Chúng tôi tiến hành công tác chính trị rất phong phú, để từng người dân tán thành ý tưởng đấu tranh vũ trang. Chính trong thời kỳ này, sau một quá trình lâu dài đã đi đến giai đoạn hoàn toàn trưởng thành, cuối cùng đi đến Cách mạng Tháng Tám.

Giữa tháng 5.1941, Ban lãnh đạo Đảng họp ở Pác Bó, quyết định đưa cuộc đấu tranh sang một giai đoạn mới, đặc trưng là xây dựng một phong trào dân tộc, tập hợp mọi lực lượng quyết tâm đấu tranh để giải phóng Tổ quốc. Chính lúc ấy Việt Minh ra đời, mọi người đã thảo luận chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Tuy nhiên thực tế chúng tôi không có vũ khí. Nhưng chúng tôi cho rằng vấn đề hàng đầu, xét đến cùng, là phải mật thiết liên hệ với quần chúng. Khi có quần chúng đi theo mình, sẽ giành được thắng lợi. Khi quần chúng chống lại mình, hoặc từ chối tham gia với mình, ắt sẽ thất bại... Thật đơn giản. Trước hết là tổ chức quần chúng. Chúng tôi đều ở trên miền thượng du, Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh vai trò quan trọng của các dân tộc thiểu số trong cuộc đấu tranh chống lại kẻ chiếm đóng. Một vài nơi đồng bào không nói tiếng Kinh, vốn là tiếng phổ thông, chúng tôi phải học tiếng nói của họ.

Những căn cứ đầu tiên của Cách mạng Tháng Tám đều sinh ra ở Việt Bắc. Ở tất cả các cấp chúng tôi tổ chức các lớp học chính trị. Tất cả cán bộ, kể cả Bác Hồ, đều làm gương, trở thành những cán bộ huấn luyện. Chúng tôi thay đổi chỗ ở, đào tạo nhanh các cán bộ, rồi chính bản thân họ có thể nhanh chóng dạy người khác những điều cơ bản.

Giáo dục chính trị là nền tảng của mọi thắng lợi bền vững. Chính nhờ áp dụng nguyên tắc đó, chúng tôi dần dần mở rộng cơ sở của chúng tôi. Nội dung huấn luyện rất đơn giản, Bác Hồ rất quan tâm đến chuyện này. Người nhấn mạnh, phải trình bày vấn đề thế nào để mỗi người học dễ tiếp thu bài giảng. Chúng tôi bắt đầu bằng việc trình bày ngắn gọn tình hình thế giới, nhấn mạnh thắng lợi của Hồng quân, rồi chúng tôi đề cập tình hình Việt Nam, những phương thức đấu tranh, chuẩn bị khởi nghĩa, tổ chức Việt Minh. Có những bài giảng thực hành như: làm sao chủ tọa và điều khiển một cuộc họp; làm sao tiến hành những biện pháp sơ đẳng để giữ an toàn. Chúng tôi luôn luôn thấy mình chưa làm hết nhiệm vụ. Một hôm, một trong những “học viên” xin rút khỏi lớp học. Sau khi biết được lý do, tôi nhận ra rằng tôi trình bày không được rõ ràng sáng sủa vấn đề nên anh em không hiểu. Tôi đã lúng túng cố trình bày một cách trừu tượng vấn đề “Những mâu thuẫn trong tình hình thế giới”.

Về vật chất cũng như về tâm lý, ông đã trải qua suốt thời gian đó như thế nào?

Về tâm lý là rất phấn khởi. Có một kỷ niệm khắc sâu trong trí nhớ tôi với độ chính xác lạ thường. Đó là lúc ở Pác Bó buổi tối chúng tôi họp nhau lại quanh đống lửa. Bác Hồ của chúng tôi nói: “Phát xít thế nào cũng thất bại, điều đó không thể tránh được. Trong 4, 5 năm nữa Hitler và Nhật Bản sẽ thua. Sẽ đến lúc Tổ quốc thân yêu của chúng ta sẽ được giải phóng”. Nói đến đây cặp mắt Người sáng ngời. Tất cả chúng tôi nghe thấy thế đều rất xúc động. Ngay trong những lúc khó khăn nhất của cuộc chiến tranh du kích, chúng tôi không một lúc nào nghi ngờ về thắng lợi của chúng tôi.

Các ông đã có một niềm tin vào thắng lợi cuối cùng ngay trong lúc các ông còn đang sống trong một cái hang ở miền cực Bắc của đất nước, nhìn từ bề ngoài trông như bị cô lập khỏi thế giới?

Đúng. Một niềm tin hoàn toàn. 

Alain Ruscio

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.