Di sản tinh thần của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

13/10/2013 03:00 GMT+7

Theo GS Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử, di sản mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại không chỉ là nghệ thuật quân sự, mà còn bao hàm những sáng tạo văn hóa của một nhà tư tưởng.

Theo GS Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử, di sản mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại không chỉ là nghệ thuật quân sự, mà còn bao hàm những sáng tạo văn hóa của một nhà tư tưởng.

Di sản tinh thần của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Ảnh: Giản Thanh Sơn

“Nói đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì bao giờ cũng vậy, trước tiên người ta phải nói đến một danh tướng. Bằng tài thao lược của mình ông đã làm được những điều người ta không tưởng tượng nổi.

Dân tộc VN có một đặc điểm: lịch sử dựng nước luôn gắn liền với giữ nước. Việc tổ chức các cuộc chiến tranh giữ nước đã sản sinh ra nhiều tư tưởng, nghệ thuật mà nếu đúc rút sẽ có những di sản vô giá. Đó có thể coi là một di sản rất lớn, nếu không nói là lớn nhất mà Đại tướng đã để lại cho dân tộc.

Ông còn là người có tư tưởng rất lớn về văn hóa và triết học. Thí dụ, ông từng nói tất cả sáng tạo của dân tộc VN trong lĩnh vực quân sự được nâng lên thành nghệ thuật. Hãy đừng hiểu nó là phương cách thực hiện chiến tranh, phải hiểu nó thuộc phạm trù văn hóa. Không hiểu lịch sử chiến tranh thì không hiểu lịch sử VN. Nhưng nếu hiểu lịch sử chiến tranh chỉ là chiến tranh thì chưa đủ. Phải hiểu nó là những sáng tạo văn hóa thì mới có chiều sâu, GS Giang chia sẻ.

Lịch sử khó có chỗ cho chữ nếu. Nhưng nếu Đại tướng được giao những trách nhiệm nhà nước lớn hơn, liệu lịch sử sẽ thay đổi ra sao, thưa ông?

Tôi là người làm nghiên cứu lịch sử, nên với tôi chữ nếu ít khi được quan tâm. Thực ra mỗi người có một giai đoạn lịch sử. Ông đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình, một nhân vật lịch sử vĩ đại của giai đoạn của mình. Đó là khi được Bác Hồ giao cho thành lập Đội VN tuyên truyền giải phóng quân. Sau đó chống hai đế quốc lớn Pháp và Mỹ thì vai trò của ông rất lớn. Khi làm phó thủ tướng phụ trách khoa học công nghệ ông cũng có nhiều tư tưởng lớn để phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là khoa học xã hội VN. 

Ít nhất, trong lĩnh vực tôi biết, ông có những chỉ giáo thể hiện sự minh mẫn đến mức kinh ngạc. Chẳng hạn ông nói nghiên cứu lịch sử VN, làm sao để giải thích hiện tượng một dân tộc bị một đế chế văn minh như thế, hùng mạnh như thế cai trị suốt hơn 1.000 năm mà không bị đồng hóa. Theo thông lệ, chỉ cần 100 - 200 năm là có thể một dân tộc biến mất bên cạnh một nền văn minh lớn. Chúng ta không coi thường ai cả, nhưng có những dân tộc ở châu Mỹ, Phi chỉ sau vài trăm năm đô hộ của phương Tây họ mất hẳn tiếng. Hoặc họ nói tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hoặc tiếng Pháp. Ông nói giải thích kiểu “dân tộc anh hùng, lãnh đạo sáng suốt” là không thỏa đáng. Những chỉ giáo như thế, giới nghiên cứu cũng sững sờ.

Những ngày qua, cả dân tộc cùng nắm tay hướng về Đại tướng. Ông có nghĩ sẽ là một vận hội mới không?

Trước khi xảy ra sự việc này, nhiều luồng suy nghĩ bi quan, thậm chí không tin vào triển vọng tốt đẹp của dân tộc nữa. Tôi đã nói với một số đồng chí có trách nhiệm: sự kiện này rất đáng để chúng ta nhân đây nhìn nhận lại nhiều vấn đề, đồng thời coi Đại tướng là một biểu tượng để tăng cường khối đoàn kết, huy động sức mạnh dân tộc.

Cần nhìn nhận lại những vấn đề gì, theo ông ?

Trước hết, những vấn đề kiến nghị của Đại tướng phải được xem lại rất nghiêm túc. Phải hiểu một con người như thế thì ý kiến của ông không phải là ý kiến cá nhân mà nó phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân mà Đại tướng là người nối được. Ông có một nhãn quan hơn người, linh cảm hơn người trong việc hiểu dân.

Thứ hai, xem lại cách nhìn nhiều khi bi quan về dân tộc. Vẫn thường có hoài nghi thanh niên không quan tâm đến lịch sử. Nhưng rất nhiều thanh niên xếp hàng mang theo ảnh Đại tướng. Ông vẫn là con người của hôm nay và của tương lai.

Anh Văn là người học trò tin cậy nhất của Bác

"Tôi từng được tham gia góp ý kiến cho dự thảo điếu văn cho Đại tướng từ vài năm nay. Mỗi năm bản điếu văn ấy đều được chỉnh sửa bổ sung, thay đổi. Những bản thảo đầu tiên còn đơn giản nhưng càng về sau càng sâu sắc hơn. Điều mà tôi nghĩ có thể tạm đánh giá về Đại tướng thì như thế này:

Thứ nhất, Võ Nguyên Giáp là một nhà trí thức yêu nước đã sớm nhận ra con đường đi của mình là cứu nước, cứu dân tộc. Ông đi theo cụ Hồ, trở thành người học trò xuất sắc và cũng là một người bạn chiến đấu của Bác. Từ góc độ những người nghiên cứu lịch sử thì có thể kết luận anh Văn là người học trò tin cậy nhất của Bác. 

Anh Văn cũng thực hiện đúng lời Bác dặn: là một người dân thì phải yêu nước, làm cho đất nước được độc lập tự do, là một người tướng phải lo đánh thắng quân thù và đem lại độc lập tự do cho đất nước, yêu thương chiến sĩ, tiết kiệm xương máu sinh lực cho chiến sĩ. Cuộc đời anh Văn kể từ giai đoạn thành lập Đội tuyên truyền giải phóng (1944) đến mùa xuân 1975 thì những nhiệm vụ Bác Hồ giao, anh đều đã hoàn thành xuất sắc.

Bản thân anh là một người biết cân nhắc điều kiện thực tế để tìm ra cách ứng xử phù hợp nhất. Nếu như ở trận Điện Biên Phủ, anh ấy nghe theo cố vấn Trung Quốc thì chết rồi. Đây cũng là bài học ở anh cần lưu ý. Làm việc với anh Văn, anh luôn hỏi chúng tôi tại sao thế này mà không phải thế kia, hoặc Marx nói thế nhưng ở VN có phù hợp không. Điều ấy cho thấy là anh không giáo điều và luôn tìm thực tiễn VN để soi chiếu cho lý luận Mác-Lênin".

 (Đại tá - TS lịch sử Nguyễn Văn Khoan)

Nguyên Phong (ghi)

Trinh Nguyễn
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.