Vành đai, Con đường của Trung Quốc tập trung hơn vào y tế công

07/02/2022 14:30 GMT+7

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến nhiều dự án chủ chốt trong sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc bị trì hoãn, mức đầu tư cho lĩnh vực y tế công cộng đã tăng trưởng mạnh.

Tờ South China Morning Post ngày 6.2 trích báo cáo nghiên cứu của Trung tâm Tài chính và Phát triển xanh thuộc Đại học Phục Đán (Trung Quốc) cho thấy khoản đầu tư cho các dự án y tế công cộng thuộc Sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI) trong năm 2021 tăng 246% so với năm trước.

Dự án đường bộ do Trung Quốc cung cấp tài chính tại Nairobi, Kenya

Reuters

Cụ thể, mức đầu tư cho việc xây dựng lĩnh vực y tế trong năm 2020 là 130 triệu USD nhưng trong năm 2021 là 450 triệu USD. Trong số các dự án được khởi công có một bệnh viện tại Bobo-Dioulasso ở Burkina Faso.

Theo báo cáo, tổng mức đầu tư và cung cấp tài chính tổng thể vẫn duy trì ổn định là 59 tỉ USD trong năm 2021, gần bằng mức 60,5 tỉ USD trong năm 2020.

BRI là sáng kiến “con cưng” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, được khởi động từ năm 2013 nhằm tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng kết nối châu Á, châu Âu và châu Phi. Dự án được ví như “con đường tơ lụa thời hiện đại” này đến nay hiện diện ở 144 nước.

Sự gia tăng mức đầu tư y tế công diễn ra trong thời điểm các nước đang ứng phó với đại dịch Covid-19 và được thúc đẩy bởi lời kêu gọi của giới chức Trung Quốc rằng cần tập trung nhiều hơn các dự án BRI thuộc lĩnh vực này. Bước chuyển được cho là nhằm xây dựng hình ảnh của Trung Quốc như là lãnh đạo thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Dữ liệu từ Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc dẫn đầu cũng cho thấy sự chuyển biến tương tự đối với các dự án và nguồn đầu tư cho y tế công cộng. Nhà nghiên cứu sau tiến sĩ Doron Ella thuộc Viện Quan hệ quốc tế Leonard tại Đại học Do Thái của Jerusalem (Israel) cho biết dự án y tế công không xuất hiện trong danh mục đầu tư và cung cấp tài chính của AIIB trong năm 2019 nhưng chiếm một nửa trong năm 2020. Đến năm 2021, mức cung cấp tài chính của AIIB cho lĩnh vực y tế công và cho khả năng chống chịu của nền kinh tế giảm xuống nhưng vẫn chiếm 1/4 tổng số đầu tư.

Theo ông Ella, đại dịch Covid-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng y tế công và cuộc khủng hoảng kinh tế, đặc biệt ảnh hưởng đến các nước đang phát triển. Là một tổ chức tài chính quốc tế, AIIB nhận thấy đây là cơ hội để mở rộng hoạt động, qua đó giúp củng cố tính chính thống cho ngân hàng vốn bị Mỹ và Nhật xa lánh, đồng thời giúp Trung Quốc chứng minh sự linh hoạt và khả năng ứng phó với các cuộc khủng hoảng quốc tế.

Trung Quốc "không có cơ sở khoa học" khi nói bưu phẩm lây truyền Omicron
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.