'Vắng trang lịch sử, nào ai biết? Người đã hy sinh vị giống nòi'

Thái Công
Đồng Nai
21/12/2023 09:00 GMT+7

Những lúc ngồi ngắm nhìn hoàng hôn trên sông Đồng Nai, tôi lại bâng khuâng trong hư ảo, nghĩ về các bậc tiền nhân có công lao, góp phần cho sự hình thành và phát triển của miền đất phương Nam...

"Còn đâu đây tiếng vó ngựa phi

Mà ngỡ con tàu vỗ sóng bờ xa

Nỉ non sao tiếng nhạn kêu chiều

Buồm xuôi vô phương Nam phiêu bạt theo thủy triều

Dẫu trải qua thăng trầm giông tố

Qua bao cuộc bể dâu, mãi dâng cho đời

Bài tình ca đất phương Nam".

Khi nghe đến đoạn nhạc này trong ca khúc Bài ca đất phương Nam (Lư Nhất Vũ – Lê Giang), lòng tôi không khỏi dâng trào cảm xúc tưởng niệm những bậc tiền nhân đã có công mở mang bờ cõi về đất phương Nam.

Tổ đình Quốc Ân Kim Cang (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai).

Tổ đình Quốc Ân Kim Cang (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai)

Thái Công

Là một người con của miền núi Ấn sông Trà đến Đồng Nai học tập rồi làm việc, sinh sống tại vùng đất này, thoáng cái đã gần 20 năm, với bao kỷ niệm vui, buồn. Vốn thích tìm hiểu về lịch sử, văn hóa nên khi đến Đồng Nai, tôi để ý thấy đây là một vùng đất có bề dày lịch sử với nhiều di tích rải rác khắp tỉnh như lăng mộ danh nhân Trịnh Hoài Đức, đền thờ Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh, đền thờ Nguyễn Tri Phương, Thất Phủ cổ miếu, mộ cự thạch Hàng Gòn, Văn miếu Trấn Biên…

Khi nói đến công lao mở mang bờ cõi, thường mọi người sẽ nghĩ ngay đến các bậc nam nhân đã có công lao, sự nghiệp to lớn cho việc góp phần hình thành đất nước Việt Nam được trải dài từ ải Nam Quan đến tận mũi Cà Mau như chúa Nguyễn Hoàng, chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Hữu Cảnh, Trần Thượng Xuyên, Mạc Cửu…, còn về nữ nhân, nổi bật có Huyền Trân công chúa thời nhà Trần. Nhưng có một số nữ nhân có đóng góp không nhỏ trong quá trình mở cõi về đất phương Nam thì còn nhiều người chưa biết đến như trường hợp của hai công nữ (*) con của chúa Nguyễn Phúc Nguyên là Ngọc Vạn và Ngọc Khoa, dường như bị "Vắng trang lịch sử, nào ai biết?", từng được nhắc đến trong bài thơ Cảm vịnh hai bà Ngọc Vạn, Ngọc Khoa của thi sĩ Trần Tuấn Khải (1895-1983):

"Cũng vì hạnh phúc của muôn dân

Vì nước, vì nhà, xá quản thân.

Lá ngọc cành vàng coi nhẹ bổng,

Hiếu trung cho trọn đủ mười phân.

Những tiếc riêng cho phận nữ hài,

Đem thân giúp nước há nhường trai.

Vắng trang lịch sử, nào ai biết?

Người đã hy sinh vị giống nòi".

Có thể nói, chính công nữ Ngọc Vạn là người tạo tiền đề cho Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh cũng như chính quyền Đàng Trong thời chúa Nguyễn thực hiện nhiệm vụ sau này vào năm 1698. Theo các tư liệu lịch sử, trước khi Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý miền Nam năm 1698, nhờ công của Ngọc Vạn mà người Việt đã vào đây sinh sống, phát triển.

'Vắng trang lịch sử, nào ai biết? Người đã hy sinh vị giống nòi' - Ảnh 2.

Thơ ca ngợi công lao của công nữ Ngọc Vạn và Ngọc Khoa khắc trên bia tưởng niệm tháp mộ tại Tổ đình Quốc Ân Kim Cang

Thái Công

Theo Nguyễn Phúc tộc thế phả được xuất bản tại Huế (1995) thì tiểu truyện của hai công nữ Ngọc Vạn và Ngọc Khoa mới được xác định như sau:

Về cuộc Nam tiến, Ngài (chúa Nguyễn Phúc Nguyên) đã dùng chính sách hòa bình, thân thiện với Chiêm Thành và Cao Miên. Năm 1620, Chúa gả công nữ Ngọc Vạn cho vua Cao Miên là Chư Chetta II (1618-1686) nên dân chúng vào làm ăn sinh sống ở vùng đất Thủy Chân Lạp của Cao Miên được thuận lợi. Năm 1631, Chúa lại gả công nữ Ngọc Khoa cho vua Chiêm Pô Romê, nhờ đó mà có sự hòa hiếu Chiêm-Việt.

Thi thoảng tôi cũng đến viếng bia tưởng niệm tháp mộ công nữ Ngọc Vạn tại Tổ đình Quốc Ân Kim Cang (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Mỗi lần đến, lòng tôi không khỏi bùi ngùi xúc động khi nghĩ đến hình ảnh một nàng công nữ, vâng lời chúa thượng, dặm trường thiên lý làm dâu xứ người, vượt qua những gian nan, sóng gió, những tranh chấp quyền lực trong nội bộ triều đình Chân Lạp xưa để làm tròn sứ mệnh mà chúa Nguyễn giao cho bà.

'Vắng trang lịch sử, nào ai biết? Người đã hy sinh vị giống nòi' - Ảnh 3.

Bia tưởng niệm tháp mộ hai bà trong khuôn viên Tổ đình Quốc Ân Kim Cang

Thái Công

Có những lúc ngồi ngắm nhìn hoàng hôn trên sông Đồng Nai, tôi lại bâng khuâng trong hư ảo nghĩ về các bậc tiền nhân có công lao, góp phần cho sự hình thành và phát triển của miền đất phương Nam. Trải qua bao cuộc bể dâu, những thăng trầm của lịch sử, đất phương Nam này ngày một phát triển hơn, nhịp sống cũng ngày một hối hả hơn. Chúng ta phải khắc cốt ghi tâm một điều rằng, để đất phương Nam này được như ngày hôm nay là cả một quá trình dài, của nhiều thế hệ đi trước, nhất là những người đầu tiên đi mở cõi. Họ không chỉ là những bậc tướng tài thao lược hay những vị văn quan uyên bác mà còn có nhiều, rất nhiều những binh lính tòng quân, những người dân nghèo khổ phiêu bạt. Và phải kể đến những Hoa kiều mang trong mình ý chí "phản Thanh, phục Minh" nhưng đại nghiệp không thành và chọn đất phương Nam này để sinh sống, đến đời con, đời cháu tiếp nối. Đặc biệt không thể quên công ơn của công nữ Ngọc Vạn, người đã âm thầm góp công to lớn, tạo ra những tiền đề cho công cuộc mở cõi của dân tộc về miền đất phương Nam.

Những bậc tiền nhân đi mở cõi, mỗi người vì mỗi hoàn cảnh khác nhau phải rời xa quê cha đất tổ nhưng đều cùng chung một phương hướng là chọn miền đất phương Nam này để làm chốn dung thân, cùng chung tay với người bản địa điểm tô cho miền đất này ngày càng tươi đẹp hơn như lời ca khúc Bài ca đất phương Nam nổi tiếng:

"Chờ trăng lên cất tiếng gọi nhau

Đờn khảy tang tình đượm thắm hồn ai

Biển xôn xao gió lộng tứ bề

Thuyền ai xuôi phương Nam khoan nhặt trôi lững lờ

Đã trải qua bao mùa mưa nắng, qua bao cuộc đổi thay

Mãi dâng cho đời, bài tình ca đất phương Nam".

(*): Một số tài liệu và kể cả chữ trên bia tưởng niệm tháp mộ công chúa Ngọc Vạn tại Tổ đình Quốc Ân Kim Cang gọi Ngọc Vạn là công chúa. Do sau này, khi nhà Nguyễn được thành lập đã truy tôn cha của công nữ Ngọc Vạn là chúa Nguyễn Phúc Nguyên lên thành Hy Tông Hiếu Văn hoàng đế, nên con gái hoàng đế được tôn thành công chúa. Tuy nhiên, khi còn tại vị, chúa Nguyễn Phúc Nguyên xưng danh là chúa nên việc gọi con gái của chúa là công nữ sẽ sát với lịch sử hơn.

'Vắng trang lịch sử, nào ai biết? Người đã hy sinh vị giống nòi' - Ảnh 4.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.