Trường ca "Chân đất" của người hiền làng thơ

07/11/2012 04:00 GMT+7

Chân đất là trường ca thứ mười của Thanh Thảo. Cái nguồn mạch trường ca dồi dào và sâu lắng của Thanh Thảo có thể cũng đã bắt nguồn từ mạch sống trường tồn của dãy Trường Lũy quê hương ông.

Nếu không sinh ra ở miền đất nghèo khó mà quật khởi ấy, không được nuôi dưỡng bởi nhân dân hào hùng và đau thương ấy thì làm sao Thanh Thảo có viết được những trường ca làm nên tên tuổi của ông như: Những người đi tới biển, Trẻ con ở Sơn Mỹ, Những ngọn sóng mặt trời, Khối vuông ru-bích, Đêm trên cát, Metro… Lần này, Thanh Thảo đã hướng chúng ta vào một hệ quy chiếu thi ngữ mới với cấu trúc của các chương như các “Chân…Thơ” thật độc đáo găm vào tri giác người đọc, từ Chân tre tới Chân ruộng, từ Chân mưa đến Chân núi, từ Chân cò, Chân tháp, Chân mây tới Chân sóng, Chân lũy. Và, từ những đường nét kiến trúc đặc biệt ấy, ông dựng nên ngôi nhà trường ca Chân đất theo giọng điệu riêng mà Thanh Thảo dành cho tập thơ này: uyên thâm mà phóng túng, dân dã mà hiện đại, tối giản mà sâu sắc, bình dị mà đa dạng.

 
Bìa trường ca Chân đất của Thanh Thảo

Nếu ở Chân tháp, ông ngược về những thế kỷ trước của văn hóa Chàm, để chiêm nghiệm cái đẹp thì ở Chân lũy, ông đã cùng người dân quê mình vác đá xây Trường Lũy: Đá cõng đá cõng đá/mồ hôi cõng mồ hôi/tháng năm cõng tháng năm/người cõng người/xây nên Trường Lũy/cùng mọi người tôi vác đá xây lũy/cùng mọi người tôi vác tự do vác tình anh em qua lũy/cùng mọi người tôi ném những trái ngang khỏi lũy/chúng tôi không xây Vạn Lý Trường Thành/chúng tôi đếch cần hảo hán/chúng tôi tươi vui bình thản/dù chân lũy tới chân trời/xa lắc chơi vơi.

Đặc biệt, ở Chân sóng, những câu thơ đau đớn của Thanh Thảo như những vết bầm dập trên cơ thể đất nước làm chúng ta xúc động: Lặng im như đá mồ côi/họ dạy anh tình yêu không lời/không thể thiếu Hoàng Sa/không thể sống thiếu biển/anh yêu biển mà anh đứng trên bờ/anh yêu nước mà không biết bơi/làm sao anh hiểu/có những người lính đảo/trần lưng trước mưa đạn quân thù.

Người tài trong làng thơ Việt hôm nay đã thật hiếm và người hiền trong làng thơ Việt hôm nay càng hiếm hoi hơn. Với Thanh Thảo, tôi cho rằng ông có đủ cả hai phẩm chất trên, bởi thế con người thơ trong ông dường như không chịu ngủ quên trên những giá trị thẩm mỹ cũ, nên cứ dăm năm, ông lại “tái xuất giang hồ” với thể loại trường ca tưởng như đang trở thành một “loài thơ quý hiếm” đáng đưa vào sách đỏ của thi ca nước mình. 

Nguyễn Việt Chiến

>> Độc đáo nhà thờ đá Tam Đảo
>> Tài hoa bàn tay “thợ kép”
>> Tiễn" - Thơ của Tôn Nữ Thanh Yên
>> Tuyệt mù" - Thơ của Lê Minh Quốc
>> Còn một nửa mùa sen" - Thơ của Nguyễn Việt Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.