"Trò chuyên với mưa" - Truyện ngắn của Hoàng Trọng Dũng

04/12/2011 02:34 GMT+7

1. Mưa… Mưa… Mưa… Những cơn mưa dai dẳng, ám ảnh. Bầu không khí ẩm ướt giam cầm vạn vật, không cho bất cứ một cái gì thoát khỏi nó - nền nhà, những bức tường, giường chiếu, quần áo, đầu tóc da thịt…

1. Mưa… Mưa… Mưa… Những cơn mưa dai dẳng, ám ảnh. Bầu không khí ẩm ướt giam cầm vạn vật, không cho bất cứ một cái gì thoát khỏi nó - nền nhà, những bức tường, giường chiếu, quần áo, đầu tóc da thịt…

Những bức tranh tĩnh vật trên tường buồn bã. Những quyển sách trên giá ỉu xìu. Thời gian bị nhúng nước, chiếc kim đồng hồ mệt mỏi gắng gượng bò trên mười hai con số.

Vợ chồng Vị ghé Nha Trang trên đường trở ra Hà Nội. Từ Nha Trang, Vị gọi điện báo cho vợ tôi Đà Nẵng sẽ là điểm dừng chân tiếp theo, than phiền không chiều nào Nha Trang không mưa. Đề phòng Vị đổi ý, vợ tôi lờ tịt không một lời về những cơn mưa tầm tã đang bao phủ bầu trời Đà Nẵng.

Vị là một trong những người bạn thân của vợ tôi từ thời sinh viên. Hầu như không lần nào ra Hà Nội vợ tôi không gặp Vị. Tôi biết Vị, cô học ngành xây dựng còn tôi theo ngành cơ khí. Đã gần bốn mươi năm tôi chưa gặp lại cô sinh viên ngày xưa. Chồng Vị nghe nói cũng là cựu sinh viên ở Rumani. Nếu như không có chúng tôi - chính xác hơn là vợ  tôi ở Đà Nẵng, chắc chắn vợ chồng Vị sẽ bay thẳng ra Hà Nội.

Cuộc điện thoại của Vị giống như một tia nắng giữa ngày mưa. Tia nắng không làm hết mưa, nhưng nó xáo trộn nhịp điệu đều đều tẻ ngắt của những cơn mưa.

Căn nhà rộng rinh của chúng tôi sắp có thêm tiếng người, những bước chân lên xuống cầu thang, những tiếng cười. Ngay cả chỉ một ánh mắt, dầu chẳng có âm thanh, vẫn có thể tạo nên nhịp điệu, nhất định thế.

 
Minh họa: Tuấn Anh

 

 

 

Nhưng tia nắng chưa kịp chiếu sáng đã bị đe dọa. Mưa như thế này, biết đưa bạn đi chơi thế nào? Chẳng lẽ cứ ngồi bó gối trong nhà nhìn mưa? Tôi không mấy khi nói ra thành lời những ý nghĩ của mình. Nhưng vợ tôi, giống hệt những người đàn bà khác trên thế gian này, một khi có điều gì băn khoăn, thì lập tức nỗi băn khoăn đó biến ngay thành lời nói. Đứng trong bếp, vợ tôi trù tính những món ăn sẽ đãi bạn. Bánh xèo nhất định thích hợp với ngày mưa. Mì Quảng sẽ là món lạ miệng. Bánh tráng cuốn thịt heo đem đến hương vị chưa từng xuất hiện ở Hà Nội.

Vợ tôi thốt thành lời những ý nghĩ của mình, mặc nhiên biểu hiện tình cảm dành cho hai người bạn sắp xuất hiện! 

***

2. Tôi cầm ô ra đón bạn.

Qua cửa kính taxi, Vị vẫy vẫy tay chào tôi. Điềm - chồng Vị, mở cửa xe bước xuống trước. Tôi và Điềm chưa bao giờ gặp nhau. Ngay cả tên của anh, tôi cũng mới được vợ cho biết.

Tôi cười, gật đầu chào Điềm, nhưng anh nhìn tôi như nhìn một cục đất nhão nhoét dưới trời mưa, rồi tiến ngay về phía cổng nhà đã mở sẵn, nơi vợ tôi đang đứng với gương mặt hân hoan.

Người ta bảo ấn tượng đầu tiên rất quan trọng, nó mách bảo gần như tuyệt đối chính xác về người đối diện với mình. Vậy thì người vừa ném cái nhìn thờ ơ về phía tôi gây cho tôi ấn tượng gì?

Rất có thể đây là con người ngoài công việc ra thì không có gì khiến anh ta quan tâm, một con người khô khan, và trong một chừng mực nào đấy, ích kỷ? Nhìn hành lý của Điềm, tôi càng tin vào nhận định của mình.

Ở thời buổi người ta toàn dùng vali, vali có bánh xe, người đang xách hai chiếc túi du lịch giả da nhàu nát kia hẳn không mảy may chú ý tới vẻ ngoài của mình.

Vợ tôi cho biết Điềm cực kỳ thông minh. Anh là một trong ba sinh viên tốt nghiệp với điểm số tối đa. Phải nhiều năm mới có một sinh viên tốt nghiệp điểm mười. Khóa của Điềm lại có những ba người, trong đó Điềm là sinh viên Việt Nam duy nhất, ít nhiều gây xôn xao dư luận.

Về nước, phần lớn thời gian Điềm công tác ở Viện dầu mỏ. Xen kẽ là khoảng thời gian làm cao học ở Brunei, hoặc làm việc tại Đan Mạch khi anh đang tham gia một dự án. Lùi về quá khứ một quãng nữa, học sinh Điềm luôn xuất sắc trong lớp toán đặc biệt, tức lớp chuyên toán như tên gọi sau này.

Vài nét về Điềm như thế, phần nào củng cố ấn tượng của tôi. Tuy nhiên Einstein bảo tôi không nên tuyệt đối hóa niềm tin. Rất có thể Điềm vừa hục hặc với vợ trên xe, hoặc giả phức tạp hơn, mưa đem đến cho Điềm tâm trạng buồn chán?

Hai người đàn bà quấn lấy nhau, “tao tao mày mày”, chuyện trò tíu tít. Trong phút chốc hai người đàn bà đã ngoài sáu mươi tìm lại được những năm tháng thanh xuân. Mưa không hề làm giảm hưng phấn của phút giây gặp gỡ. Có thể bắt một người đàn bà nhịn đói cả ngày. Nhưng thật khó bắt một người đàn bà im lặng suốt một ngày! Những âm thanh tràn ngập tai tôi, át cả tiếng mưa. Những loại thuốc cần uống đối với người lớn tuổi… thực phẩm chức năng… giá cả ngoài chợ… con cái… cháu nội cháu ngoại… hình như không có gì trên thế giới này không trở thành chuyện khi hai người đàn bà gặp nhau. Tôi không nhớ nổi vợ tôi và Vị đã nói với nhau những gì. Khi hai người đàn bà rút lui vào phòng ngủ, đóng cửa để tiếp tục cuộc chuyện trò miên man bất tận của họ, bỏ mặc hai gã đàn ông mới quen biết nhau, thực tình tôi không biết sẽ phải xoay xở ra sao.

Tôi là người ít nói, ngại giao tiếp. Nhưng với tư cách chủ nhà, tôi không thể để mặc Điềm. Thật may tôi biết công việc của Điềm. Tôi hỏi về các mỏ dầu, về các loại dầu mỏ, về công nghệ lọc dầu. Tôi hỏi gì Điềm trả lời nấy, ngắn gọn và đầy đủ. Kiến thức về dầu mỏ của tôi cũng chỉ gói gọn trong vài câu mà không ai không biết. Còn Điềm, có lẽ anh ít nói hơn cả tôi.

Chỉ trong vài phút, hai chúng tôi rơi vào im lặng. Tôi mong Điềm hỏi tôi, về thành phố Đà Nẵng, về công việc của tôi chẳng hạn. Nhưng chờ mãi, vẫn chỉ nghe tiếng mưa đều đều gõ nhịp.

Hình như Điềm cũng có lúng búng trong miệng gì gì đó về thời tiết, về mưa. Chưa bao giờ tôi chán mình đến thế. Vợ tôi và Vị trò chuyện với nhau sao dễ dàng. Còn tôi, không hiểu sao đầu óc tối tăm như hũ nút, không nghĩ nổi ra chuyện gì để nói.

Thật may, đúng lúc tôi chán mình đến cùng cực thì cánh cửa phòng ngủ mở ra. Hai người đàn bà ồn ào, rổn rảng rủ Điềm đi tham quan bán đảo Sơn Trà và sau đó tắm biển.

Tắm biển ngày mưa, đi chơi Đà Nẵng ngày mưa, không tuyệt vời sao?

Vẻ mặt Điềm cho thấy anh không hứng thú gì với ý tưởng của vợ. Nhưng rất có thể do nể vợ tôi nên anh chìa tay nhận chiếc áo mưa, không hề phản đối. Thêm nữa, tôi ngờ rằng Điềm nhận lời đi chơi vì ngại cái cảnh tôi và anh cứ lúng ta lúng túng, không có gì để nói với nhau! 

***

3. Bữa tối, chúng tôi ăn bánh xèo.

Vợ tôi bảo tôi khui rượu. Tôi biết vợ tôi muốn dùng rượu vang. Nhưng giữa một ngày mưa, lại đang nhạt miệng, tôi thích một thứ gì nặng hơn. Tôi mở chai Bushmill Malt, một loại whisky nấu bằng lúa mạch. Trong cảm nhận của tôi, không rượu nào thẳng thắn và nồng nhiệt như whisky.

Tôi và Điềm nhanh chóng cạn ly. Khi tôi rót ly thứ hai, Vị nhắc tôi sức uống của Điềm có hạn. Tửu lượng của tôi cũng không hơn Điềm. Nhưng mưa lạnh, rượu ngon, chúng tôi liên tục cạn ly.

Mưa ở ngoài trời, còn rượu chảy trong cơ thể, râm ran, nóng rực.

Sau khi dùng bữa, hai người đàn bà của chúng tôi lại rút lui vào phòng ngủ. Qua cánh cửa, những tiếng rúc rích vọng ra. Không biết Vị hay vợ tôi đang thử một chiếc áo mới mua. Đàn bà là thế, luôn bị thời trang mê hoặc, bất chấp tuổi tác.

Mưa vẫn không dứt, mà nghe chừng dày hơn, nặng hạt hơn.

Tôi pha một ấm trà. Những cánh trà nhỏ như đầu que tăm, người Trung Hoa gọi là trà tước thiệt, tức lưỡi chim sẻ. Hương trà phảng phất, vị trà chát ngọt.

Sau một bữa ngon và những ly rượu ngon, không gì bằng một ấm trà nóng bỏng môi. Cuộc chuyện trò giữa tôi và Điềm có vẻ trôi chảy hơn. Đã một buổi gần nhau, ít nhiều làm chúng tôi đỡ ngượng ngập.

Những ly rượu xới tung kho từ ngữ. Chúng tôi có chung những năm tháng ở đất nước Rumani xinh đẹp, những cô học sinh lớp mười một, mười hai đẹp thắt lòng thủ thỉ rủ mình đi dạo bên bờ Đưm-bô-vít-xa. Những câu thì thầm mượn lời nhà thơ lớn Mihai Eminescu nửa đùa nửa thật. “Te iubesc atit de mult…ale tale doruri toate / numai eu stiu si le ascult…”(*). Những trận đá bóng trên lớp tuyết dày còn mệt hơn đá trên cát…

Một khi đã mở miệng, thì cả một thời đầu xanh tuổi trẻ, một thời vụng dại cứ tràn ra.  Tôi nói, Điềm nghe và góp chuyện. Tuy nhiên có vẻ như Điềm vừa dõi theo chuyện tôi nói để không tỏ ra mất lịch sự, vừa bị phân tâm bởi một chuyện khác trong đầu. Chốc chốc Điềm lại hướng tầm mắt qua khung cửa sổ. Nhưng phía sau lớp kính cửa sổ, không có gì ngoài những cơn mưa.

Bất chợt Điềm bảo tôi Hà Nội không bao giờ mưa như thế này. Quê vải Thanh Hà của anh không bao giờ mưa như thế này.

Ngoài ấy mùa này, những trận mưa phùn như bụi nước, những trận mưa dầm kèm theo gió bấc. Hạt mưa nhỏ, không làm ướt áo ngay, nhưng lâu thì ngấm thì thấm thía. Rằng năm ngoái anh vừa về họp lớp toán ngày xưa của mình…

Câu chuyện của chúng tôi chuyển từ thủ đô Bucharest về một vùng quê Việt Nam… Có một ngày mưa Điềm đi cùng cô bạn thôn bên, học lớp dưới. Đường trơn, cô bạn trượt chân. Theo phản xạ Điềm đưa tay ra đỡ, vô tình chạm tay vào ngực bạn.

Là vầng trăng non e ấp. Là đọt măng vừa nhú... Cả hai đứng như trời trồng giữa cơn mưa… Thật khó có thể diễn tả được cảm xúc lúc đó.

Lớp toán của Điềm có hai bạn nữ, còn lại toàn con trai. Hai bạn nữ không xinh như cô bạn thôn bên. Hai bạn nữ không nhìn trộm Điềm như cô bạn lớp dưới.

Lớp toàn con trai nên những trò đùa toàn mang hơi hướng con trai. Bốn đứa bốn bên xách hai chân hai tay Điềm nện xuống đất, kỳ cho đến khi phải khai ra là thầm yêu trộm nhớ cô nào.

Một lần như thế, dù chưa hề yêu ai thương ai nhưng đau quá không chịu nổi, Điềm buột miệng nói đại một cái tên. Và đó là tên của cô bạn thôn bên, lớp dưới.

Chuyện lan ra, cô bạn tránh mặt Điềm. Nhưng trong mỗi sáng thứ hai học sinh cả trường làm lễ chào cờ, Điềm vẫn cảm nhận có một ánh mắt hướng về phía mình. Chuyện chỉ thế thôi.

Nhưng rồi không hiểu sao cô bạn thôn bên lớp dưới ấy lại không lấy chồng, kéo theo cả hai cô em cũng chẳng lấy chồng.

Điềm nói không hiểu sao miệng Điềm lại bật ra tên cô bạn đã cùng ướt áo trong mưa mà không phải một cái tên bất kỳ nào khác. Rằng trong chuyện không lấy chồng của người ta liệu anh có dự phần?  

***

Các cô có chờ những chàng trai ra trận, những chàng trai đi học xa…

Và rồi thời gian không chờ đợi cùng người…

Và rồi năm tháng chất chồng…

Tôi không biết phải nói gì với Điềm. Có những câu hỏi chỉ dành riêng cho người nhận nó.

Những câu hỏi thuộc dạng như thế, người ta gọi là những câu hỏi cứu rỗi của Chúa.

Mưa, vẫn mưa…

Chẳng biết đến bao giờ mới tạnh…

Truyện ngắn của Hoàng Trọng Dũng

(*) “Anh yêu em rất nhiều… Tất cả những mong muốn của em, chỉ mình anh biết và nghe thấy’’.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.