Lễ hội và câu hỏi về tình yêu

26/02/2011 17:48 GMT+7

Đã có ai thử làm cái việc “đo đếm” là hiện nay, mỗi năm trên cả nước ta có bao nhiêu lễ hội? “Không dám” đụng chạm đến những “tên tuổi” lớn như Lễ hội Festival Huế, Ngày hội dân gian các vạn chài (Bình Thuận), Lễ hội hoa Đà Lạt, Lễ hội Lăng Cô biển huyền thoại (Thừa Thiên - Huế), Huyền thoại Ba Bể (Bắc Kạn), Lễ hội truyền thống Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương)…, còn biết bao lễ hội nữa mà nếu liệt kê, e rằng sẽ hết “đất” của trang báo!

Nói theo cái giọng có vẻ hơi hơi khinh bạc như thế, mới nghe qua, dễ bị hiểu là… dị ứng với lễ hội (!?). Một con dân Việt, lẽ nào lại thờ ơ với chính một trong những điều làm nên một phần đời sống tinh thần của chính mình? Lẽ nào, có ai không từng lưu giữ ít nhiều ấn tượng tốt đẹp về tiếng trống rộn ràng thúc giục và những bóng cờ ngũ sắc, về những tiếng hò câu hát và những trò chơi dân gian… trong chí ít đôi lần cùng cha mẹ, anh chị hoặc những người thân tham dự lễ hội từ thời niên thiếu? Dù có được nhận thức hay không, cái áng hồi quang từ những sinh hoạt văn hóa cộng đồng ấy vẫn cứ soi chiếu trong thời gian sống của mỗi người chúng ta, là một phần làm nên tình quê nghĩa nước. Lễ hội chính là một trong những cái - biểu - hiện của truyền thống Việt.

Lễ hội “chân chính” vốn xuất phát từ niềm tin; và trong niềm tin, hẳn nhiên có nhiều loại. Mê tín đã có đất đứng từ xa xưa trong lịch sử, giờ đây lại càng có điều kiện sống lại. Điều ấy cũng là một tất yếu, sau một thời gian dài bị những cực đoan của tâm thức duy lý đẩy lùi; sau những năm “lặng lẽ” trong thời khó khăn của một đất nước vừa ngưng tiếng đạn bom, lễ hội những năm gần đây dần dần lớn dậy mạnh mẽ. Cùng với du khách nước ngoài và khách du lịch, những chuyến hành hương trong nước không ngừng tăng lên, lễ hội được mùa, nở rộ. Nhiều hoa trong vườn, tất nhiên là vui mắt. Nhưng có lẽ cũng tất nhiên, vườn cần được chăm sóc chu đáo hơn. Để đẹp vườn hơn, để tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền của…

Mỗi tỉnh, thành liệu đã thử  tính toán, rằng hằng năm, những lễ hội diễn ra trong địa phương mình đã “ngốn” hết bao nhiêu tiền? Để đem lại kết quả gì, cả về tiền bạc lẫn những trái quả không đo đếm, không nhìn thấy được? Và trên cả nước, tổng cộng là bao nhiêu? Tiền thì dễ đếm, nhưng lợi ích “phi vật thể” e rằng còn phải… tranh luận. Bởi, mọi việc không thể chỉ tính bằng tiền. Vậy thì vấn đề là ở trình độ, kiến thức, bản lĩnh tổ chức, quản lý. Nhưng trên tất cả, là sự trung thực, là trách nhiệm. Bởi, đã có biết bao lãng phí cho những nhân danh. Mà hàng đống giấy bạc không-đem-lại-gì kia, phải gọi tên thế nào đây, nếu không là sông-mồ-hôi, suối-nước-mắt?

Tổ chức lễ hội là việc cần có hiểu biết rộng và chuyên môn cao, là một loại nghệ thuật - kỹ thuật.

Nhưng đầu tiên và cuối cùng, lễ hội là tình yêu. Đầu tiên là tình yêu quê hương của người tổ chức lễ hội: vì chính cái cộng đồng mà họ đã sinh ra và lớn lên. Cuối cùng, là tình yêu của những người dân tham gia vui chơi - tưởng nhớ - và tìm hiểu trong mỗi lễ hội.

Những ngày này, báo chí phản ánh khá nhiều về những tệ trạng, như việc hàng ngàn người đổ xô đi “xin ấn” ở thành phố Nam Định vào ngày 16.2 vừa qua... Nghĩ gì và sẽ làm gì trước sự việc mà ý nghĩa xã hội của nó không hề là “chuyện nhỏ” chút nào? Nghĩ gì, và sẽ làm gì khi không ít một số viên chức có trách nhiệm cũng vui vẻ tham gia trong việc khuếch trương các loại lễ hội bộn bề phức tạp ấy?

Trên nguồn ký ức, tiếng trống gọi tôi chạy về thời trẻ thơ, chạy ra đình làng, nhìn lên những ông bác, ông chú đang trang nghiêm bái vọng tổ tiên, trong nghi ngút khói nhang và mùi hương trầm thiêng liêng, không phai nhạt.

Nguyễn Đông Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.