Nhà hát mang dấu ấn văn hóa Chợ Lớn tại The Garden Mall

30/11/2017 16:44 GMT+7

Thu hút hàng nghìn du khách ngay trong dịp khai trương, The Garden Mall khiến nhiều người thêm mong đợi để chờ đón ra mắt Nhà hát Chợ Lớn (Théatre de ChoLon).

Những ngày này, người dân TP.HCM nói chung và khu Chợ Lớn quận 5 nói riêng rất phấn khởi với sự chuyển mình ngoạn mục của Trung tâm Thương mại và Văn hóa The Garden Mall (trước đây là khu thương mại của Thuận Kiều Plaza).
Xứng tầm với sự góp phần trong lịch sử phát triển về mọi mặt chung của TP.HCM, The Garden Mall không chỉ là biểu tượng của một trung tâm thương mại sầm uất, nhộn nhịp mà còn là khu phức hợp về văn hóa, giải trí, ẩm thực với định hướng hoạt động đáng quý là lưu giữ những giá trị di sản mang tính kế thừa truyền thống và phát huy tính hiện đại.
Nhưng điểm nhấn của The Garden Mall chính là Nhà hát Chợ Lớn - Théatre de ChoLon, nằm trên tầng 3 thuộc Khu văn hóa Chợ Lớn. Nhà hát sẽ phát triển theo hướng tôn vinh nét đặc sắc của sự giao thoa giữa các bản sắc văn hóa dân tộc vùng đất Gia Định - Sài Gòn - Chợ Lớn hơn 300 năm.
Nhà hát Chợ Lớn sẽ là điểm đến thú vị để du khách thư giãn, giải trí với các vở diễn mang giá trị bản sắc TP.HCM
Nhà hát Chợ Lớn sẽ là điểm đến thú vị để du khách thư giãn, giải trí với các vở diễn mang giá trị bản sắc TP.HCM
Đây sẽ là sân khấu đa năng phục vụ hoạt động bảo tồn, tôn vinh các loại hình nghệ thuật truyền thống như hát bội, hồ quảng, cải lương, kịch nói và cả trình diễn giới thiệu thời trang mới trên ý tưởng trang phục truyền thống… cùng nhiều hoạt động văn hóa đa dạng như triển lãm, hội thảo, trò chuyện chuyên đề thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của người dân trong địa bàn quận 5 và khách du lịch đến TP.HCM, đặc biệt là du khách quốc tế.
Bên cạnh đó, Nhà hát sẽ là nơi tôn vinh các tác giả, các nghệ sĩ, nghệ nhân đã góp phần bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu truyền thống và cả những ngành nghề mỹ nghệ thủ công lâu đời, tạo môi trường giao lưu văn hóa giữa công chúng với những tác phẩm kinh điển và sáng tác mới.
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng - người sáng lập Bảo tàng Áo Dài và chương trình nghệ thuật Điểm một thời, sẽ đảm trách vai trò Giám đốc nghệ thuật của Nhà hát. Ông cho biết: “Nhà hát Chợ Lớn được coi như một thánh đường đối với những người làm nghệ thuật sân khấu, nơi mà chúng tôi có thể truyền tải tới công chúng những thông điệp ý nghĩa qua các kịch bản mang đầy giá trị văn học, nghệ thuật”.
Đêm hoa lệ do nhà báo Trác Thúy Miêu viết kịch bản và được dàn dựng bởi đạo diễn Vũ Trần - Á quân Kịch cùng Bolero, được chọn để diễn khai trương Nhà hát Chợ Lớn vào ngày 30.11. Vở diễn sẽ tái hiện không gian hoài niệm của Sài Gòn hoa lệ, nơi từng được mệnh danh Hòn ngọc viễn Đông.
Nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết tái hiện một trích đoạn trong vở diễn kinh điển Thái hậu Dương Vân Nga trong Đêm hoa lệ
Nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết tái hiện một trích đoạn trong vở diễn kinh điển Thái hậu Dương Vân Nga trong Đêm hoa lệ
“Người ta có thể có công cụ internet, các viện bảo tàng để thâu nạp nhiều thông tin, tin tức, dữ liệu. Tuy nhiên, tham vọng của những người thực hiện chương trình là khi xem xong Đêm hoa lệ, mỗi khán giả sẽ là một đại sứ văn hóa, sẽ có một câu chuyện để kể về vùng đất mình đang sống, và mỗi trái tim, mỗi ký ức của khán giả sẽ là một bảo tàng cá nhân. Đó là cách ngay trước mắt các nhà hoạt động văn hoá có thể làm để đóng góp vào công tác bảo tồn, bảo tàng văn hóa tiệm cận và gần gũi nhất”, nhà báo Trác Thúy Miêu chia sẻ.
Tập thể nghệ sĩ, diễn viên đầy tâm huyết của nhà hát
Tập thể nghệ sĩ, diễn viên đầy tâm huyết của nhà hát
Nhà hát Chợ Lớn mong muốn tạo được sự lan tỏa và hưởng ứng của công chúng, đặc biệt là giới trẻ và du khách nước ngoài khi dừng chân tại TP.HCM. Các nội dung chương trình sẽ được đưa vào lịch diễn công bố để phát hành bán vé trước. Đây sẽ là địa chỉ quen thuộc thưởng thức văn hóa nghệ thuật của người dân thành phố và trong các chương trình tour khám phá văn hóa bản địa của các công ty du lịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.